Nhạc sĩ Ðỗ Bảo:

Người sáng tác trẻ đang đối diện nhiều cám dỗ

Hỏi nhạc sĩ Ðỗ Bảo: Dạo này anh viết gì?- “Tôi chẳng viết gì cả. Thỉnh thoảng, nghệ sĩ cũng phải biết lặng im, lắng nghe những âm thanh của cuộc đời dội vào”. Ðỗ Bảo (ảnh nhỏ) nói, tuổi 40 đã đến, anh không còn sốt ruột như ngày xưa nữa. Trong cuộc trò chuyện mới nhất, nhạc sĩ của hiện tượng “Cánh cung” dành nhiều thời gian nói về câu chuyện thế hệ.

Nhạc sĩ Ðỗ Bảo đệm đàn cho ca sĩ Ngọc Anh trong đêm nhạc “Mùa thu giấu em”, tháng 8-2019.
Nhạc sĩ Ðỗ Bảo đệm đàn cho ca sĩ Ngọc Anh trong đêm nhạc “Mùa thu giấu em”, tháng 8-2019.

Một thế hệ hoàn toàn mới

- Anh thuộc về một thế hệ sáng tác tuy không đông nhưng đã tạo được dấu ấn riêng trong đời sống âm nhạc nước nhà. Ở thời điểm hiện tại, anh cảm nhận như thế nào về dấu ấn của thế hệ mình?

- Thế hệ chúng tôi có cái khổ nhưng cũng có cái may. Là thế hệ bản lề, trước và sau khi internet tràn vào nước ta; nên chúng tôi có cả hai mầu sắc và cái nhìn hai chiều trong âm nhạc. Lúc đó, tôi mới 19 tuổi, và bắt đầu những năm tháng hoạt động âm nhạc rất tràn đầy. Chúng tôi có thể đại diện cho giới trẻ để nói về thế hệ trước cũng được; mà đứng ở khía cạnh thế hệ trước để nói về các bạn trẻ cũng được. Không chỉ là câu chuyện internet, câu chuyện bản lề trong âm nhạc, mà còn là vấn đề âm nhạc thời bắt đầu xây dựng xã hội mới sau giải phóng, hay còn gọi là thời mở cửa, bắt đầu hội nhập. Tôi nhớ từ lúc đó, chúng ta mới có khái niệm nhạc nhẹ Việt Nam. Bây giờ, các bạn trẻ 8x, 9x, thuộc về một nền công nghiệp âm nhạc rồi, không có như thời chúng tôi nữa (tuy rằng, hãy còn non trẻ nhưng đã bắt đầu hình thành và ổn định).

- Nhìn lại, thế hệ các anh, từ Quốc Bảo, Lê Minh Sơn, Ðức Trí, Trần Mạnh Hùng… dù sao cũng gắn với mạch sáng tạo của những người đi trước. Trong suy nghĩ của anh, sự liền mạch đó đến hôm nay còn không?

- Có lẽ, sau một bước hụt hay một điểm chia cắt nào đó, đã sản sinh ra một thế hệ hoàn toàn mới. Họ khác thời chúng tôi lắm. Nếu thế hệ chúng tôi được xem là một cái cầu nối liền hai giai đoạn, có tiếp nối, thì tư duy của thế hệ sau này hoàn toàn thoát ra, và đứt gãy khỏi cái mạch ấy.

- Ý anh nói, thế hệ của anh cũng đã khép lại mạch chảy một giai đoạn của âm nhạc Việt Nam?

- Thế hệ chúng tôi không có nhiều người, bạn có thể đếm ra trên đầu ngón tay. Gạch nối mỏng nên có lẽ, đã không đủ để truyền tải cho thế hệ mới một điều gì đó. Sức ảnh hưởng không quá mạnh. Cộng với phương thức của nghệ sĩ thế hệ mới, họ sinh ra, lớn lên, làm nghề, họ nghĩ khác rồi. Thậm chí, cách quảng bá lăng-xê cũng khác. Văn hóa khác. Cách họ nhìn nhận về giá trị, về tiền bạc cũng khác. Ðó là một thế hệ hoàn toàn mới.

- Vậy điều đó tốt hay không tốt?

- Từ góc nhìn của tôi, những người trẻ hôm nay đang gặp phải nhiều khủng hoảng. Họ lớn lên và làm nghề trong một thế giới mà ảnh hưởng của phương Tây không còn tốt đẹp nữa. Ngày xưa, vào khoảng những năm 1960-1980, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, âm nhạc phương Tây phát triển bùng nổ, sinh ra rất nhiều đỉnh cao âm nhạc, các ban nhạc như The Beatles, ABBA,… Các thể loại âm nhạc đều có những cây đa, cây đề đỉnh cao. Âm nhạc của họ đi đến đỉnh chóp cao vời vợi mà không cần phải dùng những phương thức khác ngoài âm nhạc. Họ không bị phân tán về mặt tâm trí nên dồn hết vào âm nhạc. Tuy nhiên, càng ngày các đỉnh càng thấp xuống. Cho đến thời điểm có công nghệ can thiệp vào, sự khổ luyện trong nghề giảm đi. Do có công nghệ hỗ trợ, thu âm một bài có thể thu nối, ca sĩ có thể hát 50 câu nối thành bài. Ngày xưa không như vậy, ca sĩ phải khổ luyện lắm. Bây giờ, ca sĩ không có giọng nhưng nhờ kỹ thuật che đi, lấp liếm, cũng có thể trở thành sao. Giống như nhiếp ảnh, người ta có thể thay đổi một con người trong bức ảnh ra sao thì âm nhạc như thế. Nghệ sĩ lười đi, dành năng lượng cho những việc khác ngoài âm nhạc như scandal, khoe khoang… Thế hệ trẻ bây giờ lớn lên trong giai đoạn các đỉnh giá trị bị thấp đi, mà ràng buộc những thứ khác ngoài âm nhạc lại tăng lên. Ðịnh nghĩa về thành công cũng thay đổi. Lao động cho âm nhạc ít đi, mà lao động cho những điều chung quanh âm nhạc nhiều hơn. Họ lớn lên trong giai đoạn như thế, họ học tập cái gì? Cần gì phải khổ luyện, khi mà danh xưng cũng có thể đi mua được, khán giả có thể hô hào chiến dịch “cày view”, chưa kể, còn có nhãn hàng tài trợ… Ðương nhiên, họ làm sao có thể vắt óc cho một cái gì đó nghiêm túc? Những điều đó làm mất đi chức năng nhân bản của âm nhạc, hướng tâm hồn con người đến những điều tốt đẹp. Ðiều đó diễn ra trên toàn thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Giờ đây, sự rung động bởi một ca khúc, nói không có thì không đúng, nhưng hiếm.

Người sáng tác trẻ đang đối diện nhiều cám dỗ ảnh 1

Ðiều quan trọng nhất là bản lĩnh của nghệ sĩ

- Và hình như có những người đang bước vào một cuộc chiến MV tiền tỷ, hoặc mời được bao nhiêu sao quốc tế vào MV của mình thì mới hợp mốt…

- Ðó là một sự khoe khoang, biết sao được. Tất nhiên, đâu đó, cũng có những thừa nhận, dành cho thế hệ này, nhưng buồn nhiều hơn. Sự thừa nhận đó chưa đủ để tạo nên một vệt đầy đặn. Nếu phủ nhận hoàn toàn thì hóa ra mình là người cực đoan; nhưng nếu thừa nhận thì chưa đủ thuyết phục. Ðó cũng là lý do mà tôi không muốn hòa đồng vào đời sống âm nhạc đó. Vì những gì được xem là hay nhất, vì những gì mà người ta tung hô, đó không phải là âm nhạc. Tại sao mình phải hòa vào đó? Ðể làm gì, trong khi, đứng một mình tĩnh lặng, vẫn thấy hạnh phúc.

- Trong lứa viết nhạc mới, anh ấn tượng với ai không?

- Ở đâu đó, sẽ có một số người hay ho nhưng ấn tượng toàn diện thì tôi chưa nhận thấy một ai cả. Tôi thấy đa số đang loay hoay và sốt ruột. Ðang viết ca khúc này họ đã sốt ruột chuẩn bị cho ca khúc kế tiếp, thiếu sự đào sâu vào bản thể bên trong mình. Hoặc cũng có thể, do tôi không có đủ thời gian để quan sát hoặc âm nhạc của họ chưa đủ mạnh để hấp dẫn tôi.

Với cá nhân mình, tôi lại thích vài người chơi nhạc, chơi đàn nghiệp dư (theo cách hiểu thông thường). Chẳng hạn, họ làm cho một công ty quảng cáo nhưng dành rất nhiều thời gian cho việc tập đàn, trong khi những người chuyên nghiệp có khi chẳng làm được. Ðó là một thái độ thầm lặng mà đáng quý. Trong lòng tôi, họ là những nghệ sĩ có tự trọng, hiểu niềm vui thật sự của âm nhạc. Ðó không phải là việc được mọi người tung hô ra sao, MV được bao nhiêu view…; mà giống như vitamin, âm nhạc bồi bổ ta mỗi ngày.

- Nhưng có vẻ, hiện nay, không nhiều nghệ sĩ ở ta nhận thức được điều đó, thưa anh?

- Nhiều bạn trẻ mới loanh quanh ở bên rìa mà không đi được vào âm nhạc, không lựa chọn được niềm vui thật sự. Có những bạn, kể cả sinh viên của tôi, khoe viết được bài hát này viết cho ca sĩ nọ hát nhiều view, kiếm được tiền, cảm thấy rất vui vì điều đó. Tôi thấy thương nhưng cũng không biết nói sao về những câu chuyện như vậy cả.

Nhưng cái gì cũng cần có thời gian. Tuổi trẻ là quãng thời gian người ta phải thu thập, chọn lọc và vứt bỏ dần… rồi mới nhận ra mình thuộc về điều gì, điều gì là đúng với tâm hồn mình. Ít nhiều chúng tôi ngày xưa cũng thế. Thuở mới vào nghề, chúng tôi cũng chơi đủ thứ nhạc, nghe đủ thứ, và cũng bị ảnh hưởng đủ thứ. Có điều, tôi chỉ sợ thời buổi bây giờ, nhiều cám dỗ và nhiều sự phân tâm không giống thời chúng tôi. Ðó là khi các thể loại giải trí khác bùng nổ, âm nhạc ngày càng bị giảm dung lượng của nó trong đời sống; lại thêm sự phân tâm, cám dỗ tăng lên, cơm áo gạo tiền nhiều lên… Nói đi nói lại, vẫn trở về câu chuyện bản lĩnh của nghệ sĩ như thế nào, đó là thách thức không hề nhỏ trong thời buổi bây giờ.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!