Nghệ sĩ đương đại Tricia Nguyễn:

“Nghệ thuật có khả năng chữa lành tâm hồn”

Sáng lập dự án “wintercearig” nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần ở việt nam thông qua nghệ thuật, tricia nguyễn nói rằng, nghệ thuật là chìa khóa để bạn thể hiện cảm xúc và điều chỉnh những vấn đề tâm lý, tình cảm của chính mình.

“Nghệ thuật là nơi mọi người có thể thể hiện cảm xúc của mình một cách thoải mái nhất”. Trong ảnh: Cảnh trong một vở múa đương đại của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Ảnh: SƠN TRẦN
“Nghệ thuật là nơi mọi người có thể thể hiện cảm xúc của mình một cách thoải mái nhất”. Trong ảnh: Cảnh trong một vở múa đương đại của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Ảnh: SƠN TRẦN

Nhảy múa là cách tôi giải quyết vấn đề của mình

- Chào Tricia Nguyễn, được biết, bạn là người sáng lập “Wintercearig” - dự án nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần thông qua nghệ thuật. Lý do gì khiến bạn quan tâm tới một vấn đề đặc biệt như thế này?

- Tôi từng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cảm xúc của tôi. Và tôi cảm thấy nghệ thuật là nơi rất an toàn để tôi có thể thoải mái thể hiện. Đó là nguyên nhân bắt đầu dự án “Wintercearig”. “Wintercearig” là một từ tiếng Anh rất cũ tôi tìm thấy, có nghĩa là “Sầu đông”, thể hiện sự lạnh buồn, dai dẳng của mùa đông. Lần ra mắt đầu tiên của dự án là tại The Factory Contemporary Art Center năm 2017, với những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cùng các vũ công. Triển lãm thứ hai “Khu rừng” đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật vào tháng 10 năm ngoái, với sự góp mặt của các nghệ sĩ như Florian Sông Nguyễn (Pháp), Hoàng Nam Việt (TP Hồ Chí Minh), Thu Trần (Hà Nội) và ba nghệ sĩ Chung Nguyễn, Khánh Chinh và Thịnh Thiệu từ TP Hồ Chí Minh.

- Không có nhiều nghệ sĩ “nhạy cảm” đến mức làm hẳn một dự án về đề tài này. Nếu được, tôi xin hỏi một câu riêng tư, bạn đã gặp phải khó khăn như thế nào?

- Tôi bị trầm cảm nặng. Lúc còn nhỏ thì xa gia đình. Sau này, mẹ tôi bị ung thư, tôi quyết định dừng lại việc học tại nước ngoài để về nước ở với bà nhiều hơn. Sau này, môi trường trường múa cũng nhiều áp lực, tính cạnh tranh cao, cũng gây ra nhiều khó khăn. Tôi bị chấn thương về mặt thể chất khi tôi ở đó, hai đầu gối của tôi bị sưng tấy lên, rất đau; nhưng tôi biết rằng, cơn đau của mình không dừng lại đó, mà còn có một cái gì đó khác, ở sâu trong mình, liên quan tới chấn thương tâm lý. Nhưng phản ứng của mọi người ở đó về hai chấn thương khiến tôi suy nghĩ nhiều. Tôi để ý, khi nói về thứ gì đó liên quan đến thể chất, mọi người có vẻ quan tâm, thương xót nhiều hơn; vì khi bạn gặp vấn đề về thể chất, bạn sẽ không thể múa lại được và rất khó trở lại trường để thực hiện ước muốn của mình. Thế nhưng, khi liên quan đến một vấn đề tâm lý nào đó, phản ứng có vẻ ngược lại. Vì chấn thương đó không rõ ràng, cũng không nhìn thấy được. Tôi đã cần rất nhiều thời gian để có thể trở lại trường múa và lấy lại được “lửa” trong tôi.

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc trong Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, đó cũng là môi trường đầy tính cạnh tranh. Ở đó, lúc nào bạn cũng bị áp lực phải là người giỏi nhất. Tôi quyết định trở lại trường múa để trở nên tốt hơn nữa. Nhưng đó cũng là lúc, tôi nhận ra nhảy múa là cách tôi giải quyết tất cả vấn đề của mình. Tôi đã lên nhiều kế hoạch để có thể chia sẻ về việc giải tỏa này. Tôi hỏi một số họa sĩ ở đây xem thử họ có muốn là một phần của dự án này không? Khi đó, nó vẫn là một dự án rất nhỏ, nhưng tôi đã học được nhiều thứ. Đây là dự án mà tôi cần rất nhiều can đảm và thời gian.

Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chưa được nhìn nhận đúng và đủ

- Ở Việt Nam, sức khỏe tâm thần ít được quan tâm. Người ta ngại chia sẻ và thể hiện cảm xúc của mình?
- So với sự cởi mở của phương Tây, ở ta, mọi người thường cho rằng, ai cũng có vấn đề, nên ngại chia sẻ với người khác, cũng không muốn đặt vấn đề của mình lên người khác như một gánh nặng. Do suy nghĩ đó mà mọi người nén tất cả vào trong lòng mà không biết rằng, mình đang làm đau mình. Họ duy trì cho mình một sự yên lặng mà có thể gây hại cho chính mình, và từ đó gây hại cho các mối quan hệ chung quanh. Sức khỏe tâm thần tại Việt Nam cũng chưa được nhìn nhận, quan tâm đúng và đủ. Số lượng các chuyên gia sức khỏe tâm thần hạn chế và trình độ cũng chưa được cập nhật nhiều, nhiều cá nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam không thể tiếp cận để được chăm sóc thích hợp. Với sự hợp tác giữa khoa học và nghệ thuật, với dự án này, chúng tôi có thể kết nối và hướng dẫn cộng đồng tại Việt Nam về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Thông qua các buổi biểu diễn, nghệ thuật và hội thảo, mang ý tưởng giao thoa giữa thực tế và trí tưởng tượng, khám phá thế giới nội tâm của quần chúng hiện đại.

- So các phương pháp trị liệu truyền thống, trị liệu nghệ thuật có điểm gì khác biệt?

- Tôi để ý thấy nhiều người không thoải mái khi tự chia sẻ câu chuyện của mình. Hơn nữa, với tôi, lời nói, chữ viết nhiều lúc cũng không thật. Ta có thể nói những thứ mà người khác trông đợi ta muốn nói hơn là những điều bản thân muốn nói. Với nghệ thuật, mọi thứ thật hơn vì ta khó nói dối qua cơ thể của chúng ta. Nghệ thuật không đưa ra áp lực bắt buộc bạn phải làm cái này hay phải như thế kia. Bước vào thế giới nghệ thuật, mọi người tự trải nghiệm, tự lắng nghe, tự chữa lành vết thương chính mình.

- Năm nay, Dự án sẽ tập trung vào đối tượng trẻ em và thanh niên. Vì sao lại hướng đến đối tượng này?

- Chúng tôi muốn làm một cái gì đó khác biệt hơn hai năm trước. Dự án năm nay hướng tới đối tượng các bạn học sinh và sinh viên, vì đây là đối tượng đang trải qua rất nhiều áp lực về học hành, gia đình, bạn bè cũng như xã hội. Chúng tôi tạo ra bốn dự án về nghệ thuật, âm nhạc, nghệ thuật thể chất và chuyển động. Dự án dài sáu tháng, mỗi tuần sẽ có chương trình diễn ra để học sinh, sinh viên có thể đến và tham gia những hoạt động này. Sẽ có những chuyên gia từ Singapore, Thụy Điển hướng dẫn chúng tôi làm những hoạt động này; để từ đó, chúng tôi hướng dẫn lại các em học sinh, sinh viên cách thể hiện bản thân mình mà không cần qua lời nói, giải quyết được những vấn đề nội tâm của họ một cách bình an hơn. Đặc biệt, mỗi tháng một lần, chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện ở trường đại học để mọi người biết chúng tôi làm gì, ngoài giúp đỡ các bạn học sinh, sinh viên trong học tập, còn giúp gia đình và nhà trường làm thế nào để hỗ trợ các bạn. Tháng 11, sẽ có một triển lãm để trưng bày những cảm xúc… Qua triển lãm này, tôi muốn mọi người thấy được rằng nghệ thuật là nơi mọi người có thể thể hiện cảm xúc của mình một cách thoải mái nhất, là nơi mà họ cảm thấy rằng mình không một mình, họ có thể giúp đỡ lẫn nhau, họ được đồng cảm và thông cảm. Chúng tôi muốn mọi người thấy hội họa không đơn thuần là một sở thích hoặc một môn học, ta học xong rồi thôi mà hội họa có thể len vào cuộc sống của chúng ta, làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn.
- Xin cảm ơn chia sẻ của chị.

“Nghệ thuật có khả năng chữa lành tâm hồn” ảnh 1

Tricia Nguyễn tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Trang, sinh năm 1991, tại TP Hồ Chí Minh, học tại Trường Rossall, Lancashire, Vương quốc Anh từ năm 9 tuổi và sau đó tiếp tục học chuyên ngành thiết kế dệt và thời trang tại Trường đại học Huddersfield (Anh). Tricia đã tốt nghiệp xuất sắc Trường múa TP Hồ Chí Minh và làm việc tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 2016, cô tiếp tục làm việc với Nhóm Múa Đương đại Hà Nội trình diễn vở múa đương đại Dependence tại The Factory. Hiện tại, Tricia Nguyễn là Giám đốc nghệ thuật cho Phòng trưng bày Open House, nơi trưng bày các tác phẩm của cha mình - họa sĩ Nguyễn Thanh Bình và sáng lập Dự án “Wintercearig” (Sầu đông) vào năm 2017.