Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến: Khi tôi buồn, thì múa!

Trần Hoàng Yến nói, cô đã có nhiều giấc mơ ngay trên sân khấu. Khi múa, cô được sống trong nhiều thế giới, nhiều cuộc đời khác nhau. Sân khấu là thánh đường mà cô tôn thờ. Ở đó, cô đã đốt cháy những năm tháng tuổi hai mươi đến kiệt cùng. Chỉ vì, đã yêu và hết mình cho tình yêu đó.

Khi múa ballet, tôi được sống trong thế giới cổ tích rất đẹp.
Khi múa ballet, tôi được sống trong thế giới cổ tích rất đẹp.
Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến: Khi tôi buồn, thì múa! ảnh 1

Nơi tuổi trẻ đi qua

- Gắn bó với nghề 10 năm, sân khấu đối với Trần Hoàng Yến là một nơi như thế nào?

- Khi múa ballet, tôi được sống trong thế giới cổ tích rất đẹp. Khi múa đương đại, lại là một thế giới thực, gần gũi với cuộc sống ngoài kia. Cứ thế, mỗi vở diễn đưa tôi tới những thế giới khác với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi nhìn đồng nghiệp của mình múa, lại là một thứ cảm giác khác nữa. Ðẹp là một chuyện, tôi còn thấy xúc động. Là bởi, tôi hiểu, để có thể có được những khoảnh khắc thăng hoa như thế trên sân khấu, họ đã trải qua những gì. Như vở múa đương đại Café Sài Gòn mới đây, có đoạn bốn bạn nam đỡ bốn bạn nữ "đổ" xuống, tôi ngồi một góc quan sát rồi chảy nước mắt lúc nào không biết. Tôi nhớ lại những buổi tập, chúng tôi miệt mài từ 8 giờ sáng tới hết buổi chiều, bầm dập ra sao. Tôi đã chứng kiến đồng nghiệp của mình té từ bàn xuống như thế nào. Sân khấu hay sàn tập là nơi mà chúng tôi đã trải qua tuổi trẻ cùng nhau. Cháy hết mình cho đam mê của mình.

- Tôi biết là có những thời điểm, Yến đã phải đối mặt với nguy cơ "giã từ" sân khấu?

- Cách đây bốn năm, lúc tập vở Cô bé búp bê, tôi bị chấn thương đầu gối, bác sĩ cảnh cáo tôi không được múa nữa. Nghe xong, tôi cảm thấy như trời đất đổ sụp dưới chân mình. Trước đó, sau khi tốt nghiệp 7 năm trường múa TP Hồ Chí Minh, tôi bỏ mấy năm để theo học ngành quan hệ quốc tế theo lời khuyên của gia đình. Mẹ đưa tôi tới múa nhưng không khuyến khích tôi theo nghề này. Tới năm thứ ba, cảm thấy đời mình không thể thiếu múa nên tôi đã quyết định bỏ dở chương trình đại học, xin vào làm ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO). Tôi đã đặt cược tất cả vào đó, giờ không còn múa được nữa, tôi sẽ làm gì? Tương lai sẽ như thế nào? Tôi hoang mang lắm. Nhưng lúc tuyệt vọng nhất, tôi lại nhớ lại vì sao mình bắt đầu con đường này. Thời điểm đó rất khó khăn, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể đi tiếp đến ngày hôm nay. Một lần khác, tôi bị bệnh, bác sĩ khuyên nghỉ ngơi ở nhà một tháng. Nhưng rồi, ở nhà đi ra đi vô, lại thấy tẻ nhạt, cảm giác thèm sân khấu, lại lên sàn tập xem đồng nghiệp tập luyện. Ngày nào cũng thế. Có lẽ, máu tôi nhiễm "múa" mất rồi. Biết làm sao được?

- Nghệ thuật múa có hấp lực như thế nào mà cuốn hút bạn đến thế?

- Diễn viên múa không hát được, không kể chuyện được, chỉ có thể dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn tả cảm xúc của mình. Có những lúc, chẳng làm gì, cơ thể tôi cũng di chuyển một cách phản xạ không điều kiện. Ðôi khi, không phải tự nhiên tôi giơ tay lên, mà có thể do một điều gì đó ở trong cơ thể mình thúc đẩy mình làm thế. Người ta buồn thì khóc, còn tôi buồn thì múa. Mở một bản nhạc nào đó mà mình thích nhất, rồi cứ thế mà phiêu. Trong lúc múa, tôi chẳng nghĩ tới gì nữa. Tôi được quên đi tất cả muộn phiền. Có những người, ở ngoài nhìn có vẻ nhút nhát, tiểu thư, nhưng lên sân khấu, họ bung hết bản thân mình ra. Có khi, họ đang bộc lộ chính bản thân họ mà khán giả lại nghĩ rằng họ đang diễn. Trên sân khấu, lắm khi mới là nơi để thể hiện chính xác con người họ. Người ta nói sân khấu là thánh đường là vì vậy. Có những điều không nói được ở ngoài đời sống, thì có thể dùng ngôn ngữ cơ thể của mình để nói trên sân khấu. Ðó là đặc ân với những người như chúng tôi.

Múa để sống, sống để múa

- Có điều, thánh đường mà bạn nói, lại vắng vẻ và kén người xem. Trong khi, nghệ sĩ thì chật vật sống và làm nghề…

- Cách đây mấy năm, diễn viên tập luyện quanh năm nhưng chỉ có nhiều nhất hai vở múa mỗi năm. Thời điểm đó, múa ballet còn chưa được biết đến nhiều nữa. Cả lớp múa ngày xưa, chỉ còn mình tôi theo nghề. Sau này, nhà hát bắt đầu chuyển hướng, có những dự án mới, bắt đầu có những khán giả quen thuộc, mọi thứ trở nên dễ thở hơn. Thế nhưng, hiện tại, múa vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị của nó. Ðời sống nghệ sĩ còn gặp nhiều khó khăn. Phải chạy sô kiếm tiền thêm bên ngoài, để nuôi dưỡng đam mê của mình. Tuy nhiên, tôi quan sát thấy, ngành này đang bắt đầu có những bước phát triển. Chậm mà chắc, cứ từ từ thôi.

- Trần Hoàng Yến thích người ta gọi mình là "vũ công", "diễn viên múa" hay "nghệ sĩ múa"?

- Tất nhiên, tôi sẽ thích "nghệ sĩ múa" hơn. Với một người diễn viên múa, không chỉ có kỹ thuật thuần thục mà còn phải có tâm hồn nữa. Suy nghĩ có sâu sắc thì nhân vật mà họ thể hiện ra mới không hời hợt, nông cạn trong lòng công chúng. Lên sân khấu, tôi thích cái gì cũng đẹp. Vì thế, lúc nào tôi cũng tự dặn mình rằng, dù là solist hay vai phụ, cũng phải chuẩn bị một cách hoàn hảo nhất có thể.

- Với Trần Hoàng Yến, múa là gì?

- Tình yêu, cuộc sống, hạnh phúc. Vì sao lại là "tình yêu"? Tôi nghĩ, nếu chỉ dừng lại ở thích thôi thì chưa đủ để tôi gắn bó, đánh đổi nhiều như thế.

- Cảm ơn bạn!

Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến tốt nghiệp loại xuất sắc hệ Trung cấp 7 năm chuyên ngành Diễn viên múa tại Trường múa TP Hồ Chí Minh năm 2006. Năm 2014, cô tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội chuyên ngành Huấn luyện múa.

Trần Hoàng Yến từng đoạt Huy chương vàng trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với tác phẩm Nỗi đau da cam (2009); Huy chương bạc tại Liên hoan Múa Ðương đại Quốc tế tại Huế với tác phẩm Những mảnh ghép của giấc mơ (2014) và tham gia Liên hoan nghệ thuật Quốc tế tại Busan với tác phẩm While Saigon is sleeping. Năm 2015, Yến đoạt Huy chương vàng tại Cuộc thi Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với vở kịch múa Còn mãi bản hùng ca.

Trần Hoàng Yến từng tham gia biểu diễn với vai trò soloist trong các tác phẩm ballet và múa đương đại của HBSO như Hồ Thiên nga, Carmen, Cô bé lọ lem, Cô bé búp bê, Kẹp hạt dẻ, Chopiniana, Ðánh mất và tìm lại, Những mảnh ghép của giấc mơ… Cô hiện là diễn viên soloist kiêm Phó Trưởng đoàn Vũ kịch của HBSO.