Nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn: Ôm đàn tranh ra thế giới

Trong khi khán giả trong nước còn xa lạ với cái tên Trí Nguyễn thì tên tuổi của anh lại được biết đến khá nhiều tại các nước châu Âu và Mỹ. Là bởi, bằng tình yêu và sự bền lòng, nhiều năm qua nghệ sĩ Trí Nguyễn đã từng bước làm cho cây đàn tranh của Việt Nam trở nên thân quen với khán giả quốc tế.

"Tôi đang phấn đấu để hai chữ "đàn-tranh" trở nên quen thuộc với các bạn nước ngoài nhiều hơn".
"Tôi đang phấn đấu để hai chữ "đàn-tranh" trở nên quen thuộc với các bạn nước ngoài nhiều hơn".

Theo đuổi một ước mơ

- Thưa nghệ sĩ Trí Nguyễn, anh chơi piano không thua kém ai nhưng dường như anh vẫn muốn khán giả biết đến mình, trước hết, với cây đàn tranh. Vì sao vậy?

- Khi nói đến cây đàn piano thì ai cũng biết; còn nói đến đàn tranh thì nhiều người hỏi tôi: Có phải là cây Koto không? Câu hỏi này cho thấy âm nhạc Việt Nam còn ít được biết đến trên thị trường quốc tế. Nguyện vọng của tôi là đem âm nhạc Việt Nam ra với quốc tế, để khán giả quốc tế biết và thưởng thức.

Tôi có may mắn được giáo dục bởi hai nền tảng Ðông và Tây, nắm vững được hai nhạc cụ và nhạc lý từ hai nền tảng đó. Với sự hiểu biết đó, chuyện tôi mang cây đàn tranh và âm nhạc Việt Nam ra thế giới có phần thuận lợi hơn. Chính vì vậy tôi vẫn tiếp tục trình diễn piano trên sân khấu, nhưng trên hết tôi vẫn muốn theo đuổi nguyện vọng đem đàn tranh ra thế giới, đứng ngang hàng với các nền âm nhạc khác.

- Anh từng bày tỏ ước mơ về một ngày nào đó, nghệ sĩ quốc tế sẽ lấy đàn tranh ra chơi và mang theo bên mình như cách họ mang guitar đi khắp nơi. Sau hai lần thất bại tại giải Grammy 2018 và giải Independent Music Award lần thứ 16, ước mơ này trong anh còn nữa không?

- Có thể với một số người, không được giải là một thất bại, nhưng với cách nhìn trên thế giới thì được vào vòng 1 giải Grammy hay vào chung kết Independant Music Awards đã là một thắng lợi rất lớn. Ðiều quan trọng không nằm ở chuyện thắng hay thua, trong âm nhạc nói riêng hay những lĩnh vực khác nói chung, việc được tuyển chọn vào những giải quan trọng là một thắng lợi rất lớn rồi.

Khi lọt vào những giải này, sự quan tâm của đồng nghiệp, những nhà chuyên môn, những người làm trong ngành công nghiệp âm nhạc (music industry) quốc tế, sẽ chú ý đến những nghệ sĩ được tuyển chọn. Ðó cũng là một cách để tên tuổi của một người nghệ sĩ có thể được lưu ý trên phương diện quốc tế. Vậy nên, tôi vẫn sẽ theo đuổi ước mơ này đến chừng nào còn có thể.

- Thời gian qua, thế giới đón nhận tiếng đàn tranh của Việt Nam như thế nào?

- Tại vòng bình chọn giải Grammy hay những lúc đi lưu diễn tại các nước, rất nhiều bạn bè và thính giả ngoại quốc nói với tôi là sau khi nghe nhạc của Trí Nguyễn với cây đàn tranh, thì đây là một khám phá vô cùng mới mẻ và đẹp đẽ. Họ rất phấn khởi khi khám phá ra âm nhạc Việt Nam và cây đàn tranh qua những tác phẩm mà tôi soạn lại. Nhiều người mua nhạc của tôi trên Itunes, Amazon, hay stream nhạc trên Spotify, Deezer, Apple Music; viết thư khuyến khích, động viên. Các bạn đồng nghiệp làm việc chung thì gọi cây đàn tranh Việt Nam bằng hai chữ "đàn-tranh", chứ không gọi là "vietnamese zither" như lúc trước. Với tôi, đó là những phần thưởng rất quý giá!

- Ðàn cổ tranh Trung Quốc, đàn Koto Nhật Bản hay Geomungo của Hàn Quốc ít nhiều đã được biết đến trên thế giới. Theo anh, hạn chế của đàn tranh cũng như các nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam là gì khiến cho việc đưa đàn tranh ra thế giới còn gặp nhiều khó khăn?

- Câu hỏi này rất hay và cũng đang là trăn trở của tôi. Bạn xem, khi nói đến đàn Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, đều có tên riêng theo những từ bản xứ của các nước này. Còn nói đến đàn tranh Việt Nam, họ gọi là "vietnamese zither", không ai gọi là "đàn-tranh". Ðó là thiếu sót lớn cho âm nhạc Việt Nam.

Có những bậc thầy như Giáo sư Trần Văn Khê rất giỏi và rất chuyên nghiệp trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, cách của Giáo sư Trần Văn Khê lại chỉ chú trọng vào giới hàn lâm và nghiên cứu. Trong khi đó, những chuyên gia của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không chỉ có mặt trong các viện hàn lâm, mà họ còn xuất hiện trong những nhạc hội khắp thế giới, đưa âm nhạc đến mọi tầng lớp nghe nhạc.

Trong những lần dự thi các cuộc thi quốc tế như giải Grammy, Independant Music Awards, Global Music Awards, Akademia… tôi rất hãnh diện khi tên mình nằm trong danh sách, nhưng cũng có chút buồn là cái tên Trí Nguyễn là người Việt Nam duy nhất. Tôi đang phấn đấu để hai chữ "đàn-tranh" trở nên quen thuộc với các bạn nước ngoài nhiều hơn.

Ðặt kỳ vọng vào giới trẻ

- Anh là một người đam mê và đầy tâm huyết với âm nhạc truyền thống; chỉ có điều, đại bộ phận công chúng trong nước hiện nay không còn mặn mà. Trong khi, công chúng ngoại quốc lại đang thích thú với nhiều giá trị âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Vì sao lại có nghịch lý này?

- Giới trẻ ở nước nào cũng vậy, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi. Với họ, cái gì từ nước ngoài mang về dường như cũng đẹp, cũng hay hơn những cái trong nước. Không những vậy, giới trẻ bây giờ ít có cơ hội để nghe âm nhạc truyền thống "với cái nhìn mới". Mình vẫn phải giữ cái xưa, nhưng cũng cần phát huy cái mới. Tôi chắc chắn nếu giới trẻ, hay khán thính giả Việt Nam có dịp khám phá nhiều hơn, nghe nhiều hơn những giai điệu cổ truyền được soạn lại theo cách tân thời hơn thì họ sẽ rất thích. Tôi vẫn tin giới trẻ còn mặn mà với âm nhạc truyền thống.

- Có phải vì thế nên anh vẫn vững tâm để tiếp tục đi?

- Nghịch lý đó sẽ không còn là nghịch lý nếu chúng ta không sợ gian nan, không sợ khó khăn mà tiếp tục theo đuổi tâm huyết của mình. Không chuyện gì là không thể. Làm nghệ sĩ luôn phải có chí, có đam mê và trên hết, phải có sự chân thành. Tôi có may mắn thành công ở nước ngoài, được khán giả quốc tế yêu mến và thích thú với âm nhạc Việt Nam mình. Ðó là niềm an ủi lớn cho người nghệ sĩ.

- Anh có thể chia sẻ về những dự án mà anh đang theo đuổi?

- Sau những cuộc thi Grammy, IMA… tôi được nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất quốc tế để ý đến, họ liên lạc với tôi để gợi ý làm việc với cây đàn tranh của mình. Rất mừng là họ dùng hai chữ "đàn - tranh" đấy! Dự án mà tôi đang làm hiện nay là với một nhạc sĩ người I-ta-li-a rất nổi tiếng, Roberto Diana. Báo chí ở I-ta-li-a đã bắt đầu nói về dự án này và cây đàn tranh. Tôi cũng vừa ký hợp đồng với một công ty có uy tín của Anh để đem nhạc Việt Nam và đàn tranh đến khán thính giả quốc tế nhiều hơn. Tôi còn bốn dự án làm việc với các nhà sản xuất và nghệ sĩ khác ở Mỹ, Hà Lan, Ác-hen-ti-na và Tây Ban Nha. Tôi cũng rất mong có thêm những cơ hội để được trình diễn trước khán giả Việt Nam!

- Xin cảm ơn và chúc anh sẽ có nhiều thành công hơn nữa.

THÀNH VINH (thực hiện)

Nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn: Ôm đàn tranh ra thế giới ảnh 1

Nghệ sĩ Trí Nguyễn, tên thật là Nguyễn Hữu Trí. Sinh ra tại TP Hồ Chí Minh, học piano và đàn tranh từ năm lên 5 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), anh tiếp tục theo học tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris (Pháp). Anh đã cho ra đời những album hòa tấu đàn tranh, gồm: Consonnances (Hòa điệu, năm 2014); A journey between worlds (Du ngoạn nhân gian, 2016), Beyond borders (Vượt qua mọi biên giới, 2017), trong đó album đầu tay Consonnances nhận được giải Vàng tại Global Music Awards (GMA) 2015; Beyond borders đạt giải Vàng GMA vào năm 2017. Album này sau đó được chọn vào vòng chung kết giải IMA (Independdent Music Awards) 2018 và lọt vào vòng 1 giải Grammy 2018.