KTS Phạm Thanh Quang:

Nghề của chúng tôi đặc thù và khác biệt

Trùng tu di tích luôn được coi là nghề rất đặc thù. Là người gắn bó với nghề này từ khi còn rất sơ khai, lao động thô sơ, vất vả, thấm trải những tháng ngày ở di tích nhiều hơn ở nhà, nhưng với KTS Phạm Thanh Quang (bên trái), nguyên Phó Viện trưởng Bảo tồn di tích, nhiều phương thức, cách làm của thời gian khó trước lại phù hợp với hoạt động đặc thù để bảo tồn tốt nhất những giá trị văn hóa đã tồn tại với thời gian.

Nghề của chúng tôi đặc thù và khác biệt

Nghề lọ mọ

- Bước chân vào nghề ngay từ khi rời ghế nhà trường, và đến bây giờ vẫn luôn đau đáu với những cột, kèo, đầu đao, mái ngói… có khi nào ông nghĩ xem nghề chọn mình, hay mình chọn nghề không?

- Tôi vào nghề này như một cái duyên vậy. Năm 1981, khi đó tôi mới tốt nghiệp Trường đại học Xây dựng, Khoa Kiến trúc, trong một chuyến đi lang thang vào Văn Miếu thì gặp anh Lê Thành Vinh (sau này là Viện trưởng Bảo tồn di tích) cùng một số cán bộ của Viện đi vẽ ghi mấy cái bia đá. Qua trò chuyện, anh Vinh đã giới thiệu tôi đến Viện, gặp KTS Hoàng Ðạo Kính. Tôi thử tay nghề, và được nhận vào làm, khi đó gọi là Xưởng Phục chế bảo quản tu bổ di tích.

Thời đó còn chiến tranh nên hoạt động bảo tồn, trùng tu cũng chưa được tiến hành, mà chủ yếu là các hoạt động xếp hạng di tích, làm hồ sơ di tích, trong đó có việc đi vẽ ghi các di tích, gọi là đạc họa. Từ khoảng năm 1972 đến 1978, Xưởng đào tạo các kỹ thuật viên đạc họa, gọi là đạc họa viên. Khi tôi về, đã đào tạo được bốn khóa chính thức, mỗi khóa khoảng mười mấy người, nhưng có một số người không làm nghề, nên cũng chỉ còn khoảng vài chục đạc họa viên thôi. Xưởng có một số thành viên là người đã tham gia công tác vẽ ghi di tích từ thời Pháp, cho Viện Viễn Ðông Bác cổ, như ông Nguyễn Ðình Bình, Nguyễn Ðỗ Minh (em ông Nguyễn Ðỗ Cung)…

Ðó là thời kỳ hoạt động đạc họa di tích được tiến hành liên tục. Tôi còn nhớ, công trình đầu tiên tôi tham gia đạc họa là Triệu miếu, ở Huế.

- Theo đánh giá của GS, TS, KTS Hoàng Ðạo Kính, đạc họa là công việc tạo nền tảng tư liệu - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực bảo tồn di sản vật chất. Vậy nhưng, ở thời điểm ông bắt đầu bước chân vào nghề trùng tu di tích, hoạt động này đã được tiến hành theo một phương thức rất sơ khai?

- Ngày trước, đi làm đạc họa, thời gian nằm ở di tích rất lâu. Thường thì phải nằm ở công trình khoảng ba tháng - vẽ ghi tại chỗ và lấy số liệu - là công đoạn vẽ nháp, khi đó đã phải vẽ các kiến trúc và trang trí rất chi tiết rồi. Về nhà, đến công đoạn vẽ dựng lại, khớp nối các số liệu cũng mất khoảng hai, ba tháng nữa thì mới hoàn thành. Thời đó, mỗi đoàn đi vẽ ghi thường khoảng 4 - 5 người, việc đầu tiên khi đến di tích là bố trí chỗ ăn ở, thường là địa phương bố trí ngay tại di tích.

Các bản vẽ đều hoàn toàn bằng tay nên phải làm rất cẩn thận từng đường nét, từng cái gờ chỉ một, phải vẽ rất cẩn thận, đo đạc chi tiết. Nếu hỏng là vứt cả bản vẽ luôn, không như vẽ máy sau này. Mọi chi tiết đều phải vẽ ghi chính xác, chi tiết ngay tại di tích. Với từng bức vẽ, chúng tôi phải căng dây, chia mảng, tạo thành các ô để vẽ theo tỷ lệ. Trên mái thì phải bắc giàn giáo để leo lên vẽ tại chỗ, hoặc phải trèo lên dập âm bản, rồi mang xuống vẽ lại theo tỷ lệ, nên rất chính xác.

Công cụ mang theo dù thô sơ nhưng khá đầy đủ, riêng bút đã rất nhiều loại rồi, có loại lá tre, vẽ nét mảnh, bút nét to, giấy bản, đồ dập… Thường trước mỗi chuyến đi chúng tôi phải lập bản dự trù các loại vật liệu cần thiết để cơ quan cấp cho, nhưng có những lúc thiếu mà cơ quan thì ở xa, không xin bổ sung được, chúng tôi phải ngồi tách đôi tờ giấy bản.

Thời đó, yêu cầu làm việc nhóm rất khắt khe, vì mỗi người làm một phần, nhưng luôn phải làm việc cùng nhau, cùng đo, nếu không thì về sau không ráp được. Trước khi kết thúc, phải có một buổi tổng kiểm tra lại toàn bộ các bản vẽ, kích thước, vì nhiều điểm di tích không dễ để quay lại được.

Mùa mưa cũng vẫn đi. Như chuyến tôi đi vẽ ghi ở Huế, suốt ba tháng chỉ có bảy ngày không mưa. Phải đội mưa đi làm thôi. Mỗi anh đi vẽ cứ đội cái bảng vẽ bằng gỗ dán lên đầu để che mưa, chạy ra ngoài đo rồi lại chạy vào. Mưa lụt vẫn phải đi làm, vì ở lại lâu thì cũng không có tiền để ăn. Mỗi chuyến đi công tác, bao giờ cũng phải dành ra một khoản, dù thiếu đến mấy cũng không được đụng đến, là tiền mua vé về. Hết tiền ăn thì vay mượn bạn bè, hoặc gọi về cơ quan xin hỗ trợ, rồi tự đi tìm hái rau khoai lang, mò cua bắt ốc…

Ngày đó chúng tôi làm vô tư lắm, không bị sức ép về thời gian. Cứ hưởng lương rồi đi làm thôi. Nhưng chính vì không bị câu thúc về kinh phí, thời gian như thế, nên chúng tôi cứ chú tâm làm thật tốt, làm cho đến lúc nào cảm thấy ưng ý thì về. Bản vẽ có thể hơi ngô nghê một chút, nhưng chắc chắn chính xác. Khác với bản vẽ máy hiện nay, có thể trông rất đẹp, nhưng nếu ráp lại chưa chắc đã khớp được, và các bản vẽ lại không có cái hồn như trước đây nữa.

- Ông có nhớ mình đã tham gia đạc họa bao nhiêu di tích?

- Tôi chưa bao giờ thống kê cả. Nhưng vẫn nhớ khi tôi về Xưởng cũng là thời kỳ hoạt động đạc họa được tiến hành liên tục. Lúc nào Xưởng cũng có ba - bốn đoàn đang bám di tích. Mỗi năm, thường chúng tôi dành tám tháng ở di tích, chỉ về Hà Nội để dựng lại các bản vẽ, dựng xong lại lên đường đến công trình mới. Phải ưu tiên những di tích cổ và nguy cơ hỏng nặng hơn thì làm trước, chứ thực tế là còn rất nhiều, không bao giờ có thể làm hết được. Cho đến bây giờ, chúng ta mới cơ bản vẽ ghi được hầu hết các di tích có niên đại từ thế kỷ thứ 17 trở về trước, thế kỷ 18 cũng tạm ổn, nhưng sau đó thì vẫn còn nhiều lắm.

Tôi có cái thú thức dậy vào sáng sớm, đi ngắm phong cảnh và tranh thủ ký họa. Thời đó mình lãng mạn, thích đi lắm nên suốt ngày xin đi. Mỗi lần đi lại có thêm những hiểu biết và những mối quan hệ mới. Từ khoảng những năm 2000, tôi bắt đầu làm quản lý thì ít đi hơn. Cái nghề này lọ mọ lắm, đòi hỏi phải có tính thật cẩn thận.

Nghề của chúng tôi đặc thù và khác biệt ảnh 1

Ðặc thù và khác biệt

- Ðến khi nào thì hoạt động đạc họa không tiến hành theo phương thức thủ công như vậy nữa?

- Khi có máy vi tính. Tức là khoảng đầu những năm 1991, 1992 thì giảm dần việc đạc họa theo phương thức thủ công như vậy. Với sự hỗ trợ của máy móc, người làm đạc họa chỉ cần chụp ảnh chi tiết, rồi sau đó về đồ lại, không vẽ ghi chi tiết nữa. Thời gian bám di tích không dài như trước đây. Nhưng không hiểu sao, tôi lại thấy chính khoảng thời gian dài ở trong di tích đã khiến mỗi người chúng tôi thấy gắn bó, hiểu và yêu di tích nhiều hơn.

- Liên quan đến hoạt động trùng tu di tích, hiện vẫn có nhiều ý kiến cho rằng: các quy định hiện thời coi trùng tu di tích như một hoạt động xây dựng đặc biệt, và yêu cầu các bước tiến hành tuân thủ quy định như đối với công trình xây dựng là không thích hợp, cần sớm được điều chỉnh. Ông nhìn nhận vấn đề đó như thế nào?

- Ðiều đó đúng. Trùng tu di tích là hoạt động rất đặc thù và khác biệt. Khi coi di tích là một công trình xây dựng, dù là đặc thù, người ta chưa chú trọng giá trị di sản của nó, mà chủ yếu coi nó như một công trình kiến trúc cổ.

Cả thế giới đều phải xếp việc trùng tu di tích theo một cách thức riêng. Như ở Nhật Bản, việc trùng tu di tích hoàn toàn không bị câu thúc về thời gian, mà cứ tiến hành cho đến khi nào cảm thấy ổn. Không thể ép tiến độ đối với việc trùng tu di tích, vì như thế người ta sẽ làm ẩu. Trong khi, với xây dựng cơ bản, người ta quy định một công trình chỉ được xây dựng trong một thời hạn nhất định.

Hầu hết các di tích hiện nay khi trùng tu đều bị vượt tiến độ, và cơ quan chủ quản đều thông cảm, chấp nhận. Nhưng cần thiết phải điều chỉnh các quy định để không trói hoạt động đặc thù này vào các quy định không phù hợp đó nữa.

- Xin cảm ơn ông.