Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

Nạn hàng giả đã hạ thấp tầm vóc của tranh Việt

Chủ động lên tiếng cảnh báo khi có thông tin về tranh giả, tranh nhái cũng như chia sẻ rộng rãi kinh nghiệm đối phó với nạn tranh giả, tranh nhái…, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (ảnh) luôn đau đáu tiếc nuối vì hiểu rõ, chính nạn tranh giả đã khiến hội họa Việt Nam mất uy tín một cách oan uổng trên thị trường quốc tế.

Nạn hàng giả đã hạ thấp tầm vóc của tranh Việt

Còn rất nhiều họa sĩ Đông Dương cần được nhắc đến

- Ở Pháp về nước, năm 2018 ông ra mắt cuốn sách Thang Trần Phềnh về một họa sĩ lớn của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ cận đại, cùng lứa với họa sư Nam Sơn nhưng lại rất ít được biết đến. Phải chăng đấy là dấu mốc để Ngô Kim Khôi chuyển vai trò từ một nhà thực hành thời trang cao cấp trong làng mốt thế giới thành nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật?

- Thật ra, tôi đã làm công việc nghiên cứu mỹ thuật từ rất lâu. Mẹ tôi là người nuôi dưỡng trong tôi ý muốn tìm tòi học hỏi từ thuở bé. Công việc thời trang trong quãng đời mới bước chân lên đất Pháp giúp tôi có cuộc sống ổn định, nhưng những lúc rảnh rỗi tôi vẫn viết bài về nghệ thuật. Rồi đến khi những mưu cầu vật chất không còn thôi thúc nữa, tôi quyết định bỏ hẳn thời trang để theo đuổi niềm đam mê của mình. Quyển sách về Thang Trần Phềnh là kết quả của những nghiên cứu mỹ thuật Đông Dương trong vòng 20 năm trước, khi tôi bắt đầu thu thập tài liệu liên quan đến Nam Sơn nói riêng và Trường Mỹ thuật Đông Dương nói chung. Ngoài ra, còn rất nhiều những họa sĩ Đông Dương khác cần được nhắc đến, như Phạm Hữu Khánh, Vũ Đăng Bốn, Phạm Khanh…

- Sống và làm việc ở nước ngoài, sẵn điều kiện tiếp cận với các nguồn tư liệu quý hiếm và đời sống thực tế, ông có thấy rằng đã có một lượng lớn tác phẩm hội họa giá trị của Việt Nam từ thời Đông Dương đến nay, thậm chí trước đó như các cụ Nam Sơn, Thang Trần Phềnh, Lê Huy Miến… đã được (bị) đem ra khỏi đất nước. Ông có nghĩ đến chuyện làm cách nào đó, đưa những tác phẩm quý hiếm ấy trở về lại Việt Nam không?

- Vào thời kỳ Trường Mỹ thuật Đông Dương còn hoạt động, thường tổ chức những cuộc triển lãm, và thế giới nghệ thuật chỉ phục vụ tầng lớp trung lưu hoặc người Pháp. Một số người Pháp đã mua tranh để treo trong nhà, hoặc làm quà tặng cho nhau. Các phong cảnh và tâm tình người Đông Dương thuở ấy rất được ưa chuộng, nhất là những cuộc triển lãm tại Pháp đã thu hút rất nhiều khách thưởng ngoạn. Đối với tôi, đây cũng là một điều may mắn, vì nhờ thế nhiều tác phẩm còn được lưu giữ tốt đến ngày nay. Không khí miền nhiệt đới và những thiết bị kỹ thuật thời xưa tại đất nước mình không đủ điều kiện bảo quản tranh, nhất là tại một đất nước chiến tranh triền miên, nên một số tranh quý giá đã bị hư hỏng hoặc thất lạc. Hiện nay những cuộc đấu giá tranh Việt vẫn thường được diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, và người dân Việt ấm no hơn nên nghĩ về đời sống tinh thần nhiều hơn trước, họ có điều kiện mua tranh tại các nước đem về, và đây cũng là một khoản đầu tư rất tốt. “Châu về Hợp Phố” là điều tôi mong muốn, cũng là tin mừng cho nghệ thuật nước nhà.

Người Việt cần quyết tâm nói KHÔNG với tranh giả

- Đã có nhiều trường hợp tranh Việt Nam khi đưa ra đấu giá ở các nhà đấu giá lừng danh thế giới bị phát hiện là giả. Ông cũng từng nghi vấn có cả tranh giả của họa sư Nam Sơn được đem đấu. Nhiều nguồn tin cũng cho rằng, chuyện đưa tranh giả vào đấu có sự can thiệp của các cá nhân, hội nhóm rất chuyên nghiệp. Vậy theo ông, làm cách nào để ngăn chặn tình trạng này?

- Vì lợi nhuận quá lớn nên một số tổ chức đã sản xuất tranh giả tuồn vào thị trường tranh quốc tế. Đó là những tổ chức rất tinh vi, thường là người Việt, truy lùng những hình ảnh xưa để vẽ lại rồi làm cũ đi hòng qua mắt một số nhà đấu giá cũng như nhà sưu tập. Sở dĩ tôi nói người Việt là vì các tranh do người Việt làm giả, người phương Tây khó thể hiện được tinh thần Đông phương trong tranh. Chính người Việt đã làm hại người Việt và thị trường tranh Việt Nam. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc trông cậy vào những chế tài pháp luật mà nước mình chưa có những quy định rõ ràng, các nhà sưu tập cũng như người yêu mến tranh Việt Nam nên quyết tâm nói KHÔNG với tranh giả. Khi có những bằng chứng rõ ràng nên sử dụng nhiều hình thức để loan báo cho nhau, thí dụ như mạng xã hội hiện nay đang rất thông dụng, để những người muốn mua tranh biết mà tránh né. Thông thường, bức tranh nào cũng có lịch sử của nó, người sưu tập nên tìm hiểu rõ ràng trước khi quyết định. Tuy nhiên, đây cũng là một con dao hai lưỡi. Ngày 6-10-2020 vừa qua, nhà Aguttes bên Pháp đã đấu giá thành công một bức tranh của họa sĩ Lê Phổ, Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn, với mức giá 1.164.760 Euro (khoảng 32 tỷ đồng Việt Nam). Nhà đấu giá đã ước mong bức tranh này phá kỷ lục của tranh Lê Phổ trước đó (1.400.000 USD), vì bức tranh rất đẹp, lại có nguồn gốc và giấy chứng nhận từ gallery Romanet danh tiếng tại Paris. Khi bức tranh được giao dịch thành công, một người có liên hệ huyết thống với họa sĩ Lê Phổ lên mạng tuyên bố đây là tranh giả, mặc dù không nhìn thấy tranh, không biết lịch sử tranh! Họ tuyên bố tranh giả vì nhận xét theo “cảm quan”! Những lời nói vô căn cứ như vậy không những làm hại thị trường tranh Việt Nam như các tổ chức làm tranh giả, mà còn làm cho danh tiếng của tranh Việt càng ngày càng xuống dốc.

Nạn hàng giả đã hạ thấp tầm vóc của tranh Việt -0
 Tác phẩm Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn của Lê Phổ vừa được đấu giá hơn một triệu Euro.

- Theo ông giá tranh Việt Nam hiện đứng ở vị trí nào trên thị trường thế giới?

- Tranh Việt Nam càng ngày càng có giá hơn trên thị trường tranh quốc tế. Tuy nhiên, vì nạn tranh giả và các lý do nói ở trên, nên theo tôi, vị trí tranh Việt vẫn chưa xứng đáng với tầm vóc của nó. Tranh Việt được thế giới biết đến cùng vào thời họ biết tranh Từ Bi Hồng của Trung Quốc hay Foujita của Nhật Bản. Các họa sĩ nước ta vẽ không kém những danh họa của hai nước này, nhưng hiện nay trên thị trường tranh quốc tế, giá tranh của họa sĩ Việt kém hơn rất nhiều. Nạn tranh giả là điều cần thiết bài trừ, không phải chỉ vì một thị trường tranh sạch đẹp hơn, mà còn vì tầm vóc của tranh Việt cần đặt vào vị trí xứng đáng của nó.

- Quan sát và tham gia vào đời sống mỹ thuật hiện nay, theo ông có phải là hợp lý không khi nhiều họa sĩ quan niệm vẽ tranh để bán, và bán càng nhiều, giá càng cao càng thể hiện giá trị lẫn tài năng của họa sĩ?

- Cơm ăn áo mặc là những yêu cầu cần thiết tối thiểu của một con người. Họa sĩ cũng có nhu cầu sống như bao người khác. Tuy nhiên, tài năng của mỗi họa sĩ lại khác nhau, cho nên có người bán được tranh dễ dàng, có người lại rất lận đận. Ngoài ra, còn phải kể đến số phận, lương duyên. Có họa sĩ thuở sinh thời sống rất nghèo khổ, không bán được tranh, nhưng khi qua đời thì tranh lại được giá tiền muôn bạc tỷ. Van Gogh là một thí dụ điển hình. Tôi rất mong các họa sĩ có thể sống được bằng nghệ thuật do chính mình tạo ra. Hiện nay tại Việt Nam còn có nạn tranh chép. Một số người ngang nhiên chép tranh của họa sĩ vẫn còn đang sống, hiên ngang rao bán mà không lo ngại việc gì. Luật pháp chưa bảo vệ bản quyền một cách đúng đắn. Tôi nghĩ Luật Sở hữu trí tuệ và một số bộ luật liên quan cần xử lý nghiêm khắc những vấn đề vi phạm bản quyền.

- Với vai trò là cháu ngoại, dự định của ông về việc triển lãm, làm sách cho họa sư Nam Sơn đã được tiến hành đến đâu rồi, để công chúng mỹ thuật hôm nay được biết nhiều hơn về tầm vóc của người từng làm Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương?

- Tôi vẫn đang tiếp tục công trình nghiên cứu của mình, sắp xếp theo hệ thống những tài liệu đồ sộ đang có. Vì phần lớn tài liệu bằng tiếng Pháp, tôi cần phải đọc và dịch ra tiếng Việt. Đây là một công việc nặng nhọc và dài hơi, cần rất nhiều thời gian và tâm huyết. Càng tìm hiểu, càng khám phá ra những điều thú vị, đây chính là những động lực thúc đẩy tôi trong công việc này.

- Trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi.