Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng:

Mong muốn lan tỏa niềm đam mê với văn hóa truyền thống

Không rầm rộ, ồn ào, nhưng luôn tạo được nét riêng, sự khác biệt và chiều sâu trong cách thức hoạt động, ra đời gần chín năm, Hội quán Di sản đã trở thành một cái tên ngày càng được nhiều người yêu và hiểu văn hóa truyền thống biết tới. “Chúng tôi coi đó là một hành trình, để được sống với đam mê, và lan tỏa niềm đam mê đó”- nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (ảnh nhỏ), sáng lập Hội quán chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Mong muốn lan tỏa niềm đam mê với văn hóa truyền thống

Khác biệt trong cách nghĩ và cách làm

- Chào anh. Có một thông tin khá đặc biệt là phiên bản Bảo vật quốc gia tượng Phật A di đà do Hội quán phục dựng đã được chọn làm món quà tặng các đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 sắp diễn ra tại Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về điều này?

- Thật sự, chúng tôi cũng khá bất ngờ khi nhận được thông tin. Trước đó, năm 2017, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc tổ chức ở Hà Nội, Hội quán đã làm gần 3.000 pho tượng Phật A di đà tặng cho tất cả các đại biểu. Có lẽ, hiệu ứng từ sự kiện đó đã giúp nhiều người biết đến mẫu tượng này và lựa chọn.

Đây là mẫu tượng do Hội quán phục dựng vào năm 2016, dựa trên nguyên mẫu Bảo vật quốc gia tượng Phật A di đà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Đây là pho tượng độc đáo, với 42 con rồng ở phần chân đế. Hình tượng rồng được đặt xuống dưới chân tượng Phật cho thấy nhà Lý muốn đưa tính Thiện lên làm tư tưởng định hướng xã hội.

Khi tạo hình pho tượng, chúng tôi đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia có uy tín trong giới mỹ thuật, điêu khắc, Phật học… và tiến hành phục dựng một số chi tiết dựa trên tư liệu lịch sử. Mẫu tượng phục dựng được đánh giá hoàn chỉnh nhất cho đến thời điểm hiện nay. Điều thú vị nữa là, chúng tôi đã thu nhỏ pho tượng với nhiều kích thước khác nhau để có thể đặt trong không gian ở, nơi làm việc, qua đó mọi người có thể biết từ thế kỷ 11 ở Việt Nam đã có những pho tượng đạt đến trình độ tuyệt tác như thế. Nhiều người Việt đã lựa chọn mẫu tượng này để làm tặng phẩm gửi bạn bè trong nước và quốc tế. Điều đó làm chúng tôi rất tự hào.

- Ngoài việc thiết kế và sản xuất những sản phẩm có yếu tố văn hóa truyền thống, Hội quán đang tiến hành những chương trình gì?

- Chúng tôi thường lên kế hoạch cho một giai đoạn khoảng hai, ba năm. Hiện tại, chúng tôi làm dự án Ban thờ gia tiên của người Việt, đến năm nay là năm thứ ba. Tôi rất mong muốn năm nay sẽ ra được cuốn sách về vấn đề này. Góc nhìn của chúng tôi hướng đến câu chuyện hiện tại, đặc biệt là nắm bắt xu hướng tương lai. Ở đây, tôi lại muốn nhắc lại sự khác biệt trong cách làm và cách nghĩ của các thành viên Hội quán, đó là chúng tôi luôn xác định trong bất cứ công việc nào đều phải tính đến những câu hỏi: Làm để làm gì? Làm cho ai?

Một dự án khác là dự án Danh tướng Việt Nam đã được Hội quán khởi động từ năm 2011 và theo đuổi đến bây giờ. Chúng tôi tạo nên những pho tượng với kích thước phù hợp chủ đề về danh nhân, danh tướng Việt như tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, hay tượng Hoàng đế Quang Trung… Việt Nam tự hào là mảnh đất của địa linh nhân kiệt, nơi có rất nhiều bậc tinh anh đã đi vào lịch sử của nhân loại cớ sao lại không được chính nhân dân tôn thờ mà lại sử dụng hình tượng ngoại lai?

Hội quán triển khai nhiều tọa đàm chủ đề liên quan văn hóa truyền thống, tổ chức cuộc thi vẽ tranh online Bé vẽ màu dân tộc liên tục 5 năm qua. Hiện tại, với một lượng bài rất đồ sộ, chúng tôi dự định sẽ tổ chức các buổi workshop, chọn ra một số bạn vẫn theo đuổi niềm đam mê ấy, tập huấn thêm kỹ năng cho các bạn ấy và tạo nên những hoạt động xen kẽ, miễn sao đưa được các kiến thức văn hóa, niềm đam mê, kỳ vọng tác động tới các bạn ấy, để các bạn ấy có thêm động lực hoạt động và sáng tạo.

Thật sự, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc Hội quán có thể làm được gì đối với một cộng đồng dù chỉ là một việc nhỏ, những người thật sự quan tâm và chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống chắc chắn sẽ tìm đến để cùng nhau phát triển. Nhưng trước hết mình cứ làm thật tốt việc mình định làm.

Hạnh phúc vì được làm điều mình thích

- Có một thực tế là, dù đang có ngày càng nhiều các nhóm, diễn đàn quan tâm đến chủ đề văn hóa truyền thống, thì số lượng người thật sự hiểu và yêu các giá trị này vẫn là những cộng đồng hẹp, và thiếu vắng người trẻ?

- Chúng tôi có một điều tra khá rõ: trong khoảng 10 năm nữa, những thế hệ sinh năm 1991 trở về sau, sẽ chiếm khoảng hơn 40% dân số. Và đó là những thế hệ không phải trải qua các dấu mốc quan trọng như thời kỳ chiến tranh, thời kỳ thoát nghèo. Những thế hệ đó bước thẳng vào thời kỳ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Họ có năng lực tiếp thu rất nhanh, nhưng hầu hết đều có một lỗ hổng rất lớn về văn hóa truyền thống. Điều đó tác động rất nhiều đến tâm lý, và những người trẻ đó sẵn sàng quay ngược trở lại, tiếp thu những văn hóa mạnh hơn thí dụ như K-pop… Họ ở Việt Nam, nhưng mang tâm thế của những công dân toàn cầu.

Dù thế nào văn hóa cần phải được làm sáng tỏ, đậm nét. Rõ ràng, trong thời gian tới chắc chắn chúng ta sẽ phải quay lại câu chuyện: Truyền thống, và cần phải hiểu mình có gì. Khi hiểu được thì sẽ biết cách để tạo ra dấu ấn riêng của mình.

- Và đó là lý do để anh và những người sáng lập Hội quán thấy cần phải lập ra một địa chỉ như thế này, vào năm 2011?

- Có hai lý do: thứ nhất là, ở thời điểm cách đây chín năm, chúng tôi nghĩ rằng, nếu dự án thất bại thì chúng tôi đều là những người trẻ chưa đến 40 tuổi, làm ở nhiều ngành nghề khác nhau như kiến trúc, hội họa… vẫn còn cơ hội để làm lại. Và với những dự án liên quan văn hóa, không thể hy vọng nhìn thấy hiệu quả tức thời được, vì thế, khi thấy phù hợp thì chúng tôi làm. Đó là một sự khởi đầu nhỏ bé, vì chúng tôi cho rằng, nhận thức cơ bản về truyền thống và văn hóa của Việt Nam vẫn đang là những mảnh ghép, trong khi ngay chính hệ thống lý thuyết cơ bản cũng chưa hoàn chỉnh.

Chúng tôi là những người có chung sở thích tìm hiểu về văn hóa truyền thống, từ đó, chúng tôi ngồi lại bàn với nhau xem mình có thể làm gì đó được không? Rất nhiều giai đoạn, tưởng chừng Hội quán đã tan rã. Ở góc độ cá nhân, tài sản những gì tôi có được trong nhiều năm tích lũy đã bị mất hết.

- Hội quán có khoảng bao nhiêu người, ở thời điểm bắt đầu thành lập?

- Cái gì mới thì thường rất đông. Thành viên sáng lập có gần 10 người. Sau chín năm, rơi rụng còn khoảng gần một phần ba. Thời điểm hiện tại Hội quán bắt đầu có chiều hướng đi lên, tức là đông hơn, và chúng tôi bắt đầu tạo dựng được đến thế hệ thứ ba.

Một vấn đề thú vị nữa mà tôi muốn chia sẻ, đến giờ phút này, Hội quán không nhận bất cứ sự tài trợ của đơn vị nào. Tất cả các dự án đều được thực hiện bằng kinh phí tự có từ hoạt động của các công ty thành viên trong tổ chức.

- Sau gần 10 năm gồng gánh đam mê, anh thấy nhiệt huyết của mình với văn hóa truyền thống như thế nào?

- Tôi vẫn thấy mình vẫn rất máu lửa, nhiệt huyết vẫn sục sôi. Những điều Hội quán đang làm đã thu hút được nhiều người quan tâm, tham gia và thậm chí mong muốn được đồng hành. Tôi không nhìn nhận đó là thành công, vì tôi coi việc mình làm với Hội quán là một hành trình. Văn hóa là sự tích tụ, không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai. Điều quan tâm nhất của tôi bây giờ là làm thế nào để chia sẻ được những điều đó cho các lớp kế cận, và thổi được tinh thần ấy cho các bạn trẻ, để các bạn tiếp nối hoạt động.

Người làm nghề, hạnh phúc nhất là được làm điều mình thích.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bạn.

Mong muốn lan tỏa niềm đam mê với văn hóa truyền thống ảnh 1

Mẫu tượng Phật A di đà do Hội quán Di sản phục dựng.