Nghệ sĩ cello Phan Ðỗ Phúc:

Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh

Tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành cello với rất nhiều giải thưởng danh giá ở Mỹ, nhưng nghệ sĩ Phan Ðỗ Phúc chọn về Việt Nam “truyền bá” cây đàn cello vì ở trong nước đang quá hiếm người chơi. Anh muốn lan tỏa những vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển đến cộng đồng, từ tình yêu với cây đàn cello. 

Nghệ sĩ Phan Ðỗ Phúc biểu diễn ở Nhà thờ lớn.
Nghệ sĩ Phan Ðỗ Phúc biểu diễn ở Nhà thờ lớn.

Việc nhỏ bé để lan tỏa tình yêu âm nhạc

- Tôi rất ấn tượng những buổi trò chuyện và chia sẻ về âm nhạc của anh. Vì sao có “đất dụng võ” tại Mỹ nhưng anh lại quyết định trở về Việt Nam?

- Tôi rời Việt Nam cách đây bảy năm, khi vừa học xong lớp 11 ở Trường Chu Văn An, được học bổng toàn phần của Italia. Sau đó tôi sang Mỹ học đại học và học một mạch lên tiến sĩ. Tôi cũng có nhiều cơ hội việc làm như làm giảng viên dạy cello tại một số trường đại học, nhưng tôi chọn về Việt Nam. Tôi nghĩ, đã đến lúc mình nên đóng góp chút gì đó cho cộng đồng. Ở Mỹ, sẽ tốt cho bản thân tôi, nhưng về Việt Nam, tôi thấy mình có ích cho cộng đồng nơi mình sống, được làm những việc nhỏ bé để lan tỏa tình yêu với cây đàn cello và âm nhạc cho mọi người.

- Sau một thời gian đi xa trở về, anh thấy đời sống âm nhạc cổ điển ở  Việt Nam thế nào?

- So với thời tôi mới đi học, các hoạt động âm nhạc phong phú hơn. Cũng có nhiều thầy cô trẻ đi du học về, bổ sung một lượng giáo viên tốt, còn các bạn trẻ bây giờ rất năng động, tổ chức nhiều buổi biểu diễn, nhiều nhóm hòa tấu tự phát. Tôi thấy có nhiều triển vọng. Tôi mong muốn sau này, gia đình nào có điều kiện sẽ tổ chức những buổi concert mời mọi người đến nghe. Ở nước ngoài, kiểu sự kiện này rất phổ biến. Khán giả không nhất thiết phải đến phòng hòa nhạc lớn mới được nghe nhạc cổ điển. Tôi muốn thẩm thấu vào đời sống từ những cái nhỏ nhất như thế, hy vọng mọi người sẽ học nhạc nhiều hơn, nghe nhạc nhiều hơn và từ đó giúp nâng cao đời sống tinh thần của mỗi người.

- Vậy anh có những dự định gì khi trở về Việt Nam?

- Tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhỏ kết nối giữa các loại hình nghệ thuật với âm nhạc và tất nhiên là biểu diễn. Ngoài những show diễn lớn, tôi muốn làm những show nhỏ hơn, kết hợp với các bạn ở Sun Symphony, chơi nhạc cổ điển ở quán cà-phê. Ðó là một mô hình phổ biến ở nước ngoài, họ không tư duy nhạc cổ điển là quá “sang chảnh”. Bởi rất nhiều tác phẩm của các tác giả lớn như Schubert được sáng tác trong môi trường thân mật, ở quán trà, cà-phê, mời bạn bè đến thưởng thức. Tôi rất thích những buổi diễn nhỏ như thế để cảm nhận được năng lượng của khán giả. Tôi sẽ kết hợp với nghệ sĩ Trang Trịnh trong những dự án phổ cập giáo dục âm nhạc cho trẻ nhỏ. Tháng 8 này, tôi sẽ kết hợp với họa sĩ Ðỗ Vũ nói về sự giao thoa giữa âm nhạc và hội họa. Ðó cũng là cách chúng tôi thu hút khán giả của nhau. Tôi luôn tò mò, thích liên kết các kiến thức và tìm tòi. Khi giảng dạy, tôi muốn học sinh hỏi nhiều. Một nghệ sĩ muốn đi xa, phải có tư duy, đầu óc. Cách dạy đúng là học sinh phải tư duy, chứ không chỉ ngồi “cày” bài, sử dụng đầu óc nhiều hơn một chút. Nếu học nhạc chỉ “cày” bài thì rất nguy hiểm. Vì số ít “cày” được, tự tin, vênh vang về những cái không phải là giá trị của âm nhạc, còn số không “cày” được lại nản và bỏ. Âm nhạc có những bài chạy hào nhoáng nhưng nó không phải thể thao, chạy điền kinh, đó không phải cái đích đến của âm nhạc.

- Vậy theo anh, đích đến của âm nhạc là gì?

- Ðó là những gì chuẩn mực, vĩ đại và tinh túy nhất mà con người tạo ra. Không phải ai cũng có điều kiện theo âm nhạc, tạo ra được âm nhạc. Nghệ sĩ là trung gian mang cái đẹp đến cho khán giả, chính họ phải hiểu và cảm được cái đẹp đó trước đã. Tôi nhìn lại con đường của mình là cơ duyên và may mắn. Tôi tự hỏi, mình sẽ làm được gì cho cuộc sống. Trong hành trình đi của mình, tôi rút ra nhiều bài học, nhiều nỗi đau, sự vấp ngã, nó thấm vào mình, thành của mình. Chính những trải nghiệm giúp tôi lớn lên và tiếng đàn sẽ hay hơn.

Âm nhạc vừa là nghề nghiệp, vừa là lẽ sống

- Tôi được biết, anh bắt đầu với đàn organ, vậy cơ duyên nào đưa anh đến với cello?

- Có thể nói cây đàn cello đã chọn tôi khi tôi thi vào nhạc viện và bắt đầu hành trình với cây đàn đặc biệt này. Càng chơi, càng gắn bó, tôi càng yêu. Có nhiều thứ rất hay ở cello như âm vực của cello bao quát một quãng rộng, rất trầm và cao. Ai đã học cello đều thích âm trầm. Tôi gắn bó vì âm sắc của nó rất đặc biệt, nó chạm đến trái tim khán giả. Nhiều bạn nghe lần đầu đều chia sẻ như thế. Khi chơi cello, cảm giác cả con người mình được sống trong âm nhạc.

- Ngày học ở Mỹ, anh từng được cho mượn một cây đàn cello rất đặc biệt? Anh có thể chia sẻ về điều này?

- Tôi được một tổ chức ở Mỹ cho mượn cây đàn cello đặc biệt, vì mua đàn ở Mỹ rất đắt. Khi tốt nghiệp đại học, tôi học lên thạc sĩ và được mượn cây đàn của Ðức sản xuất năm 1917, tôi gắn bó với nó năm, sáu năm. Học xong tiến sĩ, tôi nghĩ cần một cái gì đó của mình để tạo tiếng nói riêng, tôi quyết định mua đàn mới. Cây đàn hiện tại tôi mua được hơn hai năm, mới sản xuất, tuổi còn rất trẻ, gỗ cũng chưa ngấm thời gian, tiếng chưa có chiều sâu như cây đàn cổ. Nhưng nó sẽ già theo mình, điều đó rất thú vị. Theo năm tháng tiếng đàn sẽ thay đổi dần, theo cách mà tôi chơi.

- Anh còn nuôi giấc mơ chinh phục những giải thưởng lớn trên thế giới?

 - Tôi nghĩ mình không còn trẻ để tham gia nữa. Tôi sẽ làm những việc nhỏ và làm thật tốt. Tạng của tôi không có duyên với giải thưởng lớn hay làm một điều gì to tát. Mục đích đầu tiên là thỏa mãn sự tò mò của tôi. Và sau nữa, càng mở rộng sự kết nối, giao thoa, quỹ khán giả của mình sẽ càng lớn thêm, tiếng đàn sẽ có cơ hội lan tỏa rộng hơn. Tôi muốn chinh phục khán giả, muốn những người chưa biết sẽ biết và yêu cello. Tôi nghĩ, mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều có một vai trò trong xã hội nhất định. Và điều quan trọng là mình dám theo đuổi con đường đó một cách bền bỉ, lâu dài.

- Tôi tò mò tự hỏi, anh dành thời gian cho cây đàn cello của mình lúc nào?

- Tôi vẫn tập đàn tất cả các buổi sáng trong tuần, đó là thức ăn tinh thần và để duy trì tay nghề. Người nghệ sĩ cần nuôi dưỡng tình yêu thì mới truyền được năng lượng cho học sinh, giúp các em hiểu được giá trị của âm nhạc. Khi hiểu được những giá trị cốt lõi đó, sẽ thấy âm nhạc vừa là nghề nghiệp, vừa là lẽ sống, và chúng ta cần nỗ lực lao động để thúc đẩy mình vượt qua giới hạn của bản thân theo chiều hướng tốt nhất.

8_006-1594451009489.jpg
 

Nghệ sĩ Cello Phan Ðỗ Phúc sinh năm 1990 nhưng đã sở hữu một bảng thành tích đáng nể cả về học tập lẫn lao động sáng tạo nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài. Năm 2008, Phan Ðỗ Phúc đã giành giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng tại Trieste, Italia. Năm 2017, anh đạt giải nhất cuộc thi hòa tấu thính phòng Ackerman Chamber Music Competition, New York, Mỹ. Anh từng biểu diễn solo và hòa tấu tại nhiều phòng hòa nhạc tên tuổi hàng đầu nước Mỹ và làm bè trưởng cho nhiều dàn nhạc uy tín của Mỹ và thế giới như Napa Valley Festival Orchestra, Pacific Music Festival Orchestra, New York Classical Players Orchestra…