Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Lựa chọn tinh túy của dân ca tạo nên nhạc phẩm

Với những ca khúc nổi tiếng như Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Nguyễn Trọng Tạo đã trở thành một nhạc sĩ được đông đảo quần chúng yêu mến. Ông đang chuẩn bị cho đêm nhạc riêng của mình, mang tên Khúc hát sông quê diễn ra vào tối 8-9 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Nhóm nhạc 5 dòng kẻ sẽ biểu diễn ca khúc Khúc hát sông quê trong liveshow của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tối 8-9 tới.
Nhóm nhạc 5 dòng kẻ sẽ biểu diễn ca khúc Khúc hát sông quê trong liveshow của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tối 8-9 tới.

Chất dân ca đã ngấm vào máu thịt

- Hóa ra cơn cớ cho cuộc “du hý” cùng âm nhạc của anh đã có từ những năm ngoài 22 tuổi, khi đó anh giữ vai trò là trưởng một đoàn văn công xung kích. Hồi đó, công việc cụ thể của một trưởng đoàn như anh là làm những gì?

- Khi làm trưởng đoàn văn công xung kích của trung đoàn, rồi sư đoàn, ngoài việc quản lý đơn vị, tôi phải lo xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị nói riêng và bộ đội nói chung. Những nội dung gì thiếu, tôi phải “đặt hàng” hoặc chính mình sáng tác tiết mục cho đoàn. Thời đó tôi viết nhiều ca khúc ngắn về bộ đội, có đơn ca, tốp ca, đồng ca, và viết cả những liên khúc hợp xướng hoành tráng như Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ, Đường tàu thống nhất… Và phải đưa đoàn đi biểu diễn phục vụ cho bộ đội và nhân dân vùng đóng quân. Có khi sang cả nước bạn Lào phục vụ quân tình nguyện và bộ đội Lào.

- Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, sống ngang qua thời bình, lại từng làm bạn với rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có các nhạc sĩ như Văn Cao, Trịnh Công Sơn. Anh học được ở họ những gì trong sáng tác ca khúc?

- Sau khi nước nhà thống nhất, tôi về Hà Nội học Đại học viết văn Nguyễn Du khóa 1. Ở Hà Nội tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng như Vũ Cao, Văn Cao, Hoàng Cầm, Thu Bồn, Xuân Quỳnh, Phùng Quán… Còn với Trịnh Công Sơn thì tôi có may mắn gặp anh ngay sau cuộc chiến, khi tình cờ anh và một số nhà thơ không hẹn trước, ghé thăm tôi ở đồi Lệ Kỳ, nơi đoàn của tôi đóng quân. Năm 1981, tôi gặp Văn Cao, ông đã biết bài hát Làng quan họ quê tôi, ông nói: “Thì ra đây là anh chàng Nghệ viết về miền quan họ”. Cũng tại nhà Văn Cao, tôi gặp lại Trịnh Công Sơn, và sau đó là nhiều cuộc đàm đạo khác bên bàn rượu, khi ở Huế, lúc ở Sài Gòn. Tôi coi hai người vừa là anh, vừa là bạn vong niên. Tôi không chỉ thích nhạc mà còn rất trân trọng tài năng và nhân cách nghệ sĩ của họ.

- Anh sáng tác nhiều bài hát với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng ở những bài nổi tiếng nhất như Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... thì yếu tố dân gian trong âm nhạc vẫn là nổi bật. Chất dân gian ấy có thể lý giải vì anh sinh ra ở một miền quê xứ Nghệ có nhiều điệu hò, câu ví?

Lựa chọn tinh túy của dân ca tạo nên nhạc phẩm ảnh 1

- Người Việt ở vùng, miền nào cũng rất yêu thơ và thích ca hát. Ở quê tôi cũng vậy. Họ hát trong lúc lao động và cả lúc nghỉ ngơi hóng mát. Họ hát giao duyên đối đáp bằng những điệu hò, câu ví, trổ giặm. Tụi nhỏ chúng tôi cũng theo đó mà hát, mà đặt vè… Chất dân ca cứ ngấm vào máu thịt lúc nào không biết nữa. Nhưng khi sáng tác, nhạc sĩ phải biết lựa chọn những gì độc đáo nhất, tinh túy nhất để làm chất liệu cho mình. Tôi không thuộc trường phái sát gần dân ca mà tôi thường lựa chọn hơi thở tinh túy của dân ca để tạo dựng nên nhạc phẩm của mình. Vì thế mà có bài mang hơi thở dân ca cả ba miền bắc trung nam như Khúc hát sông quê. Tuy vậy, tôi cũng có một mảng ca khúc viết theo thể thức nhạc nhẹ. Người ta ít biết tới mảng này của tôi, vì tôi viết ra để đó, ít khi công bố…

- Làng quan họ quê tôi từng nhận tặng thưởng đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1981, sau đó cùng với Khúc hát sông quê được Bộ NN&PTNT tặng cúp trong tốp 20 bài hát xuất sắc nhất viết về nông thôn nông nghiệp Việt Nam (1945-2010). Lại biết, hồi anh viết ca khúc đó, anh chưa đến thăm một làng quan họ nào. Giống như nhạc sĩ Hồng Đăng khi viết bài hát Hoa sữa nổi tiếng chưa từng biết hoa sữa ra sao. Cái này cần anh lý giải đôi chút về những cuộc đi thực tế trong tâm tưởng người nghệ sĩ. Người ta phải làm cách nào để thấm tinh thần một vùng đất, một vùng văn hóa khi mà họ chưa thật sự đặt chân đến?

- Tôi viết Làng quan họ quê tôi một cách nhuần nhuyễn và mới mẻ như thế, trước hết vì tôi rất yêu thích những làn điệu quan họ trong trẻo, du dương mà dân ca quê tôi không có. Thời chiến tranh lại được xem những ca sĩ từ Hà Nội vào miền trung hát quan họ. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về bộ phim Đến hẹn lại lên với nhiều làn điệu quan họ gắn liền với số phận nhân vật Nết và Hai Chi. Khi đọc bài thơ Làng quan họ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, âm điệu quan họ cứ hồi vọng trong tâm hồn tôi. Và ca khúc Làng quan họ quê tôi đã được sinh ra như một sự kết duyên giữa tâm hồn và văn hóa Kinh Bắc trong tiềm thức của tôi.

Gọi tôi là “người ham chơi” cũng đúng

- Thường hay nhìn thấy ảnh anh trên báo chí, khi thì rong chơi, lúc trong cuộc nhậu với bạn bè. Như thể lúc nào cũng có ly rượu ở bên, như thể rất lười. Nhưng nhìn vào số lượng tác phẩm của anh thì lại khó nhận xét anh lười lao động. Vậy “cái lười” với “cái chăm chỉ” trong sáng tác có gì khác nếu so sánh với các công việc bình thường khác không anh?

- Với người sáng tác thì lao động sáng tạo là một đặc thù, và mỗi người cũng mỗi khác. Có người hùng hục viết (đặc biệt là dân viết văn xuôi), có người chỉ viết khi có hứng, và có người làm việc không ai biết - như là một việc làm “vô tăm tích”. Người ta gọi tôi là “người ham chơi” cũng đúng. Bạn bè nhiều, người yêu thích cũng nhiều. Tôi hay phải xuất hiện nhiều ở chỗ này chỗ kia chủ yếu cũng vì tính cả nể. Nhưng trong những cuộc giao du như thế, không phải là không có ích, thậm chí rất có ích là khác. Tôi tiếp thu được ở đó nhiều bất ngờ về cuộc sống, về nghệ thuật. Có thể nói đó cũng là trường học cuộc đời. Ít ai nhìn thấy tôi làm việc, trừ lúc đi giảng bài hay nói chuyện nghệ thuật. Tôi có thói quen làm việc một mình ban đêm. Thường thì làm việc đến 2 giờ sáng, hoặc dậy từ lúc 2, 3 giờ sáng làm cho tới khi xong việc mới thôi. Giờ ấy là giờ người ta đang ngon giấc ngủ…

- Nổi tiếng tài hoa, đa tình, nhưng đến giờ vẫn một mình. Đàn bà trong mắt anh như thế nào là đẹp?

- Tài hoa, đa tình là người ta nói thế. Tôi nghĩ tôi cũng thường thôi. Hai lần hôn nhân cũng chưa phải là nhiều. Nhiều người còn lắm bi kịch hơn tôi. Thực ra làm việc nhiều về ban đêm thì sống một mình lại rất tốt, không làm phiền đến giấc ngủ của ai cả. Đàn bà đẹp thì nhiều, nhưng hợp nhau thì vẫn là của hiếm. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng mà.

- Người đàn bà mà anh chọn để yêu hay sống cùng, có nhất định phải yêu thơ, nghe nhạc của anh không?

- Đáng sợ nhất là người không hiểu nghệ thuật đến nơi đến chốn lại hay thích luận bàn. Nhưng một người đàn bà không yêu thích gì văn học nghệ thuật thì rất dễ mang tới sự ớn lạnh.

- Vì sao anh chọn Công ty Son Vàng để gửi gắm họ tổ chức đêm nhạc Khúc hát sông quê vào ngày 8-9 tới?

- Son Vàng và tôi có thể là một cái duyên. Bạn bè giới thiệu họ cho tôi, và họ cũng rất vui vẻ chọn tôi. Và tôi rất thích khi họ mời được đạo diễn Đinh Anh Dũng tham gia.

- Rất nhiều Việt kiều nghe và yêu thích các tác phẩm âm nhạc viết về làng quê của anh, có khi nào anh nghĩ mình sẽ tổ chức một đêm nhạc để phục vụ kiều bào?

- Bà con Việt kiều ở các nước đã nhiều lần mời tôi sang giao lưu thơ nhạc, và những cuộc đó rất vui, vì chỉ có mình tôi hay một vài người, thật gọn nhẹ. Nhưng mang cả một chương trình âm nhạc của tôi đi lưu diễn thì khá kềnh càng. Vì thế mà mấy lần mời rồi nhưng tôi không thực hiện được. Kể cũng tiếc lắm chứ.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!