NSND Minh Ngọc:

Làm nóng tinh thần dấn thân của nghệ sĩ

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 vừa khép lại. Nhìn từ những thành công trong sáng tạo nghệ thuật biểu diễn ghi nhận tại sự kiện nghệ thuật đặc biệt này, NSND Trần Minh Ngọc (ảnh nhỏ), Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan cho rằng, liên hoan lần này đã phần nào thúc đẩy những người làm nghệ thuật sân khấu dấn thân vào con đường thử nghiệm để khám phá, tìm chìa khóa để mở ra cánh cửa mới lạ, hấp dẫn cho khán giả hiện đại.

Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam) mang đến nhiều thử nghiệm ấn tượng.
Thân phận nàng Kiều (Nhà hát Múa rối Việt Nam) mang đến nhiều thử nghiệm ấn tượng.

Phép thử cho tư duy nghệ thuật

- Ðã qua bốn lần tổ chức, nhưng vì sao cho tới Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 vẫn tiếp tục xảy ra những tranh cãi trái ngược nhau về quan điểm thử nghiệm ở nhiều tác phẩm tham dự? Với vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo, theo ông, Liên hoan lần này có đạt được tiêu chí mà Ban tổ chức đã đặt ra?

- Việc tranh cãi về quan điểm thử nghiệm là điều đương nhiên, bởi lẽ có những thử nghiệm thành công và có thể thất bại, đôi khi bị cho là... quái dị, khác người. Việc đưa ra những ý kiến tranh cãi bàn thảo trái chiều về những thử nghiệm ở từng tác phẩm là không thể tránh khỏi. Sau bốn lần tổ chức, dường như đội ngũ những người làm sân khấu đã có một quan điểm rõ ràng hơn về thử nghiệm. Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm của Việt Nam đã trở thành nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp của nghệ sĩ trong nước và quốc tế, hướng tới tìm kiếm, sáng tạo cách làm, cách kể mới, qua đó làm giàu nghệ thuật sân khấu chính là mong muốn của những người làm sân khấu thử nghiệm.

Với những người có sáng tạo thật sự, mục tiêu của họ là cứ kiên trì làm thử, đến khi nào đó có thể họ sẽ tìm ra phương thức thể hiện, một ngôn ngữ riêng để tạo ra dấu ấn nghệ thuật. Làm nghệ thuật cứ co cụm trong vùng an toàn thì đến ngày nào đó sáng tạo bị thui chột, ngôn ngữ nghệ thuật cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, và dần dần cứ quẩn quanh rồi bế tắc. Và như thế cần có cái nhìn nghiêm túc về thử nghiệm trong sân khấu để từ đó phát huy sự sáng tạo, có cái nhìn mới về tư duy nghệ thuật. Sự thử nghiệm này đã được nền sân khấu thế giới làm "phép thử" liên tục với nhiều hình thức và hoàn cảnh rất đa dạng. Theo tôi, liên hoan lần này đã làm nóng lên tinh thần dấn thân vào con đường thử nghiệm của những người làm sân khấu. Nhìn từ những tác phẩm sân khấu của nước ngoài cho đến cả những tác phẩm sân khấu của đồng nghiệp trong nước đã cho thấy những phép thử thành công đối với bài toán thử nghiệm đáng được ghi nhận. Ðơn cử như cùng một câu chuyện nhưng thế giới có cả 10 cách để kể trong khi nhiều tác phẩm sân khấu của ta có 10 câu chuyện nhưng lại chỉ có một cách kể.

- Theo ông, giới sân khấu "nghiệm" được những gì qua những phép thử này?

- Hầu hết những tác phẩm tham dự liên hoan đều thể hiện ý thức nghiêm túc với nhiều tìm tòi, khám phá sáng tạo. Ðã có nhiều cách kể chuyện khác nhau về cùng một chủ đề và nhất là các sân khấu thử nghiệm có đông đảo khán giả theo dõi, bình luận. Chúng ta có thể thấy một số tác phẩm thử nghiệm thành công và rất ấn tượng khiến người trong nghề cũng phải "tâm phục khẩu phục", đó là: Cánh đồng đẫm máu (Hy Lạp), Bpolar (Israel), Thân phận nàng Kiều, Cậu Vanya, Nữ ca sĩ hói đầu (Việt Nam). Giới sân khấu Việt Nam có niềm tin vào thế hệ tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ trẻ hôm nay. Thử nghiệm luôn là công việc đầu tiên của tác giả và đạo diễn. Tác giả cung cấp chất liệu cho thử nghiệm bằng các yếu tố mới lạ của câu chuyện kể và đạo diễn là người đưa nó lên sàn diễn, vật chất hóa các ý tưởng trừu tượng thông qua tài năng biểu diễn của người diễn viên. Mặc dù kịch bản là khâu yếu nhất tại liên hoan nhưng công tác đạo diễn lại bứt phá vượt lên với sự nỗ lực tìm tòi ở nhiều hình thức thể hiện. Ðặc biệt, một số đạo diễn đã biết phát huy những ưu thế của sân khấu truyền thống kết hợp với tư duy hiện đại để tạo nên những tác phẩm mới lạ, đạt hiệu quả. Ðó là các đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSƯT Trần Lực, NSND Triệu Trung Kiên, NSƯT Quế Anh. Ðặc biệt, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã rất tuyệt vời khi thả sức tung hoành các mảng miếng kết hợp Ðông - Tây nhưng vẫn giữ được những giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam với các mảng miếng của tuồng, chèo, dân ca. Cách xử lý tạo hình con rối, đạo cụ những dây lụa cách điệu tạo nên những không gian nghệ thuật mới, sự xuất hiện của đàn chim lợn thay cho dàn đồng ca... Tất cả đã tạo nên một tác phẩm mang đậm tính thử nghiệm thành công đáng khâm phục ở Thân phận nàng Kiều.

Làm nóng tinh thần dấn thân của nghệ sĩ ảnh 1

Lẽ thường của thử nghiệm

- Một số đạo diễn của Việt Nam cho rằng, các tác phẩm sân khấu thử nghiệm rất cần có sự đầu tư hoành tráng, đặc biệt cần phải có những phương tiện kỹ thuật sân khấu hiện đại. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Theo tôi đây là quan điểm chưa chính xác về thử nghiệm. Phép thử cho sân khấu thử nghiệm có nhiều cách, không cứ đòi hỏi phải tốn nhiều tiền và nhân lực. Ðơn cử như đạo diễn, NSƯT Trần Lực và đoàn Luc Team đã chinh phục khán giả với vở kịch phi lý Nữ ca sĩ hói đầu trên sân khấu Việt với phương pháp ước lệ biểu hiện với một sân khấu cực kỳ đơn giản và tiếp thu được sự ước lệ của sân khấu truyền thống từ trang trí cho tới cách diễn và cả phục trang nhân vật. Từ những sự kiện rời rạc, những đối đáp theo kiểu "ông nói gà, bà nói vịt" nhưng kỳ thực lại vô cùng sâu sắc, khiến khán giả thích thú. Tôi tin chắc, với đường đi riêng này, Trần Lực sẽ tiếp tục có những thành công trên con đường sáng tạo của mình và cũng có những khán giả riêng đến với sân khấu Luc Team. Ngoài ra, việc thử nghiệm cũng rất phù hợp với những đạo diễn trẻ đang mong muốn tìm tòi những hình thức thể hiện đơn giản không cầu kỳ mà hiệu quả. Cái đích cuối cùng của thử nghiệm thành công chính là các tác phẩm phải đến được với công chúng. Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần này cho ta một kinh nghiệm là hợp tác, giao lưu với các đạo diễn nước ngoài có uy tín, có sức trẻ đã mang lại những tín hiệu tích cực. Ðiều này thể hiện rất rõ ở hai tác phẩm Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi trẻ và Sự sống của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngay cả những khán giả khó tính là những người làm nghệ thuật cũng vô cùng thán phục và ngưỡng mộ bởi những xử lý tuyệt vời và rất hiện đại của đạo diễn Nhật Bản Sugiyama Tshuyoshi và Hiroyuki Muneshige. Trong Sự sống, sân khấu được thiết kế đơn giản, trống trơn nhưng lại mở ra cho sân khấu những không gian nghệ thuật mới bằng hiệu quả của ngôn ngữ chuyển động hình thể của nghệ sĩ.

Thử nghiệm sân khấu cũng giống như thử nghiệm khoa học, có thành công và thất bại. Tác phẩm thử nghiệm chưa thể định hình ngay được, sự khám phá luôn tiềm ẩn những hiểm nguy của sự thất bại, do vậy không đòi hỏi tác phẩm thử nghiệm phải hay, phải hoàn chỉnh ngay. Người làm thử nghiệm phải dấn thân, phải dũng cảm mới có thể có được những tác phẩm đỉnh cao. Còn chuyện thất bại hay thành công, nên coi là lẽ thường, với những trải nghiệm trong 10 ngày Liên hoan sân khấu thử nghiệm, chúng tôi cho rằng liên hoan lần này đã có được những kết quả nghệ thuật rất đáng khích lệ. Bằng chứng là chúng ta đã có những tiếp cận với sân khấu thế giới qua dòng kịch hiện đại, tác phẩm hiện đại, qua đó học hỏi nhiều điều về biên kịch, đạo diễn và biểu diễn. Người xem sân khấu có được tầm nhìn mới. Thử nghiệm cũng là việc làm thường xuyên của đạo diễn, luôn hướng về phía trước bằng những tìm tòi mang cái mới, cái hấp dẫn cho khán giả.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.