NSƯT Hà Phạm Thăng Long:

Làm nghề còn là sự cống hiến

Từng được mệnh danh là ngôi sao opera hàng đầu của Việt Nam, nhưng nhiều năm nay, Hà Phạm Thăng Long đã chuyển qua công việc giảng dạy. Chị đã trò chuyện về những trăn trở với nghề, làm thế nào để nghệ thuật opera phát triển ở Việt Nam, như quá khứ đã từng có...

Vở nhạc kịch kinh điển Cô Sao.
Vở nhạc kịch kinh điển Cô Sao.

Không phải loay hoay với con đường của mình

- Khá lâu rồi không thấy chị xuất hiện thường xuyên trên sân khấu nhạc kịch. Vì sao vậy?

- Bốn năm nay tôi chuyển qua công tác giảng dạy. Nghề biểu diễn vốn rất nghiệt ngã, với opera càng nghiệt ngã hơn khi tuổi nghề quá ngắn ngủi, lại không có nhiều cơ hội đứng trên sân khấu. Ai vươn được ra là người ta đi thôi. Lâu rồi, chúng ta cũng không dựng vở mới, mà chỉ có những concert hằng tháng mà thôi.

- Theo đuổi opera ở một đất nước mà loại hình nghệ thuật này có xa lạ với khán giả, đó hẳn là một chặng đường chông gai và nhiều thử thách. Chị đã vượt qua nó như thế nào?

Làm nghề còn là sự cống hiến ảnh 1

- Tôi thấy mình may mắn, gặp thầy, gặp bạn và cứ thế phát triển con đường của mình. Mọi thứ không quá khó khăn đối với tôi. Lúc học tập, rèn luyện tôi không nghĩ đến những khó khăn, chỉ thấy mình phải phấn đấu để có kết quả tốt nhất. Tôi không phải băn khoăn, loay hoay với con đường của mình. Khi làm nghề, tôi xác định tư tưởng, đó còn là sự cống hiến cho đất nước nữa. Vì thế tôi không quá nặng nề chuyện cuộc sống mình có vất vả hay không. Để bảo đảm cuộc sống tôi cũng phải bươn chải ở ngoài, dạy học, biểu diễn thêm. Đến bây giờ tôi vẫn sống ổn bằng nghề của mình. Đúng giai đoạn tôi biểu diễn sung sức, may mắn có các quỹ của nước ngoài tài trợ nhiều cho văn hóa, vì thế, nhiều vở nhạc kịch được dàn dựng và nghệ sĩ chúng tôi có nhiều cơ hội làm nghề hơn các bạn trẻ bây giờ.

- Chị là một trong số ít nghệ sĩ dành trọn sự nghiệp của mình cho opera. Điều gì giữ cho chị sự quyết liệt đó?

- Trước tiên phải yêu nghề, mà muốn yêu thì phải hiểu, muốn hiểu thì phải nghiên cứu, rèn luyện. Càng nghiên cứu, càng hiểu lại càng yêu. Tình yêu bền bỉ đó sẽ nhận được sự đền đáp, ghi nhận của xã hội. Khi mình đắm say với một điều gì đó sẽ có những phản hồi tích cực với mình. Tất nhiên, không phải tất cả sự đắm say đều có thành quả đâu mà phải có tài năng.

- Giọng ca trẻ Ninh Đức Hoàng Long vừa giành giải nhất cuộc thi thanh nhạc quốc tế tại Hung-ga-ri đang làm dấy lên niềm hy vọng về một thế hệ opera trẻ của Việt Nam. Chị có chia sẻ điều đó?

- Long là một người trẻ đáng được ghi nhận bởi cậu ấy đang đi trên một con đường đầy chông gai mà chưa nhìn thấy điểm đến. Tôi luôn có những lời động viên chân thành với Long vì bạn ấy rất say mê và nghiêm túc với nghề. Thực tế chúng ta có nhiều sinh viên có ý thức về nghề, nhưng thiếu điều kiện để họ bật lên. Có ba yếu tố để một nghệ sĩ opera có thể thành công, đó là sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân, sự hậu thuẫn của gia đình và xã hội. Vế thứ ba của chúng ta còn nhiều hạn chế do dân trí chúng ta chưa cao. Vẫn có những bạn trẻ say mê nhưng họ không có điều kiện làm nghề. Vươn ra thế giới như Ninh Đức Hoàng Long là điều đáng nể. Tôi có cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nước, rõ ràng chúng ta rất khó để đạt tầm thế giới, vấn đề thể lực, thể trạng, những va vấp do thiếu kinh nghiệm...

Cần hơn nữa sự đầu tư quyết liệt cho nghệ thuật đỉnh cao

- Chúng ta từng có những vở opera nổi tiếng như Cô Sao, Lá đỏ. NSND Quý Dương trước khi mất vẫn trăn trở làm thế nào để opera phát triển ở Việt Nam, để kéo khán giả đến rạp. Theo chị, nhiều năm qua, chúng ta có khởi sắc gì không?

- Những giấc mơ thật đẹp nhưng để thực hiện được giấc mơ đó phải có từ nền móng, đó là nhận thức của xã hội, nâng cao được dân trí. Tôi đi nước ngoài nhiều, số lượng khán giả yêu opera cũng không phải là phần đông trong xã hội, nghệ thuật nào cũng có lượng khán giả riêng. Ở Việt Nam, lượng công chúng dành cho âm nhạc bình dân nhiều hơn nên họ có khán giả đông hơn.

- Đó có phải là lý do bộ môn nghệ thuật này không có cơ hội phát triển mạnh ở Việt Nam?

- Vì chúng ta mãi chạy theo thị hiếu của công chúng, dân trí thấp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Tôi đang dạy một học sinh lớn tuổi người Anh. Xuất thân và kể cả tổng thu nhập của anh ta hiện không cao, nhưng anh ta rất yêu nghệ thuật và thích hát opera. Ở ta, nhiều năm nay, các gia đình khá giả bắt đầu đầu tư cho con cái họ học đàn, học vẽ, hy vọng dăm ba chục năm nữa, chúng ta có một thế hệ được trang bị những kiến thức cơ bản về nghệ thuật, hay nói cách khác, chúng ta sẽ có công chúng nghệ thuật. Chứ bây giờ, nhận thức của nhiều người còn hạn chế lắm. Thỉnh thoảng vô tình, tôi vẫn nghe có người thốt ra những câu “xướng ca vô loài”. Rất buồn. Tuy nhiên, chúng ta không so sánh được với các nước phát triển, họ ở trong cái nôi của âm nhạc cổ điển, dân trí họ cao hơn, nghệ sĩ họ nhiều cơ hội hơn mình. Nhưng ở đâu thì theo đuổi nghệ thuật đỉnh cao cũng là con đường chông gai. Môi trường nước ngoài còn khắc nghiệt hơn Việt Nam. Sinh viên bươn chải đi tìm cơ hội đầu quân về các nhà hát, để có một vai diễn rất khó khăn, khắt khe. Họ cũng phải vật vã với nghề.

- Còn chúng ta, từ phía con người, chị có nhìn thấy những nhân tố kế cận?

- Tôi thấy có một số bạn trẻ, giọng nữ cao tiêu biểu có Tố Loan và Trần Trang, các em đang bước vào nghề cũng với tinh thần như tôi ngày trước, rất say mê và có hướng phấn đấu tốt. Nhưng nhiều năm nay chúng ta không có những vở lớn, không có nhiều cơ hội cho các em làm nghề. Vì chúng ta không có kinh phí. Dựng một vở opera tốn hàng tỷ, đó là khó khăn chung của các ngành nghệ thuật. Dù chúng ta luôn có những người yêu nghề, sẵn sàng hy sinh vì nghề. Tôi mong muốn có một chế độ đãi ngộ tốt hơn để các em yên tâm làm nghề. Tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh đó, thấy thương các em lắm. Để có một đêm diễn hai - ba tiếng trên sân khấu, các em phải mất hàng tháng trời luyện tập, xa chồng xa con đêm hôm đi tập, nói ra thù lao thì rất buồn.

- Vì thế mà bây giờ tôi thấy có một trào lưu, các nghệ sĩ cổ điển đổ xô đi hát dân ca, bolero. Liệu sự pha trộn đó có làm mất chất của thính phòng?

- Đó là nhu cầu rất thực tế của các bạn trẻ bây giờ, nhiều bạn còn chuyển hướng luôn vì sân khấu dành cho dòng nhạc cổ điển rất ít. Nhưng cũng có những bạn đi hát dân ca kiếm tiền để nuôi đam mê của mình. Theo tôi, việc hát nhiều dòng nhạc không ảnh hưởng đến chất giọng của nghệ sĩ, khi kỹ thuật của họ đạt đến trình độ cao và họ làm chủ được từng cách hát. Tôi ủng hộ chứ không phản đối việc nghệ sĩ cổ điển hát nhiều dòng nhạc. Tất nhiên, chúng ta luôn phải giữ một thái độ làm nghề tử tế.

- Gắn bó cuộc đời mình cho nghệ thuật đỉnh cao, với opera, chị còn những trăn trở gì?

- Tôi nghĩ chúng ta phải có sự đầu tư cho nghệ thuật đỉnh cao, nó cần sự bảo trợ của Nhà nước để có cơ hội phát triển. Tôi xin nhấn mạnh là chúng ta có những nghệ sĩ có đủ tình yêu và đam mê như chúng ta đã từng có. Nhưng các em đang rất hoang mang khi không nhìn thấy con đường phía trước. Nếu chúng ta không có những đầu tư quyết liệt, sẽ phải chờ rất lâu và bộ môn nghệ thuật này sẽ cứ èo uột dài dài.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.