Đạo diễn Lưu Trọng Ninh:

“Kiều” của tôi sẽ thấm đẫm tâm hồn Việt

Sau thành công của “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang dồn tâm sức cho“Kiều” - “một dự án lớn nhất trong đời”. Chia sẻ với chúng tôi, Lưu Trọng Ninh nói rằng: “Kiều” sẽ là cơ hội để ông gửi gắm những trăn trở về văn hóa Việt, tâm hồn Việt.

Cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.
Cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.
“Kiều” của tôi sẽ thấm đẫm tâm hồn Việt ảnh 1

“Một ngọn núi mà tôi muốn vượt qua”

- Ðược biết, sinh thời, bố ông, nhà thơ Lưu Trọng Lư từng mong muốn con trai mình sẽ chuyển thể Kiều thành một tác phẩm điện ảnh?

- Bố tôi nói trong một cuộc trao đổi không rõ ràng: “Con làm gì thì làm, nhưng phải làm Kiều vì chúng ta ai cũng biết, đó là kiệt tác mang quốc hồn, quốc túy của dân tộc”. Rất tiếc, bố chưa xem bộ phim nào của tôi. Ông mất khi tôi dựng phim đầu tay Canh bạc năm 1991.

- Nhưng chắc chắn lời dặn đó có ý nghĩa rất lớn đối với ông. Vì sao đến tận bây giờ ông mới bắt tay vào dự án lớn này?

- Vì rất nhiều khó khăn. Trước đây tôi đã dựng Kiều rồi nhưng hợp đồng phải dừng lại do những bất đồng với đối tác, họ không muốn một Kiều mới mẻ, phá cách quá. Tôi phải tìm đối tác khác. Bây giờ cũng đã có người bỏ tiền đầu tư, tôi đang chốt lại khâu cuối cùng của kịch bản. Rất nhiều kịch tính và khó khăn đấy.

- Ở tuổi này mà ông vẫn còn tràn đầy năng lượng, dám thử thách mình với một tác phẩm đỉnh cao như Kiều?

- Trong tôi không bao giờ có khái niệm ở tuổi này hay tuổi kia, vì tôi còn nhiều năng lượng lắm. Khi làm Thương nhớ ở ai, tôi đứng trước câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?” của chính mình. Cứ ốm đau thế này cuộc sống của mình sẽ đi về đâu? Thế nên phải chiến đấu, phải làm gì đó! Và tôi quyết định vào cuộc, làm phim. Ðây là bộ phim mà thể lực của tôi thảm hại nhất. Nhưng tôi đã vượt qua, chiến thắng chính mình. Với Kiều, cũng là một ngọn núi mà tôi muốn vượt qua, dù tôi biết sẽ khó khăn, sẽ va đập.

- Kiều, theo hình dung của ông, sẽ là như thế nào?

- Kiều trong Truyện Kiều thê lương, bi ai quá. Với người Việt Nam, chiến thắng số phận là một phẩm chất đẹp. Kiều đứng trước thách đố của Ðạm Tiên, “Ðau đớn thay phận đàn bà”. Không, phận đàn bà không như thế! Và cô muốn chứng minh cho Ðạm Tiên thấy cô sẽ vượt qua. Cô Kiều của tôi sẽ như Scarlett trong Cuốn theo chiều gió, không đầu hàng số phận. Thúy Vân cũng không thể là một cô gái đơn giản như vậy. Thúy Vân cũng khát khao yêu và đòi được yêu. Trong câu chuyện này, tôi nghĩ, Sở Khanh nếu tồi tệ thì sao Kiều yêu được. Ðó chỉ là kẻ bỏ chạy, hèn hạ ở phút cuối cùng. Nhìn chung, trong Truyện Kiều các nhân vật của Nguyễn Du còn tả sơ lược, đó chính là khoảng trống cho phép điện ảnh sáng tạo. Khoảng trống đó tôi sẽ đưa văn hóa Việt, đưa canh tác, lao động của người Việt vào. Ðiều tôi quan tâm nhất khi làm Kiều là nó phải thấm đẫm tâm hồn Việt, văn hóa Việt và người Việt có thể xem nó như câu chuyện của mình, không một chút vay mượn. Nếu cụ Nguyễn Du lấy Ðoạn trường tân thanh để viết Kiều thì tôi lấy Ðoạn trường tân thanh để làm phim về Kiều, hai cơ cấu độc lập nhau.

- Ông có lo ngại những giá trị của Kiều đã được đóng khung và các nhà Kiều học (một lực lượng khá đông và mạnh) sẽ phản ứng?

- Phải quên cái khung đó đi, nếu sợ hãi, loay hoay trong cái khung đó thì không nên làm. Bởi tôi không có ý định minh họa Truyện Kiều. Tôi không hiểu tại sao, một tác phẩm lớn nhất, mang quốc hồn quốc túy ấy mà trong hơn 60 năm điện ảnh không ai đặt vấn đề làm, không ai dám làm. Tôi sẽ là viên gạch đầu tiên lát đường cho những người trẻ, dù thành công hay thất bại thì đó cũng là những bài học quý giá cho họ.

Hơn nữa, văn hóa Việt, làng quê Việt từ lâu đã vắng bóng trong điện ảnh cũng như trong đời sống. Tôi làm Thương nhớ ở ai, mới cách chúng ta 20 - 30 năm mà đã xa lạ với giới trẻ rồi. Kiều sẽ là câu chuyện của nhân gian. Tôi muốn đem đến cho mọi người một hình dung về lịch sử, văn hóa, lối sống thuần khiết của người Việt. Ở đó là những số phận, những con người bình thường. Những điều đó không có trong văn học, điện ảnh, hội họa. Ngày nay, những ngôi làng đã gần như biến mất, người ta cũng lãng quên nó trong nghệ thuật. Họ cố tình né tránh hay đánh giá nó quá thấp mà không hiểu rằng đó là nền tảng văn hóa của một dân tộc.

Chuẩn bị cho mình một lối sống khác

- Vì thế mà nhiều năm nay ông bỏ phố về rừng, làm trưởng thôn làng Vượt. Ngôi làng của ông có hình hài thế nào?

- Làng Vượt là cách tôi chuẩn bị cho mình một lối sống khác. Một ngôi làng giản dị, do những bàn tay lao động làm nên, cùng nhau dựng, cây cối tự canh tác sẽ lớn lên làm đẹp cho làng. Làng rộng 20 ha, bao quanh là hồ và núi. Rất yên tĩnh, trong lành, cách Hà Nội khoảng 70 km. Tôi muốn sau khi làm phim thì phải làm cái gì đó. Ngôi làng ra đời, tôi mời những người nông dân đến đó sống. Biết đâu mọi người thấy thích và nhân nó lên thành nhiều ngôi làng khác nhau.

- Tôi tò mò tự hỏi, ông lấy kinh phí đâu để duy trì ngôi làng của mình?

- Thực chất lúc đầu là tôi muốn trốn cuộc sống xô bồ, kiểu “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Nhưng về đó sống thấy thích quá, cuộc sống bình an, tĩnh lặng. Một ngôi làng mang tinh thần của làng xưa, nhưng có âm nhạc, có in-tơ-nét, từ chối hóa chất, ni-lông và những thứ làm ô nhiễm môi trường. Những người đến sống ở đây tôi nuôi họ thời gian đầu, phải là những người không ham giàu, thích cuộc sống bình an. Thực tế, bây giờ, những ngôi làng thuần chất Việt đã hầu như biến mất. Có những làng chỉ còn người già và trẻ con, thanh niên đi hết, chỉ còn lại sự quạnh hiu.

- Ông có bị áp lực vì mình là con một nhà thơ nổi tiếng không?

- Hình như danh vọng, tiền bạc với chúng tôi từ bé đã không quan trọng rồi. Tuổi thơ tôi lớn lên giữa những tủ sách và tiếng đọc thơ, đàm đạo thơ của các cụ. Bố tôi nổi tiếng nhưng từ nhỏ, tôi thấy nhà mình cũng chẳng giàu sang hơn, tiền bạc cũng không nhiều hơn. Chúng tôi lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ không cãi nhau, rất yêu thương nhau. Bảy anh em có một ngôi nhà ở phố mà không ai tranh giành cả. Tôi được dạy rằng: Quan trọng nhất của đời người là làm gì có ích cho xã hội. Nếu mình giữ được tâm thế đó thì không bao giờ mệt mỏi, còn làm cho mình, làm vì mình thì sẽ mệt. Tôi bị nhiều người bảo lạnh lùng, kiêu ngạo. Thực ra tôi không khó tính, tôi khắt khe với lao động nghệ thuật và luôn đòi sự công bằng.

- Vì thế, khá lâu rồi ông đứng ngoài những cuộc tranh luận, bàn cãi?

- Tôi không còn nhiều thời gian, nên chỉ làm những thứ mình thích. Bây giờ, tôi đang làm thiên đường hoa ở Mộc Châu, ở đó, tôi sẽ tái hiện lại chợ dân tộc, đúng màu sắc dân tộc. Những ngôi làng, những cái chợ, vốn là văn hóa bản địa đã biến mất và tôi muốn khôi phục lại nó. Vậy thôi!

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.