Họa sĩ Trần Khánh Chương:

Khơi tiếp “mỏ vàng” của mỹ thuật Việt Nam

Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2016 sắp diễn ra trong sự chờ đón của những người yêu nghệ thuật nước nhà. Nhưng cũng từ sự kiện này, nhiều người trong giới nghề đặt ra một câu hỏi: vì sao đề tài chiến tranh cách mạng - từng được coi là “mỏ vàng” của mỹ thuật Việt Nam lại đang trở nên thiếu hấp dẫn với các họa sĩ trẻ hôm nay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam quanh vấn đề này.

Tác phẩm Hoa biển của họa sĩ Đỗ Sơn.
Tác phẩm Hoa biển của họa sĩ Đỗ Sơn.

Những dấu ấn nghệ thuật đặc biệt

- Thưa họa sĩ, việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật sắp diễn ra có ý nghĩa như thế nào với đời sống văn hóa hiện nay?

- Đây là một hoạt động văn hóa mang nhiều ý nghĩa. Việc trưng bày này đã thành nếp và được tiến hành định kỳ, nhưng mỗi lần tổ chức luôn thu hút được sự dõi theo và quan tâm của người hâm mộ. Bởi đó là những tác phẩm đỉnh cao nên ai cũng có nhu cầu được thưởng lãm và tận mắt nhìn thấy. Chưa kể, đây là các tác phẩm đã kinh qua cuộc sống, phần lớn các tác phẩm này vừa có tính nghệ thuật cao, vừa có tính tư tưởng, phục vụ lâu dài cho cuộc cách mạng, cho sự phát triển của nghệ thuật tạo hình. Vì thế, khi đến với triển lãm này, người xem sẽ còn được sống lại không khí chiến đấu, sản xuất của một thời kỳ đã qua và cùng hồi tưởng những dòng ký ức rất khó phai mờ trong tâm trí nhiều người.

- Là hoạt động mang tính định kỳ, Ban tổ chức sẽ tạo nên những ẩn số để hấp dẫn người xem tới thưởng thức triển lãm chứ, thưa ông?

- Điểm khác biệt lớn nhất của cuộc triển lãm lần này so với các kỳ cuộc trước mà nhiều người sẽ nhận ra là hoàn cảnh, thời điểm và giai đoạn sáng tác của các tác giả rất khác nhau. Trong lĩnh vực tạo hình, triển lãm trưng bày tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế có nhiều tượng đài nổi tiếng đặt ở Lào, Cam-pu-chia. Trong khi ấy, họa sĩ Lê Lam lại sáng tác ngay tại chiến trường và trực tiếp đào tạo các họa sĩ để phục vụ cho cuộc chiến. Còn họa sĩ Bửu Chỉ là một trong những sinh viên tham gia kháng chiến. Loạt tranh của anh được trưng bày trong triển lãm là thời kỳ họa sĩ ở tù như Tiếng hét trong lòng đất, Ước vọng hòa bình rất đẹp về mặt đen trắng. Hay như anh Nguyễn Bích có nhiều tranh cổ động giá trị, đặc biệt là bộ tranh truyện Sát thát xuất bản từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bộ tranh này là một tiếng nói, giọng điệu riêng được đánh giá cao bởi sự tinh tế, sự chắt lọc, mô típ, nhân vật.

- Chỉ trưng bày các tác phẩm đoạt giải mà không phải là một hệ thống các tác phẩm của tác giả được vinh danh, ông có cho rằng, triển lãm vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người xem?

- Cá nhân tôi thấy, nếu chúng ta vẫn tiến hành trưng bày các tác phẩm đoạt giải đó có lẽ sẽ khiến người xem chưa hình dung được hết về thân thế, sự nghiệp của một tác giả thành danh. Theo tôi, nếu cần phải thay đổi trong cách tổ chức thì có lẽ nên bắt đầu từ việc trưng bày cả các tác phẩm không đoạt giải của tác giả đó để người xem thấy được độ rộng và thành tựu nhiều hơn. Với cách làm như vậy, tôi hy vọng, công chúng có thể đánh giá được các tác giả này đã cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đặc biệt là có nhiều tác phẩm xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có cơ chế khích lệ nghệ sĩ dấn thân

- Dòng chảy chung trong các tác phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT là đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, mảng đề tài này hiện không còn hấp dẫn được các họa sĩ trẻ?

- Thế hệ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như chúng tôi được “tắm mình” trong cuộc kháng chiến. Và rõ ràng khi “tắm mình” trong cuộc kháng chiến thì đấy là một đề tài không những Nhà nước cần mà cuộc sống cần, nhân dân cần. Bây giờ, đất nước đã hòa bình được hơn 40 năm, chúng ta đã chuyển sang cơ chế thị trường, các tác giả trẻ không mấy người đi bộ đội, cũng không sống trong môi trường công nhân, nông dân.... Phần lớn các họa sĩ đều sống ở thành phố, cho nên, với đề tài chiến tranh cách mạng, các nghệ sĩ sẽ khó có cảm xúc thật sự. Thứ hai là đòi hỏi của cuộc sống hiện nay. Mỗi gia đình cần trong nhà một tranh hoa, tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, tranh chân dung để cho cuộc sống tươi đẹp lên. Còn tranh cổ động để kháng chiến, rồi những tranh đề tài chiến tranh cách mạng giờ chỉ còn phù hợp cho bảo tàng. Thứ ba nữa là những tranh về đề tài kháng chiến thì không có thị trường. Các nhà sưu tập mua tranh của lớp họa sĩ đi trước vì giá trị lịch sử, giá trị tác giả. Vì thế, mảng đề tài này đang dần vơi đi sức hấp dẫn với người trẻ cũng là dễ hiểu. Chúng tôi đã lên con số tổng kết và thấy rằng, mỗi cuộc triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mà có 10% số tranh về đề tài bảo vệ Tổ quốc đã là thành công, thậm chí có nhiều cuộc chỉ có 5%.

- Vậy, nếu người trẻ tiếp tục xa rời mảng đề tài này, ông có cho rằng, những tên tuổi tiếp theo được ghi tên vào giải thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng ở lĩnh vực mỹ thuật sẽ ít dần đi?

- Đề tài chiến tranh cách mạng giờ đã được mở rộng, trở thành chủ đề Bảo vệ Tổ quốc. Có nghĩa là nó rộng hơn rất nhiều, không chỉ là năm 30 trở lại, anh có thể vẽ từ thời Lý, thời Trần, Lê cho đến nay. Tức là, các họa sĩ có thể vẽ bằng cảm xúc thật khi được gặp gỡ và tiếp xúc với các đồng chí cảnh sát biển, người lính biên phòng, người lính hải quân bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa. Mỗi người trẻ không có ký ức về cuộc chiến đã đi qua, vậy thì họ phải dành thời gian đi thực tế để có tình yêu với người lính ngày nay. Tất nhiên, với người tài, dù không có ký ức nhưng họa sĩ vẫn có thể sáng tạo nên những tác phẩm làm lay động lòng người. Vấn đề không phải là đề tài mũi nhọn mà là tài năng, năng lực và cảm xúc của người họa sĩ mới quyết định các tác phẩm đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam.

- Bên cạnh việc định hướng, Hội Mỹ thuật Việt Nam còn có sự hỗ trợ nào dành cho các họa sĩ trẻ theo đuổi đề tài bảo vệ Tổ quốc không, thưa ông?

- Vì đây là đề tài mũi nhọn nên mới có hẳn một nghị định về hỗ trợ sáng tạo dành cho các họa sĩ. Với những đề tài như: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, miền núi dân tộc, văn hóa nghệ thuật, nghị định đều có quy định rõ ràng để khích lệ các nghệ sĩ dấn thân. Và một số triển lãm mỹ thuật hiện nay do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã xuất hiện tình trạng, các tác phẩm đoạt giải thưởng cao nhưng không nhận được sự hỗ trợ sáng tác, nhưng có tác phẩm dù không đoạt giải thưởng nào lại được nhận kinh phí hỗ trợ vì đề tài mà tác giả đang theo đuổi. Điều đó đủ nói lên rằng, đề tài bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn là hướng đi để các họa sĩ lựa chọn và chuyên tâm. Nhìn chung, mỹ thuật nước nhà đang có những bước phát triển mới, đa dạng hơn, phong phú hơn và chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần làm việc của các thế hệ trẻ. Họ sẽ là người kế tục sự nghiệp mỹ thuật của thế hệ đàn anh đi trước và kế tục cả sự thành công ở một dòng tranh vốn được coi là “mỏ vàng” của mỹ thuật Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!