Ca sĩ HÀ LÊ:

Học hỏi và trăn trở để tạo nên những giá trị mới

Vốn là một rapper bước chân sang làm ca sĩ, Hà Lê (trong ảnh) đã ra mắt Dự án Trịnh Contemporary, tháng 3-2019, với mục đích mang đến cho nhạc Trịnh một tinh thần mới đương đại và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng nghe nhạc và giới chuyên môn. Mới đây, nam ca sĩ chính thức phát hành album hát nhạc Trịnh mang tên Ở trọ trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.

Học hỏi và trăn trở để tạo nên những giá trị mới

Làm mới nhưng vẫn tôn trọng “tinh thần gốc” của nhạc Trịnh

- Chào Hà Lê, sau những ngày đầu tiên phát hành, album Ở trọ của bạn được khán giả đón nhận như thế nào?

- Có thể nói, phản hồi của khán giả với Ở trọ rất tích cực, Hà Lê thấy mừng về điều này. Có người nói thích bài này, bài kia trong album, có người nói thích cả album. Khán giả cũng nhận xét chất lượng âm thanh của album trên các trang trực tuyến rất ổn. Số lượt share, mua album theo thống kê cũng khá tốt. Dĩ nhiên vì mới chỉ là những ngày đầu tiên ra mắt khán giả, nên Hà Lê sẽ chờ đợi và lắng nghe thêm ý kiến của mọi người để học hỏi và rút kinh nghiệm cho các sản phẩm sắp tới.

- Mang nhạc Trịnh phối hợp với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, đọc rap, múa đương đại, nhảy hip-hop - những thứ tưởng chừng xa lạ và khó mà phù hợp với nhạc Trịnh, vậy bạn cho rằng trong tinh thần của nhạc Trịnh, điều gì là quan trọng nhất?

- Hà Lê rất đồng cảm với những góc nhìn, hệ tư duy, cách cảm nhận về đời sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua những nhạc phẩm của ông. Mỗi ca khúc ông viết, dù là kể một câu chuyện tình hay chuyện đời, bằng cách sử dụng ngôn từ giàu tính biểu cảm, với cách ví von, ẩn dụ đặc trưng, Trịnh Công Sơn bộc lộ một sự quan sát riêng của ông với thế gian này, và gửi thông điệp đến với mọi người, rằng mọi sự sinh ra đều có sứ mệnh của nó. Mỗi cái cây, con chim, bông hoa đều có một đời riêng của nó, với niềm vui riêng. Khi Hà Lê hiểu về đạo Phật, hiểu rằng cuộc đời mỗi con người là hữu hạn, thì Hà Lê thấy mình gặp nhạc Trịnh nhiều hơn. Hà Lê nghĩ rằng dù cho mình làm mới thế nào thì “tinh thần gốc” của Trịnh Công Sơn phải giữ lấy cho bằng được. Các động tác hình thể, hay cách pha trộn nhiều thể loại âm nhạc vào nhạc Trịnh của Hà Lê với ý nghĩa làm giàu có thêm cho phần hình ảnh của tác phẩm, làm rõ hơn không gian, ý nghĩa của bài hát.

- Bạn có tính toán nhiều trước khi bắt đầu dự án Trịnh Contemporary hay chỉ đơn giản là vì yêu mà bước vào, và không thấy sợ vì mình còn trẻ, còn có thời gian để làm lại nếu sai?

- Hà Lê tự thấy mình không còn trẻ nữa. Cũng có tính toán là dù làm gì thì mình sẽ đi chậm mà chắc, nghĩa là cẩn trọng và nghiêm túc với công việc của mình, chứ không chiều chuộng cảm xúc nhất thời đâu. Ðối với âm nhạc Trịnh Công Sơn, thì càng đi sâu vào thế giới của Trịnh, Hà Lê càng cảm thấy rất thoải mái, tự nhiên. Giống như là có một sự chỉ dẫn đặc biệt vậy. Vì thế mà mọi sự trở nên rất nhẹ nhàng, thân quen. Ðiều quan trọng nhất là làm sao mang con người âm nhạc, tư duy âm nhạc, cá tính âm nhạc của mình vào để làm rõ thêm tinh thần cốt lõi của nhạc Trịnh.

Cân bằng tính nghệ thuật và thị trường

- Hà Lê nghĩ sao khi có một số ý kiến cho rằng cách làm mới nhạc Trịnh của bạn mới chỉ gây chú ý được với khán giả trẻ, mà chưa thuyết phục được khán giả lớn tuổi, những người đã nghe nhạc Trịnh từ rất lâu theo cách hát đơn giản hơn, mộc mạc hơn?

- Thực tế Hà Lê đã từng nhận lời mời đến các công ty, cơ quan để hát nhạc Trịnh cho những khán giả mà Hà Lê phải gọi là cô, chú. Họ khá thích cách hát của Hà Lê. Dĩ nhiên Hà Lê cũng chủ động chọn những ca khúc mà sự làm mới vừa phải, chứ chưa thử nghiệm biểu diễn những ca khúc mà cách làm mới “hơi quá”, để phù hợp với sự tiếp nhận của khán giả lớn tuổi. Trong gia đình Hà Lê, bố, mẹ, cô, chú, họ hàng những người lớn tuổi cũng nghe Hà Lê hát nhạc Trịnh và họ đều cảm thấy “nghe được”, thú vị. Ðấy là những cơ sở để Hà Lê tin rằng mình sẽ dần chinh phục được lớp khán giả lớn tuổi. Dĩ nhiên phải có thời gian, bởi vì không dễ để người ta từ bỏ một thói quen nghe đã ăn sâu trong tâm thức của họ. Hà Lê nghĩ rằng nếu khán giả nghe Hà Lê hát bằng một thái độ “mở” hơn, bỏ qua những định kiến, thì có thể họ sẽ trải nghiệm được những cái mới mẻ hơn. Chỉ cần họ thử một lần, thả trôi cảm xúc của mình, họ sẽ nhận ra, Hà Lê đang cố gắng đóng góp làm giàu thêm, rõ thêm cho các giá trị của nhạc Trịnh. Họ sẽ nhận ra, những phần phối khí cho bài hát dày dặn hơn, không còn đơn sơ như trước, hay cách thể hiện của Hà Lê trẻ trung, tích cực hơn, không còn u tối như trước nữa. Theo Hà Lê, thái độ nghe của khán giả cũng cần thay đổi, điều này là rất tốt cho đời sống âm nhạc nói chung.

- Kỷ nguyên công nghệ số đang mở ra những khoảng không bất tận cho người sáng tạo. Không ít tác giả trẻ từ vô danh trở nên nổi tiếng trên thị trường nhạc online vì sản phẩm của họ thu hút đông đảo người xem, nhiều view và kiếm được nhiều tiền, cho dù chất lượng âm nhạc không phải lúc nào cũng được giới chuyên môn đánh giá tốt. Hà Lê cũng đang đưa các sản phẩm âm nhạc của mình lên các trang trực tuyến. Ðối với bạn, lượt view có ý nghĩa như thế nào?

- Hà Lê nghĩ rằng, lượt view cho mỗi sản phẩm âm nhạc trên các trang trực tuyến ở khoảng 3 - 4 năm về trước thật hơn. Trong “cuộc chiến” giành view giữa các nghệ sĩ trẻ hiện nay, lượt view đang bị tác động bởi nhiều yếu tố và nó không còn công bằng nữa. Thị trường nhạc số của Việt Nam đang phát triển tương đối nhanh và giai đoạn “lộn xộn” này là giai đoạn tất yếu nó phải đi qua, sau đó mới dần ổn định và chuyên nghiệp hơn để từng nghệ sĩ hiểu được cần phải làm gì để chinh phục khán giả. Thuật ngữ “music video” luôn đặt yếu tố music lên hàng đầu, nhưng hiện nay nhiều sản phẩm âm nhạc trên các nền tảng số lại lấy yếu tố nhìn làm chủ đạo. Nghệ sĩ chạy theo chiều chuộng mắt nhìn của khán giả bằng cách chăm chút cho phần hình ảnh, phần nội dung câu chuyện là chính mà xem nhẹ yếu tố âm nhạc, không chú trọng chất lượng của giọng hát, chất lượng hòa âm phối khí. Nhiều sản phẩm mặc dù nhiều lượt xem nhưng Hà Lê thấy rằng chưa có cái làm cho mình bị thuyết phục.

Hà Lê luôn xác định mình sẽ có một con đường riêng để đi. Cuộc chơi của Hà Lê không phải là tranh giành lượt view trên các trang trực tuyến. Các sản phẩm của Hà Lê sẽ luôn cân bằng tính nghệ thuật và tính thị trường. Hà Lê muốn đầu tư trí tuệ vào các sản phẩm có giá trị nghệ thuật nhất định. Giống như nhạc sĩ Quốc Trung đã nói, nghệ sĩ là phải sáng tạo ra cái mới chứ không chỉ là khôi phục cái cũ. Hà Lê đang cố gắng học hỏi và trăn trở để mang tới cho khán giả những giá trị mới. Ðây cũng là trách nhiệm của nghệ sĩ.

- Vậy sau dự án nhạc Trịnh, Hà Lê sẽ mang đến sản phẩm âm nhạc nào mới cho khán giả?

- Dự án Trịnh Contemporary của Hà Lê đến album “Ở trọ” mới đi được một chặng đường thôi, vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước mắt là tiếp tục bốn MV nhạc Trịnh, cùng với đó xây dựng một liveshow cho dự án. Hà Lê còn muốn kết hợp nhạc Trịnh với nhiều thể loại nghệ thuật khác nữa. Ðối với Hà Lê, nhạc Trịnh là một kho báu mà càng khám phá càng tìm ra nhiều chất liệu quý để khai thác, sáng tạo. Ngoài ra, Hà Lê đang cùng ê-kíp của mình thực hiện một số sản phẩm mới, là những bài hát mà Hà Lê tự sáng tác. Cũng là cách để Hà Lê tự thử thách mình, rằng sau khi “ngụp lặn” trong thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Hà Lê đã học hỏi được những gì để sáng tạo ra những tác phẩm của riêng mình.

- Xin cảm ơn Hà Lê.