Nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan:

Gốm của tôi mộc mạc và nặng tình như đất

Cho đến nay, Nguyễn Trọng Đoan (ảnh nhỏ) được xem như một định danh của nghệ thuật gốm Việt Nam đương đại. Những khó khăn, vất vả không khiến ông nản lòng với gốm, mà dường như lại bồi đắp thêm cho ông một nguồn lửa âm ỉ với nghề, một nguồn cảm hứng sáng tạo bền bỉ, sâu nặng và giàu có.

“Tôi thích bày tỏ về sự căng đầy, no đủ, sự sinh sôi, hạnh phúc…”.
“Tôi thích bày tỏ về sự căng đầy, no đủ, sự sinh sôi, hạnh phúc…”.

Gốm như là tình và nghĩa

- Vì sao ông lại chọn theo ngành gốm khi thi vào trường Mỹ nghệ năm xưa?

- Thật thà mà nói là hồi đó, tôi còn đang học cấp 3, bố tôi lại chơi thân với thầy hiệu trưởng của trường. Nghe thầy nói trong trường mở khóa đào tạo đầu tiên, nhiều chuyên ngành, cũng có dạy văn hóa nữa nên gia đình thu xếp cho tôi thi vào. Hồi đó, chưa có ý thức lựa chọn gì cả, các thầy sắp xếp thế nào thì chúng tôi theo vậy. Có những anh từ nông thôn ra, vận quần dải rút dài lòng thòng đến gối; làm gì đã có ý thức nghệ thuật đâu, tất cả đều như nhau, ngây ngô lắm (cười). Được cái, chúng tôi học hành cẩn thận. Khi về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam công tác, ông Nguyễn Đỗ Cung phân công chúng tôi đi điền dã ghi chép lại các trang trí điêu khắc đình làng, để làm nguồn tư liệu cho việc sửa chữa tòa nhà chính của Bảo tàng. Sau khi đi bộ đội về, tôi tiếp tục làm công việc phục chế điêu khắc đình làng ở xưởng phục chế của Bảo tàng. Có lẽ, giai đoạn công tác ấy giúp hình thành trong tôi một nguồn nguyên liệu cho các sáng tác gốm về sau.

Gốm của tôi mộc mạc và nặng tình như đất ảnh 1

Gốm của tôi mộc mạc và nặng tình như đất ảnh 2

- Tôi bị ấn tượng với bộ đèn vườn của ông, bày trong một gallery tư nhân từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước ở Hà Nội, với mầu gụ thâm trầm và cảm giác nặng trĩu của khối. Làm thế nào để có thể truyền được cái cảm giác trĩu nặng của tình cảm và suy ngẫm từ trong tâm hồn mình sang tác phẩm và tới người xem?

- Tôi học xong trung cấp gốm rồi đi làm như đã nói chuyện với chị đấy. Không kể quãng thời gian đi bộ đội (1965 - 1971), ngoài làm công việc ở bảo tàng của mình, tôi xoay xở đủ thứ việc để kiếm thêm, từ làm pano, áp phích, sa bàn, vẽ tranh khắc gỗ, có lúc nhờ kiếm thêm mà thành người đầu tiên ở bảo tàng mua được hẳn cái xe máy vào năm 1975; sau, cũng là người đầu tiên xây được cái nhà hai tầng ở khu đất do cơ quan chia cho cán bộ, nhân viên... Nhưng đúng là tôi chỉ thích làm gốm, không hứng thú với bất kỳ chất liệu nào khác. Từng có một thời gian dài tôi mải miết với việc nhà, trông con nhỏ vì vợ là quân nhân, rồi làm đủ tám giờ vàng ngọc ở cơ quan, thấy bản thân trống rỗng thế nào ấy. Tôi xin nghỉ hưu “một cục”, năm 1990, lúc 48 tuổi, và coi như chính thức bắt đầu một giai đoạn mới với gốm. Học từ đời và từ người. Tôi không muốn giống ai và không muốn lặp lại từng cái bình, cái lọ. Có bạn cùng học khi xưa, đi xem triển lãm gốm của tôi hồi những năm 90, bảo, ý là tôi học gốm trong trường một đằng mà làm lại một nẻo, thứ gốm như của tôi là không thể chấp nhận được (cười).

- Theo ông, sự khác biệt lớn nhất giữa gốm của ông và gốm mà số đông “chấp nhận” được có thể là gì?

- Có vẻ mọi người thích sự nhẹ nhàng, bóng bẩy, bắt mắt như gốm có tráng men, vẽ mầu và hình cầu kỳ. Tôi lại chỉ ưa sự thâm trầm, mộc mạc, cái cảm giác nặng nặng của tình và nghĩa, như đất vậy. Một số bạn bè thích cũng từng xin tôi mang về nhà bày, nhưng có khi mình đến chơi, lại thấy lọ nằm im dưới gầm giường, có người lại bảo để đựng muối. Tựu trung lại, họ bảo, người nhà nhận xét là trông cái bình, lọ ấy thấy “nặng nhà” lắm, nên không bày được.

Với gốm, không thể toan tính

- Theo một suy luận thông thường, quãng thời gian dài làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã là điều kiện để ông tiếp cận và thâm nhập văn hóa truyền thống và về sau, trở thành nền tảng sáng tác của ông. Ông có thể chia sẻ thêm về khía cạnh này?

- Đúng là tất cả những gì tôi học, đọc được trong cuộc sống của mình đều trở thành nguyên liệu cho sáng tác của tôi về sau. Nhưng cái làm tôi rối bời nhiều nhất, phải suy nghĩ nhiều nhất là điều: tôi phải làm cho được thứ mà tôi thích, tôi thấy vừa mắt. Một cái lọ mới ra đời phải khác với cái trước đó, khác về mọi lẽ, từ hình dáng đến cách phối mầu sắc và những hình ảnh, lời viết trên đó.

Người ta có thể vẽ nhiều tranh trên cùng một cỡ khung toan, nhưng tôi thì không làm thế với gốm của mình, không đổ khuôn cho xương gốm để có hàng loạt cùng kiểu dáng kích thước được, mà mỗi cái gốm đều chỉ duy nhất, độc bản ở mọi khía cạnh. Trước kia, một nhà nghiên cứu về gốm của Australia, khi tiếp xúc với gốm của tôi, bà ấy cứ gặng hỏi mãi, vì sao tôi có thể làm thế được, tôi lấy nguồn năng lượng ở đâu để làm từ đầu đến cuối cho một cái bình, cái lọ, hàng trăm cái đều không thấy cái nào lặp lại cái nào, mà vẫn ra chất riêng của tôi. Tôi cũng không biết giải thích sao. Tôi đọc nhiều sách về triết lý phương Đông. Nhưng quan trọng đầu tiên là mình phải tự tạo ra một định hướng sáng tác của riêng mình cho dù lúc nào cũng rối bời trong suy nghĩ. Còn chê hay khen là việc của người khác.

- Gần đây, ông chuyển sang làm các khối điêu khắc gốm nhiều hơn là gốm với hình dáng bình, lọ và ông cũng chấp nhận “nhân bản”, theo cách là phóng lớn, với chất liệu khác và bày ở những không gian khác. Ông đã thay đổi nguyên tắc độc bản?

- Không. Thường tôi cũng chỉ phóng lớn thêm một cái thôi, nhưng vì là khối lớn, đặt trong không gian khác, nên tôi lại phải “vật tâm”, nghĩ cách xử lý và chỉ đạo thợ để bảo đảm chất lượng tối thiểu đạt 80-90% so với bản gốc. Bản gốc nhỏ, dễ quán xuyến về khối, đường nét và hoàn toàn do tôi tự làm. Còn với các bản phóng lớn và chất liệu khác, tôi không thể tự làm vì dù thế nào, tôi cũng chỉ là “tay ngang” trong điêu khắc thôi.

- Là một người “tay ngang” trong điêu khắc và lại làm với gốm, ông có thể chia sẻ triết lý của cá nhân ông trong dòng sáng tác này?

- Tôi thích bày tỏ về phồn thực, sự căng đầy, no đủ, sự sinh sôi, hạnh phúc trong gốm của mình, cũng như là những gì được sinh nở từ đất mà thôi. Tất nhiên là với người Việt Nam mình, phồn thực không phải là một thứ phô diễn thô tháp mà được bày tỏ một cách tinh tế, ý vị nhưng vẫn đầy đặn, viên mãn.

Gốm hay điêu khắc gốm của tôi không có tráng men, chỉ có đất và lửa.

- Xin chân thành cảm ơn ông về một chuyện trò cởi mở!

Nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan tốt nghiệp khóa đầu tiên của chuyên ngành gốm, niên khóa 1959 - 1963, Trường trung cấp Mỹ nghệ, tiền thân của Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp ngày nay. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công công tác tại Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ.

Năm 2007, nghệ sĩ Nguyễn Trọng Đoan được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 2) cho cụm tác phẩm: Đèn vườn, Hạnh phúc, Chim xanh, Tình đất. Một số tác phẩm của ông được chọn trưng bày tại Nhà Quốc hội Việt Nam. Gốm của ông hiện có trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập tư nhân trong nước.

“Nguyễn Trọng Đoan có lẽ là người giữ vai trò cách tân mạnh mẽ nhất gốm Việt Nam thời kỳ hiện đại. […] Thông qua kiến thức được trang bị đầy đủ về lịch sử văn hóa Việt Nam của mình, Đoan đã có khả năng để tái tạo gốm nghệ thuật và đặt chúng vào một con đường mới.[…] Tác phẩm của ông đôi khi mang dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực nhưng cốt lõi của việc thực hành của ông là các kỹ thuật, kiểu dáng và motif thuộc vào kho tàng thẩm mỹ Việt Nam” (Hoàng Ánh Mai trích dịch từ bài viết của Ann Protor, chuyên gia lịch sử nghệ thuật, giảng viên Trường Nghệ thuật quốc gia Australia, Sydney, trang 94-108, sách Phá cách - Gốm ra lò, Nghệ thuật điêu khắc gốm đương đại Việt Nam, Nxb VDM, Verlag Dr.Muller Aktiengesellschaft and Co. KG Saarbruken, Đức, 2009).