Biên đạo múa Trần Ly Ly:

Giấc mơ lớn hơn vẫn còn ở phía trước

Trong nghệ thuật, Trần Ly Ly (ảnh nhỏ) là một “thương hiệu”, một bảo chứng cho những sản phẩm tử tế, có chất lượng. Vì thế, cơn sốt Hồ Thiên Nga với chị, không còn là sự bất ngờ. Trở về đảm đương vai trò Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, với Trần Ly Ly như là được trở về ngôi nhà của mình. Và giấc mơ của chị vẫn chưa dừng lại...

Giấc mơ lớn hơn vẫn còn ở phía trước

Nỗ lực tạo sản phẩm nghệ thuật độc quyền

- Bảy đêm diễn của Hồ Thiên Nga ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong vòng hai tháng liên tục cháy vé. Vì sao chị có thể làm được điều này?

- Thật khó lý giải một cách đầy đủ. Tất nhiên, có nhiều yếu tố khách quan nhưng có lẽ quan trọng nhất là sự quyết liệt và định hướng cho việc làm cái gì phải thật rõ nét. Khi về nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát (NH), tôi hiểu đây là một NH nghệ thuật hàn lâm, mục tiêu để tồn tại của nó rất rõ. Thứ nhất là phát triển ballet, ballet classic phải được quay lại. Ở showbiz nhiều năm tôi thấy có nhiều mô hình giải trí. Nghệ thuật, cũng để giải trí ở một góc độ nào đó, nhưng ngoài chức năng giải trí còn có ý nghĩa giúp tăng sự tiến bộ về tâm thức của con người. Thế nên phải phát triển ballet và opera. Năm 2018 là xem lại lực lượng, 2019 ra sản phẩm độc quyền. Khi đã nghĩ ra một sản phẩm độc quyền ta sẽ có đất để dụng võ và tin vào khả năng chiến thắng.

- Nhiều năm qua, NH rơi vào trình trạng ngủ đông?

- Tôi làm quyết liệt và không sợ. Tất nhiên tôi có những tính toán để xử lý được rủi ro. Các giám đốc sợ nhất là câu chuyện tài chính và nhân sự. Tôi có mối quan hệ rộng ở nhiều ngành nghề khác nhau và một thương hiệu cá nhân đủ để mọi người tin, cô ấy làm cái gì cũng bảo đảm sẽ tốt, cố gắng đạt tối đa điều mọi người mong đợi. Bên cạnh đó, tôi nhận được sự đồng lòng của anh em nghệ sĩ, khơi gợi tình yêu nghề và sự cống hiến của mọi người cho nghệ thuật. Với vở ballet Hồ Thiên Nga, tôi đòi hỏi mọi người phải tập ba tháng ròng rã, dù mỗi buổi tập chỉ có thù lao 50 nghìn đồng. Khi chúng ta đã cố gắng vượt qua ngưỡng khó khăn thì mọi thứ sẽ dễ hơn một chút.

- Chắc chắn chị đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn?

- Rất nhiều thứ, kinh phí, sự chuyên nghiệp… Nhưng bài toán khó khăn nhất là vấn đề nhân sự. Tập dài hơi và chuyên nghiệp mà mượn người sẽ rất bị động. Diễn viên NH không đủ, đoàn ballet thường có quân số khoảng 120-150 người, trong khi chúng tôi chỉ có 30 người, sẽ phải mượn thêm ở ngoài. Ngày trước diễn viên làm ít hơn, họ thoải mái hơn, giờ làm nhiều hơn, những người không đủ nhiệt tình, lý tưởng, tình yêu với nghề, với con người, họ sẽ bỏ đi. Đó là vấn đề của xã hội mà mình phải đối mặt.

Đây cũng sẽ là vấn đề của năm sau, năm sau nữa, để duy trì sự chuyên nghiệp của NH. Nhân sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một phần bên đào tạo, không có người tốt. Phần nữa, người giỏi không lựa chọn về NH vì khổ và nghèo. Cả nước chỉ có vài ba người múa được bốn màn Hồ Thiên Nga mà thôi. Cần phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được. Đến bây giờ, nghệ sĩ vẫn chỉ có 200 nghìn đồng một buổi diễn, lương chỉ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng, không đủ tiền thuê nhà. Múa là loại hình đẳng cấp cao và cần sự khổ luyện.

Chúng tôi còn phải đối mặt nhiều thứ ngoài tầm tay. Đầu tư ban đầu của nhà nước cho một vở như Hồ Thiên Nga là không đủ. Phải bao nhiêu đêm diễn để đủ bù lỗ cho đầu tư ban đầu. Thành quả vừa gặt hái được là điều chính chúng tôi cũng không ngờ. Được cái trời thương, tôi không lo sợ, cứ thế bước đi thôi. Tôi có những người bạn tuyệt vời, chung tay khi chưa ra sản phẩm. Họ tài trợ bằng cách mua vé, tài trợ giày, quần áo, mà đôi khi chỉ được tri ân bằng một chén trà… Đó là những tình cảm đẹp của con người với con người, vì những điều tốt đẹp cho xã hội.

- Và chị có bất ngờ với cơn sốt mang tên Hồ Thiên Nga?

- Không bất ngờ lắm đâu. Tôi có tâm thế “thắng không kiêu, bại không nản”. Cố gắng làm để đạt được điều đó chứ không phải quá hạnh phúc vì đạt được. Đó chỉ là một bước thôi. Mọi người đang hạnh phúc ở điểm A thì tôi đã đi sang điểm B và nhìn thấy khó khăn trong hành trình đi đến điểm B rồi. Trong các sản phẩm nghệ thuật tôi luôn có con mắt không hài lòng hay chỉ là hài lòng tạm thời, vì thế những người làm việc với tôi chịu nhiều áp lực.

- Khi Trần Ly Ly về đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nhiều người khá ngạc nhiên vì chị có nhiều lựa chọn khác tốt hơn. Có lý do riêng tư nào cho sự trở về này không?

- Nó là mối duyên từ nhiều thứ. Tôi sinh ra và lớn lên thì NH và trường múa là nhà của mình. Tất cả những vở múa và những bản nhạc tôi thuộc nằm lòng từ bé nên về Nhà hát như được về nhà, nhà mình dù xấu dù đẹp thì vẫn là nhà, vẫn yêu. Có những chỗ đẹp hơn, tốt hơn, nhẹ nhàng hơn chứ, sung sướng hơn. Nhưng tôi vẫn chọn về đây. Như ngày trước, tôi về trường múa làm giảng viên, không tham gia bất cứ việc gì ngoài giảng dạy. Học trò của tôi tuyệt vời lắm, bây giờ là những em giỏi nhất và sẵn sàng quay lại giúp khi cô cần. Khi tôi học ở nước ngoài về, xây dựng Khoa Múa đương đại vì nó quá mới, tôi nhận dạy không lấy tiền. Cuộc sống mà, đâu phải tính thiệt hơn. Bây giờ cũng vậy, ở NH, tôi sẽ gắn bó và cống hiến hết lòng.

Giữ mình cân bằng giữa những cánh cửa

- Chị là người giỏi ở cả hai phương diện một nghệ sĩ và một nhà quản lý. Làm sao chị giữ được sự cân bằng đó?

- Tôi thấy công việc đang rất thú vị vì nó thỏa mãn cả việc làm quản lý và làm nghệ thuật. Có những người nghĩ rằng họ chỉ làm được nghệ sĩ, vì họ chưa mở cánh cửa kia ra thôi. Tôi tiếp xúc với nhiều doanh nhân giỏi, họ cũng đầy cảm xúc nghệ thuật và tiếp xúc với những nghệ sĩ thật sự giỏi, họ cũng luôn làm việc rất kế hoạch và khoa học. Chỉ có điều mọi người có mở cánh cửa đó ra không hay cứ mặc định mình chỉ làm được một việc thôi.

- Vậy còn vai trò làm mẹ, làm vợ thì sao?

- Tôi vẫn làm mẹ, làm vợ bình thường. Ngày nghỉ tôi vẫn nấu cơm, cắm hoa hồng. Phải tự cân bằng. Nếu không cân bằng được sẽ rất nguy hiểm, vì nội tâm mình khá phức tạp. May mắn là tôi có những người bạn chia sẻ, hiểu được những thứ không bình thường của mình, bởi nhiều lúc cũng căng thẳng lắm.

- Tôi vẫn nhớ một Trần Ly Ly của những vở múa đương đại gây chú ý như Một ngày, Cuộc sống trong những chiếc hộp, Sắc sắc không không… Liệu có lúc nào đó, chị sẽ quay lại với vai trò của một biên đạo múa?

- Tôi đã từng là nữ biên đạo múa đầu tiên tạo ra định hướng mới cho múa đương đại. Khi sang đây tôi phải đặt phần sáng tạo đó sang chế độ tắt. Nhưng nó sẽ trở lại. Tôi cho mình ba năm để làm các kế hoạch ở NH. Tôi bình tĩnh lắm, không việc gì phải vội. Tháng 3-2021, tôi sẽ quay lại sáng tác hoặc làm cái gì khác mang tính cộng đồng lớn hơn. Những gì tôi đang làm như mới chỉ dọn được một bờ ao, không ăn thua đâu. Giấc mơ lớn hơn vẫn còn ở phía trước.

- Còn từ phía Nhà hát, năm 2020 sẽ mang đến những gì cho khán giả?

- Tôi sẽ mang Hồ Thiên Nga đi tour toàn quốc, khoảng giữa năm sẽ ra vở mới, hy vọng sẽ là một vở nhạc kịch lớn và một vũ kịch nhỏ hơn ra mắt vào tháng 12.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

Giấc mơ lớn hơn vẫn còn ở phía trước ảnh 1

Hồ Thiên Nga đã tạo nên một “cơn sốt” vé liên tục trong hai tháng.