Họa sĩ Đỗ Minh Tâm:

Đừng tự làm nghèo thẩm mỹ cá nhân chỉ vì lý do kinh tế

Đỗ Minh Tâm (ảnh nhỏ) được xem là một trong số rất ít họa sĩ Việt Nam có một hành trình bền bỉ, hơn 30 năm, với hội họa trừu tượng. Anh đã có bảy triển lãm cá nhân đều với thể loại hội họa này. Từ một vài năm trước, họa sĩ Đỗ Minh Tâm lên kế hoạch triển lãm cá nhân lần thứ tám vào cuối tháng 3-2020, một triển lãm thật sự quan trọng trên hành trình nghệ thuật của anh. Nhưng dịch bệnh khiến cho kế hoạch này hiện bị tạm hoãn. Vậy là chúng tôi có thêm thời gian cho một cuộc trò chuyện về hành trình nghệ thuật và cách đi trên hành trình ấy của anh.

Khúc giao hưởng xanh (200x250 cm Sơn dầu trên toan) của họa sĩ Đỗ Minh Tâm.
Khúc giao hưởng xanh (200x250 cm Sơn dầu trên toan) của họa sĩ Đỗ Minh Tâm.

Nghệ thuật bao hàm cả tri thức và khoa học

- Hội họa trừu tượng vốn dĩ không dành cho người thưởng ngoạn và cả người sáng tác thuộc số đông. Nhưng anh đã đi cùng nó hơn 30 năm. Anh có thể giải thích nguyên do?

- Một nguyên do thật logic, ý của chị là như vậy? (cười). Tôi đi học vẽ, hệ sơ cấp ở Nhà văn hóa trung tâm thành phố Hà Nội, số 88 phố Hàng Buồm, khi mới 7 - 8 tuổi. Giai đoạn 1977 - 1987, tôi học hệ trung cấp rồi đại học ở Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam). Tôi đi vẽ suốt ngày, quanh năm, từ học hình họa đến đi thực tế vài ba tháng theo thầy cô. Thời đó, từ học đến hành ở trường, duy nhất chỉ có trường phái hiện thực. Tôi vẽ truyền thần giỏi nhất lớp trung cấp, từng kiếm được tiền đấy. Tôi vẽ hiện thực quen đến độ thấy coi thường nó.

Năm 1978, tôi được bố cho theo một người bạn của ông, đi tàu vào TP Hồ Chí Minh, chơi đến cả hai tháng. Tôi lang thang ở quanh khu vực phố Calmette, nơi có chợ mua bán sách cũ, và mua được rất nhiều sách về mỹ thuật phương Tây, đóng hòm lại đến gần 100kg, mang về Hà Nội. Vốn có một chút tiếng Pháp do bố mẹ cho đi học từ nhỏ, tôi bắt đầu đọc, nghiên cứu sáng tác của các họa sĩ phương Tây, dần nhận ra họa sĩ nổi tiếng nào của nước mình chịu ảnh hưởng từ họ. Hòm sách ấy như kim chỉ nam, cho tôi hiểu rằng, tôi cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa về các trường phái hội họa phương Tây, để nhận ra, luôn luôn, nghệ thuật bắt nguồn từ quan điểm và thái độ của cá nhân nghệ sĩ trước hoàn cảnh lịch sử. Bạn nên biết rằng, trước những năm 90 của thế kỷ trước, việc vẽ tranh phi hiện thực vẫn là một cái gì đó không được xã hội khuyến khích...

Đừng tự làm nghèo thẩm mỹ cá nhân chỉ vì lý do kinh tế ảnh 1

Họa sĩ Đỗ Minh Tâm (sinh năm 1963) là giảng viên Khoa Hội họa - Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1989 đến năm 2019. Anh là một trong những họa sĩ, nhà điêu khắc có tên trong triển lãm ghi dấu thành tựu mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, triển lãm Mở cửa, năm 2016, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Anh là họa sĩ khách mời danh dự của dự án Nghệ thuật trong rừng (Art in the Forest), năm 2019. Đến nay, anh đã có bảy triển lãm cá nhân, diễn ra tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ô-xtrây-li-a (The Perth Institute of Contemporary Arts - PICA, một trong những địa chỉ hàng đầu về thúc đẩy phát triển và giới thiệu nghệ thuật đương đại ở Ô-xtrây-li-a).

Ở một khía cạnh khác, thời những năm học trung cấp và đại học, đời sống kinh tế nhìn chung rất khó khăn, mọi thứ eo hẹp, chật chội, có phần u buồn. Tôi hay theo mẹ đi xem các buổi hầu đồng, trong bí mật, vì hồi đó nghi lễ này bị coi là mê tín, bị cấm. Nhưng lạ là càng phải diễn ra trong bóng tối bí mật, các địa điểm mà những người có căn đồng tìm đến lại càng đẹp về không gian và các nghi lễ được diễn ra càng cuốn hút, một phần nhờ những cung văn hát và đàn vô cùng say mê. Mỗi giá đồng là một câu chuyện huyền bí, tạo ra một thế giới siêu thực, siêu hình. Họ toàn tâm toàn ý với buổi chầu và họ tạo nên những điều thật sự kỳ diệu đối lập với thực tại. Tôi cũng đã từng nghĩ họa sĩ phải nên như vậy, anh ta phải toàn tâm toàn ý tạo ra một thế giới khác, chỉ có trong sáng tạo, luôn thúc đẩy trí tưởng tượng của chính anh ta trước hết.

Từ đây, tôi rẽ dần sang hội họa siêu thực, biểu hiện và dấn thêm một bước nữa đến với trừu tượng.

- Anh có một xuất phát điểm thuận lợi để đến với nghệ thuật, các nguyên do dẫn đến việc anh gắn bó với hội họa trừu tượng cũng dễ hiểu. Nhưng để đi cùng với một ngôn ngữ nghệ thuật đến hơn 30 năm, tôi cho rằng hẳn là anh có một quan điểm nhất định về hành trình nghệ thuật của mình.

- Tôi muốn giải quyết triệt để mọi vấn đề về ngôn ngữ, bút pháp, nói cách khác là đi đến tận cùng sự tìm kiếm các phương cách thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và biểu hiện thế giới nội tâm của bản thân. Vì thế, đến một lúc nào đó, sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu bạn thấy tôi trở lại với hội họa hiện thực hoặc biểu hiện, cũng có khi không hoàn toàn trừu tượng nữa, bởi việc vẽ không phải là câu hỏi về hình thức thể hiện mà là về quan điểm, thái độ sống của họa sĩ. Tôi tin rằng, sáng tạo nghệ thuật, trong đó có hội họa, không đơn thuần là câu chuyện của hình thức hay thể loại mà trước hết, nó bao hàm cả tri thức của nghệ sĩ về thực tại thế giới cho dù dưới vỏ bọc của bản năng. Nghệ sĩ nên và phải là một trí thức và để đi lâu dài với nghệ thuật, anh ta phải có được một ý thức mạnh mẽ và toàn diện về cái cá nhân, để nghệ thuật của anh ta không bị lệ thuộc vào cái nhìn của người khác.

Cuối cùng, yếu tố con người luôn là cốt lõi

- Thực tế hội họa Việt Nam lâu nay cho thấy có nhiều họa sĩ thay đổi hình thức thể hiện của mình theo từng giai đoạn, cũng có không ít người vẽ cùng lúc nhiều trường phái. Bình luận của anh về điều này?

- Trên thế giới, nhiều danh họa cũng vậy mà, họ vẽ cùng lúc nhiều hình thái, có người không đi đến tận cùng một hình thái nào, có người từng tuyên bố bản thân là “kẻ đa nhân cách”. Tuy nhiên, sự khác biệt là ở chỗ: sự đa dạng ấy bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân thật sự hay từ một mục đích ngoài nghệ thuật, bao gồm mục đích vụ lợi như danh tiếng hay thương mại. Không ít họa sĩ cho rằng, bây giờ gia đình, vợ con đang khó khăn, mình vẽ dòng tranh bán được để lo kinh tế, sau đó sẽ lại quay về dòng tranh mà bản thân yêu thích. Nói thì nói được nhưng làm không đơn giản, không ai có thể quay lại được. Hoặc có người vẽ song song trừu tượng và có hình, thỏa mãn cái nhìn của dư luận rằng là người cách tân, vừa thỏa mãn nhu cầu của thị trường và của chính mình về thương mại... Nhưng phía sau hào nhoáng ấy, những người trong nghề như chúng tôi đều không khó để nhận ra chân giá trị nghệ thuật của họ. Tôi không tin vào thứ nghệ thuật “kiểu sức”, hay việc biến nghệ thuật thành một món hàng, món đồ trang trí thay vì chứa đựng những nhu cầu biểu cảm cá nhân với một tri thức mang đậm quan điểm cá nhân của họ về thế giới này.

- Trong một cơ chế mở của thị trường, việc một họa sĩ bán được tranh để sống lại được xem như một tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp. Có mâu thuẫn nào không với thực tế này, trong quan điểm của anh về thương mại và chuyên nghiệp?

- Hoàn toàn không. Tôi từng bán được rất nhiều tranh, hồi đầu những năm 90, Salon Natasha (Hà Nội) là nơi bán tranh của tôi nhiều nhất, tôi vẽ thể loại nào cũng bán được, nhận lương theo tuần. Nhưng tôi không thể làm được hai bức tranh tương tự nhau, cũng không thể gửi tranh “ăn khách” đi nhiều gallery khác nhau, không thể tạo ra một công thức về màu, bố cục, đường nét để rồi làm việc như một cái máy... Đấy chính là sự làm nghèo thẩm mỹ của bản thân đi vì lý do kinh tế đơn thuần. Tôi nghĩ, có lẽ ai cũng có lúc gặp khó khăn về tiền bạc trong đời, tôi cũng vậy (cười), nhưng tôi kiếm tiền bằng các công việc khác hoàn toàn ngoài việc sáng tác.

Suy cho cùng, lựa chọn việc sáng tác nghệ thuật là một lựa chọn ích kỷ của cá nhân nghệ sĩ, bởi họ muốn cống hiến cho chính bản thân mình đầu tiên thông qua việc thỏa mãn nhu cầu và tình cảm cá nhân dành cho nghệ thuật, chính vì thế, họ phải tự có ý thức đầy đủ về cái cá nhân mình.

- Chân thành cảm ơn anh.