Dịch giả Thiên Lương:

Đừng nhầm lẫn giữa bi kịch thân phận với bi kịch xã hội

Xuất bản 10 cuốn sách dịch mà hầu hết đều là các tác phẩm thuộc hàng kinh điển: Lolita, Pnin, Mashenka, Phòng thủ Luzhin, Những thứ trong suốt và 51 truyện ngắn của văn hào Nabokov; Bức tranh Dorian Gray của Oscar Wilde, Dân Dublin của James Joyce…, dịch giả Thiên Lương (ảnh nhỏ) còn được cộng đồng mạng biết đến như một Facebooker có tầm ảnh hưởng. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, dịch giả, facebooker Thiên Lương cho rằng: Chúng ta nên đầu tư vào việc dịch nghiêm túc và xuất bản các tác phẩm kinh điển trong kho tàng kiến thức nhân loại.

“Sách tôi dịch cho đến nay đều thuộc dạng khó đọc, vậy nên sự thành công về mặt phát hành là điều đáng ngạc nhiên và dĩ nhiên, đáng mừng”.
“Sách tôi dịch cho đến nay đều thuộc dạng khó đọc, vậy nên sự thành công về mặt phát hành là điều đáng ngạc nhiên và dĩ nhiên, đáng mừng”.

Các tác phẩm kinh điển là chất liệu cho rất nhiều kiệt tác
 
 - Bất ngờ xuất hiện trên văn đàn với tư cách dịch giả, sau chỉ vài năm anh đã có tới 10 đầu sách dịch, mà toàn của các tác gia là bậc kỳ tài về ngôn ngữ. Cuốn mới nhất Những thứ trong suốt vẫn của Nabokov, nhà văn Mỹ gốc Nga. Anh phải lòng Nabokov hay chính “ông ấy” đã “lựa chọn” anh để làm cầu nối, tới với độc giả Việt Nam?
 
 - Nói rằng Nabokov lựa chọn tôi để làm cầu nối với độc giả Việt Nam thì có vẻ hoang đường và hơi đáng sợ, đúng hơn thì tôi đã phải lòng Nabokov. Có lẽ đó cũng là cái duyên. Còn nhớ, có mấy năm gần như ngày nào tôi cũng đi qua khu trung tâm Saint Petersburg, nơi có nhà Nabokov. Cuốn sách đầu tiên tôi chính thức dịch là Lolita của Nabokov. Sự thành công hơn mong đợi của bản dịch này đã mở rộng đường cho tôi đến với các tác phẩm khác của ông. Nếu ở các sáng tác đầu tay như Mashenka, bức tranh văn chương Nabokov khá phẳng, cân đối, hài hòa, tươi sáng, thì càng về sau, tác phẩm của ông càng có góc nhìn phức tạp hơn, đa chiều hơn, nhiều sương mù và lắm vực thẳm hơn, đầy góc tối bí ẩn và các lối mòn không rõ dẫn đi đâu, mạch văn dường như chạy theo một lối song song với con đường khai phá cách tân của các họa sĩ vĩ đại. Ở một số tác phẩm cuối đời, đặc biệt Những thứ trong suốt, Nabokov dường như là một Paul Cézanne trong văn chương khi ông viết theo nhiều góc quan sát khác nhau, thậm chí từ các cõi sống khác nhau. Tác phẩm trở thành bức tranh trừu tượng hư ảo, đòi hỏi độc giả có trình độ thẩm mỹ, nền tảng văn hóa và khả năng đọc hiểu nhất định. Dù Nabokov nói ông là nhà văn Mỹ, nhưng khoảng một nửa số tác phẩm của ông được sáng tác bằng tiếng Nga, trong đó có những kiệt tác quan trọng như Xuân Fialta, Mashenka, Quà, Phòng thủ Luzhin,… và dù có viết bằng tiếng Anh thì văn Nabokov vẫn mang linh hồn Nga. Do đó, tôi cho rằng muốn dịch được Nabokov cần nắm vững cả tiếng Anh và tiếng Nga.

Đừng nhầm lẫn giữa bi kịch thân phận với bi kịch xã hội -0

 - Sách của anh, hầu hết phát hành online, bán qua mạng, và xem chừng đều đạt mục tiêu anh đề ra. Điều này chứng tỏ anh đã có một lượng người hâm mộ đáng kể hay độc giả thật ra cũng muốn tìm các đầu sách dịch tử tế, có chất lượng, có hàm lượng tri thức?
 
 - Bây giờ những người trẻ hầu như đều muốn mua bán mọi thứ qua mạng. Độc giả của tôi có lẽ cũng đã quen với văn phong và tính cách dịch giả, vì vậy tôi gần như không bao giờ gặp phải vấn đề gì với việc phát hành. Tôi thường có vài trăm bản sách đặc biệt in bìa cứng, và chúng được bán hết rất nhanh sau khi nhận được giấy phép. Các bản bìa mềm bán qua Tiki và Fahasa. Cũng không ít người hỏi mua trực tiếp qua trang facebook của tôi. Văn chương kinh điển rất khó bán tại Việt Nam. Sách tôi dịch cho đến nay đều thuộc dạng khó đọc và của các tác gia, vậy nên sự thành công về mặt phát hành là điều đáng ngạc nhiên và dĩ nhiên, đáng mừng. Hy vọng rằng độc giả mua sách phần nào vì tên dịch giả Thiên Lương.
 
 - Theo anh, có nên tổ chức dịch, xuất bản và phổ cập những cuốn sách được xếp vào hàng kinh điển trong kho tàng tri thức của nhân loại tới đông đảo người đọc?
 
 - Tôi vẫn luôn cho rằng chúng ta nên đầu tư vào việc dịch nghiêm túc và xuất bản các tác phẩm kinh điển trong kho tàng kiến thức nhân loại. Văn chương luôn có các siêu liên kết, và các tác phẩm kinh điển là chất liệu cho rất nhiều kiệt tác. Nếu các tác phẩm kinh điển được dịch cẩn thận và chính xác, thống nhất về thuật ngữ, thì sẽ rất tốt cho các thế hệ sau này, họ sẽ dễ dàng chuyển ngữ các tác phẩm khác có sử dụng các siêu liên kết đến kho tàng tri thức ấy, chứ không mất công đi tra cứu bản gốc hoặc thậm chí phải dịch lại toàn bộ. Có lẽ Nhà nước nên đầu tư vào dự án này, vì sẽ phải huy động nguồn lực rất lớn, nhiều tác phẩm sẽ rất khó bán, nên các công ty tư nhân sẽ không mặn mà và cũng không đủ tiền cho một dự án như vậy.
 
 Đang nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hậu quả
 
 - Văn chương nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung hình như càng ngày càng ít các tác phẩm có khả năng khơi dậy lý tưởng, sự hướng thiện, kích thích các cảm hứng tốt đẹp trong con người mà thường sa đà vào mặt tối, mặt tiêu cực và biến nó thành một xu hướng, trào lưu. Phải chăng bản thân các tác giả, những người viết cũng đang có sự ngộ nhận về giá trị cốt lõi của văn học nghệ thuật?
 
 - Theo tôi thì không chủ đề nào là tồi tệ với văn chương, vấn đề duy nhất của văn chương là nó phải được viết hay. Như Oscar Wilde nói: “Sách được viết hay, hoặc viết dở. Chỉ vậy thôi”. Nghệ sĩ có thể có tâm thế nhìn nhận lại các chuẩn mực, một phần vì là bản năng. Nhưng không phải như vậy là anh sẽ sáng tác được gì đó có giá trị. Nhiều khi mọi người hiểu nhầm các khái niệm. Cuộc sống con người luôn có đầy bi kịch, từ Phật tổ đến các triết gia đều cho rằng, đời là bể khổ. Vậy nên đừng nhầm lẫn giữa bi kịch chung của thân phận con người với bi kịch xã hội. Có những nỗi đau luôn đi cùng con người chứ không đặc trưng cho một hình thái tổ chức xã hội đặc biệt nào cả.
 
 - Anh có trang facebook cá nhân khá thu hút và hữu ích. Anh thường xuyên có những bài viết truyền đạt kiến thức cho người đọc, được chia sẻ và phổ biến rất rộng. Phải chăng anh ý thức một cách nghiêm túc về việc này?
 
 - Quả thật có rất nhiều bài viết của tôi được lan truyền rộng rãi đến mức chính tôi được bạn bè chia sẻ cho xem lại vì không biết tôi viết, nhưng tôi không có ý định khai sáng cho ai ngoài chính bản thân mình. Đôi khi việc viết trên mạng xã hội giúp tôi tự hoàn thiện quan điểm mình, hoặc tự sửa chữa những điểm chưa chặt chẽ trong tư duy. Tôi chỉ cầm cây nến soi đường cho mình đi thôi.
 
 - Có thực tế là, trên trang mạng xã hội của nhiều người, trong đó không ít người có tên tuổi, thành tựu… hầu như chỉ xuất hiện thái độ tiêu cực, chỉ trích, thậm chí chửi đổng… mọi bất cập đang tồn tại của xã hội. Chẳng nhẽ không còn lựa chọn nào tốt hơn để những tác giả đã có đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà, bày tỏ quan điểm cá nhân mình với xã hội, với cộng đồng một cách lý tính và trách nhiệm hơn?
 
 - Nhiều khi người ta nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hậu quả, và họ tìm cách làm dịu nỗi đau cá nhân bằng cách đẩy lỗi cho xã hội và chính quyền. Có những sự thật không thể phủ nhận như mức sống người dân Việt Nam đã cao hơn trước rất nhiều, an ninh xã hội được bảo đảm, các thành phố lớn ngày một hiện đại, tuổi thọ người dân tăng lên. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận. Dĩ nhiên xã hội còn tiêu cực, còn những cán bộ chưa xứng đáng, nhưng hãy nhìn nhận tổng thể, chứ đừng vì vài chấm đen mà bỏ cả bức tranh đẹp. Vả lại, nói cho cùng thì còn con người là còn tham lam, còn tiêu cực. Danh lợi là chất nhờn bôi trơn bộ máy kinh tế của nhân loại.
 
 - Vậy anh đang có dự dịnh gì cho tương lai?
 
 - Trước mắt, tôi vẫn cố gắng làm sao để in được ba cuốn sách mới mỗi năm, hai cuốn sắp xuất bản thì một cuốn của Oscar Wilde, cuốn kia của F. Scott Fitzgerald. Chúng tôi cũng đang giữ bản quyền một số kiệt tác của Nabokov. Tuy nhiên, tôi chưa biết có duy trì được tốc độ dịch như mấy năm qua hay không, vì thật sự, xã hội Việt Nam đang tiến rất nhanh, nên đôi khi tôi thấy mình còn có thể làm được gì đó tốt hơn nữa cho chính mình và người khác.
 
 - Trân trọng cảm ơn dịch giả Thiên Lương.