NSND Triệu Trung Kiên:

Đừng bắt cải lương đóng khung, định hình

Tài năng, tâm huyết, NSND Triệu Trung Kiên (ảnh nhỏ) - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, còn được biết đến là người luôn nỗ lực xoay trở, không ngại va đập để tìm kiếm những cách làm mới góp phần kéo khán giả đến với nghệ thuật truyền thống. sau buổi công diễn chính thức vở diễn Cây gậy thần - tác phẩm kết hợp giữa cải lương và xiếc, anh chia sẻ: Chúng tôi vẫn nỗ lực thường xuyên, nỗ lực từng ngày, tìm kiếm và thể nghiệm.

Cảnh trong vở Cây gậy thần.
Cảnh trong vở Cây gậy thần.

Một cộng một phải bằng… bốn

Đừng bắt cải lương đóng khung, định hình -0

- Xin chúc mừng ê-kíp sáng tạo. Cây gậy thần đã nhận được những phản hồi tích cực sau một số suất diễn. Anh có thể chia sẻ, cơ duyên nào kết nối hai loại hình nghệ thuật dường như có rất ít điểm chung này lại với nhau?

- Ý tưởng đổi mới trong tôi thì lúc nào cũng có, nhất là giữa bối cảnh nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, dường như khán giả hôm nay không còn mặn mà với nghệ thuật sân khấu đặc biệt là sân khấu truyền thống, thành ra mình cứ phải cố gắng, dù cũng chưa biết có hiệu quả gì không. Cũng chẳng hy vọng mình làm nên một cái gì đó khiến khán giả quay trở lại ngay được, mà cứ nỗ lực thường xuyên, nỗ lực hằng ngày. Hơn nữa, với nghệ thuật cải lương thì đổi mới là một thuộc tính của loại hình. Nếu cứ cũ mòn thì chẳng thể mong chờ khán giả sẽ trở lại. Vì vậy đổi mới trong sáng tạo là điều vô cùng cấp thiết.

Anh em nghệ sĩ bên Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát chúng tôi cũng đã hứa hẹn với nhau từ lâu rồi, là sẽ làm một cái gì đó cùng nhau. Ðầu năm nay chúng tôi có dịp ngồi lại và quyết định sẽ đồng hành. Chúng tôi đã cùng bàn luận, lựa chọn đề tài và hầu như ngay lập tức, chúng tôi chọn bốn vị Thánh bất tử để phản ánh trong tác phẩm của mình. Ở đó có những vũ trụ cổ tích, huyền thoại sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát huy thế mạnh của cả hai loại hình. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn được tôn vinh những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc của dân tộc, được kể lại những câu chuyện của tiền nhân cho các thế hệ hậu sinh. Sẽ là một dự án gồm bốn tác phẩm về Tản Viên Sơn Thánh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Cũng nhờ duyên may, chúng tôi đã tiếp cận được kịch bản Cây gậy thần của cố tác giả Hoàng Luyền, được con rể của ông là tác giả Lê Thế Song biên tập, nên chúng tôi đã triển khai dàn dựng tác phẩm này đầu tiên.

- Hai loại hình nghệ thuật vốn có những yêu cầu rất khác nhau, khi dựng vở, các anh có phải hy sinh nhiều những đặc trưng của thể loại để tạo nên tác phẩm?

- Ngoài việc giới hạn về thời lượng thì đều được thỏa sức phô bày vẻ đẹp của mình, cùng cộng hưởng và tôn vinh nhau. Chúng tôi cứ nói vui rằng một cộng một phải bằng bốn chứ không chỉ là hai. Chúng tôi từng thành công khi hòa trộn cải lương - chèo - hát xẩm - hát văn Huế trong vở diễn thử nghiệm Ngàn năm mây trắng của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đem đến cho người xem nhiều cảm xúc đẹp đẽ khi cùng lúc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều loại thể nghệ thuật. Nếu cần điều chỉnh, thì đó là yếu tố sân khấu tròn, vốn là đặc thù riêng của nghệ thuật xiếc, cũng có chút ít làm khó cho diễn viên cải lương, vốn quen với sân khấu hộp một mặt.

- Anh là người luôn có nhiều nỗ lực xoay trở trong nghệ thuật truyền thống, như với Chợ kịch, vốn được anh rất tâm huyết và kỳ vọng mấy năm trước, và cũng phần nào gây được sự chú ý, hưởng ứng trong giới nghề khi mới ra đời. Song, cho đến nay, ý tưởng này lại chưa thu được kết quả đáng kể?

- "Chợ kịch" là một ý tưởng tốt, nhưng có vẻ nó ra đời hơi sớm, chưa thật sự phù hợp với hoàn cảnh, nên đã chưa thể gặt hái thành công. Nó không hợp lý ở chỗ khi ấy, các đơn vị nghệ thuật sân khấu chưa mặn mà với việc sử dụng công nghệ mạng. Ða số vẫn quen tìm kiếm kịch bản theo cách truyền thống là liên hệ trực tiếp với những tác giả quen thuộc. Có thể trong tương lai, khi việc sử dụng công nghệ mạng trở nên phổ biến, thì mô hình một ngân hàng kịch bản sân khấu xuất hiện sẽ nhiều khả năng gặt hái thành công, nên tôi vẫn nuôi ý tưởng đó, chờ khi có điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục triển khai.

Tôi đang ấp ủ ý tưởng về một vở diễn cải lương thực cảnh. Một vở diễn được dàn dựng trong một ngôi biệt thự kiến trúc Pháp cổ. Không còn những hàng ghế khán giả đều tăm tắp, mà khán giả sẽ ngồi, thậm chí khẽ khàng di chuyển đến bất cứ ngóc ngách nào họ muốn, để tận mắt chứng kiến mọi hỉ - nộ - ái - ố của các nhân vật sống trong ngôi biệt thự cổ đó. Từ phòng ăn, phòng khách, thậm chí cả nơi chốn rất riêng tư là phòng ngủ… tôi thấy đó là một ý tưởng vô cùng thú vị, nhưng sẽ có rất nhiều thách thức để có thể triển khai ý tưởng thành công. Ý tưởng trong tôi giống như của để dành, khi điều kiện chín muồi là tôi triển khai ngay. Còn chưa đủ duyên thì cứ… nằm tạm trong ngăn kéo.

Cần một cuộc "lột xác" đau đớn

- Có thể thấy, tất cả các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang dồn sức cho mục tiêu tìm khán giả. Nhưng cũng chính vì vậy, nhiều người lo ngại về sự mai một chất truyền thống ở tất cả các loại hình, nhất là ở vị trí của một nhà hát quốc gia?

- Nếu không bảo tồn tốt các giá trị truyền thống, ta sẽ làm mất đi những di sản quý báu. Dù vậy tôi cho rằng, ngay cả các đơn vị nghệ thuật truyền thống vẫn phải đi bằng "hai chân", bảo tồn và thử nghiệm, đặc biệt là với nghệ thuật cải lương. Những gì cần bảo tồn nguyên trạng thì phải chú tâm làm cho tốt, cái gì cần thử nghiệm để phát huy thì vẫn phải dồn sức thử nghiệm, phát huy.

Nếu rồi đây, các thế hệ 9X, 10X, 11X… mà không xem cải lương nữa thì cải lương đương nhiên sẽ thất truyền. Muốn cải lương tồn tại thì buộc lòng trong tương lai, cải lương phải làm sao để phù hợp với gu thưởng thức nghệ thuật của các thế hệ con người mới. Cải lương liệu có cần một cuộc lột xác đau đớn?

Cá nhân tôi thì cho là phải, chứ không chỉ là nên. Ðừng bắt cải lương đóng khung, định hình theo khuôn mẫu, mà phải để nó phát triển theo các xu hướng phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Ngay trong vở Cây gậy thần, tôi đã cùng NSND Ðào Trung tiến hành thử nghiệm hòa âm, phối khí các làn điệu cải lương theo phong cách nhạc jazz, đó là một thử nghiệm mạo hiểm, đang có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí chỉ trích, nhưng tôi vẫn quyết định làm, vì tôi quan niệm: đây là một cuộc chơi, một phép thử. Nếu khán giả trẻ nghe mà thấy thích, thì đó sẽ là một "ứng cử viên" hoặc ít ra cũng là một gợi ý cho việc xác định xu hướng phát triển của cải lương trong tương lai.

- Nhà hát là đơn vị rất tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình xã hội hóa trong những năm trước?

- Chúng tôi cũng đã rất nỗ lực, và hiện nay vẫn có những dự án xã hội hóa được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nguồn xã hội hóa mới chỉ ở mức độ tài trợ kinh phí để dựng vở thôi, chứ chưa thể lấy đó để nâng cao đời sống cho các nghệ sĩ được.

- Ðại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến Nhà hát như thế nào?

- Chúng tôi hầu như không triển khai biểu diễn được. Mất hoàn toàn nguồn thu vốn đã ít ỏi. Chúng tôi đã tận dụng thời gian hoàn thành hai vở diễn. Hiện tại có vẻ đã dễ thở hơn, vở diễn Cây gậy thần mới dàn dựng đã bắt đầu triển khai những đêm diễn đầu tiên. Trước mắt là hơn chục suất diễn từ nay đến sau Tết Nguyên đán.

- Một số đơn vị nghệ thuật đã tìm cách thích ứng bằng cách đưa các tiết mục lên mạng để thu hút khán giả?

- Nhà hát chúng tôi cũng đã chủ động đưa lên mạng các chương trình vở diễn từ lâu rồi. Chúng tôi không sợ mất bản quyền, và muốn cho các khán giả không có điều kiện đến nhà hát có thể thưởng thức các tác phẩm của nhà hát dàn dựng. Nhưng lượng xem cũng chưa nhiều, khoảng vài nghìn lượt xem mỗi tác phẩm.

Trong khó khăn chung hiện nay của nghệ thuật truyền thống, tôi cho rằng, cùng với việc các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, thì các đơn vị phải vượt lên bằng chính năng lực của mình, bằng mọi cách để tồn tại. Các vở diễn của chúng tôi có thể chưa được đầu tư lớn, chưa tạo nên ấn tượng thật sự đặc biệt, nhưng người xem có thể nhận thấy khát khao nghệ thuật trong đó. Về lâu dài, tôi tin sẽ tạo được hiệu ứng tốt và tranh thủ được tình cảm của người xem, tiến tới lôi kéo họ quay trở lại và quan tâm hơn đến nghệ thuật truyền thống nước nhà.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.