Nhà báo, Trung tá Dương Văn Toàn:

Đưa hình ảnh người chiến sĩ đến gần hơn với công chúng

Chương trình truyền hình thực tế Mỹ nhân hành động đang phát sóng trên kênh Truyền hình Công an nhân dân thu hút nhiều người xem. Là người viết kịch bản, nhà báo, Trung tá Dương Văn Toàn (ảnh nhỏ) kỳ vọng đây sẽ là tiền đề để những chương trình giải trí hấp dẫn hơn, giúp cho hoạt động văn hóa - giải trí ngành công an nhân dân nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung ngày càng đa dạng, đến gần hơn với công chúng.

Một phân cảnh thử thách trong Mỹ nhân hành động.
Một phân cảnh thử thách trong Mỹ nhân hành động.

Một thí dụ gợi mở…

- Quân đội có thương hiệu chương trình truyền hình thực tế (THTT) là Sao nhập ngũ lực lượng công an cũng xây dựng một chương trình tương xứng, nên mới có Mỹ nhân hành động?

- Thật ra thì cũng không phải như thế. Chủ yếu vẫn là do chúng tôi muốn có những chương trình THTT đa sắc hơn, tích hợp được yếu tố giải trí của truyền hình hiện đại mà vẫn mang được đặc trưng của ngành. Khi ngồi viết kịch bản cho chương trình này, tôi chỉ nghĩ làm sao viết ra được một chương trình hấp dẫn, chứ không nặng nề nhiệm vụ chính trị - xã hội. Nếu mọi người để ý sẽ thấy, hiện nay, THTT gần như chạm được vào tất cả mọi lĩnh vực, đối tượng, trừ lực lượng công an.

Đưa hình ảnh người chiến sĩ đến gần hơn với công chúng ảnh 1


- Có phải vì trong mắt công chúng, đặc thù nghề nghiệp khiến hình ảnh chiến sĩ công an nhân dân không thích hợp lên sóng?

- Đúng là kỷ luật, tính chất nghiệp vụ làm cho hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân đôi khi bị cứng và xa cách với công chúng. Song, tôi nghĩ, tất cả mọi thứ đều có thể xử lý được, vấn đề là làm như thế nào. Người ta ngại chạm đến vì chưa tìm được cách khai thác nó để hấp dẫn hơn. Cách tiếp cận của Mỹ nhân hành động đến “vùng ngại ngần” này là một thí dụ gợi mở.

- Đưa bộ đội, công an lên sóng gameshow, liệu có làm biến dạng hình ảnh của họ?

- Tất nhiên, làm một chương trình THTT về lực lượng công an hay bộ đội lên sóng mà chinh phục được khán giả không dễ, phải tìm hiểu kỹ.

Sau khi chương trình phát sóng, chúng tôi cũng nhận được phản hồi cũng như bắt lỗi của khán giả. Có người hỏi, lỡ những hình ảnh người chiến sĩ lên gameshow không đúng thì sao? Có những người khó tính cho rằng, việc dân dã hình ảnh người chiến sĩ trên sóng truyền hình như thế tạo ra một cái gì đó thiếu nghiêm túc. Tôi nghĩ, lâu nay, chúng ta nhìn người chiến sĩ gắn liền với vẻ mẫu mực đóng khung nào đó. Bên cạnh mặt tốt, một mặt, sự mẫu mực cũng dễ tạo ra những định kiến. Khán giả của truyền hình hiện đại rất thông minh. Họ đã trải nghiệm mọi gia vị mà các chương trình THTT mang lại: Mới lạ, hấp dẫn cho đến bão hòa, chán ngấy. Họ sẽ nhận ra chương trình nào hay, thú vị. Rất khó để làm ra một chương trình có thể hài lòng tất cả mọi người. Vì thế, nếu có người phản ứng, chúng tôi cũng vui và sẵn sàng tiếp nhận mọi đánh giá. Nhưng tôi muốn nói rằng: Chương trình có thể có những chi tiết chưa như mong muốn nhưng chúng tôi không làm sai lệch hay làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ cả.

Hơn nữa, một số người không hiểu về tính chất của THTT nên “soi” cả những điều mà không phải là lỗi. Điều đó cho thấy mọi người rất quan tâm về chương trình và có kỳ vọng đây sẽ là một chương trình công an mẫu mực. Song tôi nghĩ, nếu xây dựng hình ảnh người chiến sĩ mẫu mực như một hội thao thì năm nào chả có. Nếu làm thế thì chẳng có gì thú vị để xem cả. Khi viết kịch bản cho chương trình này, tôi nghĩ, phải xây dựng được một chương trình đưa người chiến sĩ đến gần hơn với công chúng.

- Phản ứng của chính người trong lực lượng thì sao, thưa anh?

- Khi bắt tay vào sản xuất mới gặp nhiều khó khăn. Kỷ luật công an rất khắt khe; để được hiểu và đồng ý cho chúng tôi quay ở thao trường là một vấn đề lớn. Ngoài ra, do tính chất đặc biệt của chương trình, khi nghe đến việc lên sóng THTT, không ít người từ chối ngay. Số khác nhận lời nhưng yêu cầu phải được sự đồng ý của lãnh đạo họ mới tham gia được. Đến sát ngày quay, một đồng chí còn chưa được cấp trên phê chuẩn. Cũng có nhiều người e ngại vì không biết Mỹ nhân hành động là chương trình như thế nào. Tuy nhiên, sau hai tập đầu, các đồng nghiệp của tôi đi công tác các địa phương về kể lại, công an các địa phương rất hào hứng. Nếu có mùa hai, họ sẵn sàng tham gia.

Cái nhìn sòng phẳng về truyền hình thực tế

- Gameshow bị định kiến là “đi kèm scandal”, “chiêu trò”, “vô bổ”. Khi làm chương trình này, anh có bị áp lực không?

- Hiện nay, THTT đang có xu hướng tìm kiếm tài năng, hẹn hò… và khai thác đến mức kiệt quệ, nên đúng là có một xu hướng tìm kiếm những câu chuyện bên lề, scandal, chiêu trò… để câu view. Thực tế đó dẫn đến quan niệm tiêu cực, nhắc đến gameshow là không ít người lắc đầu ngán ngẩm và mặc nhiên nghĩ gameshow luôn đi kèm những chuyện không mấy tốt đẹp. Nhưng THTT đâu chỉ có giải trí, đâu chỉ có scandal, giật gân; mà còn có thể lồng ghép những kỹ năng sống, có tính giáo dục. Tôi nghĩ, chúng ta phải có cái nhìn sòng phẳng về THTT. Mỹ nhân hành động, Sao nhập ngũ là những chương trình như vậy.

- Khước từ scandal, THTT liệu còn hấp dẫn?

- Mục tiêu của chương trình không phải gây sốc. Nếu chạy theo scandal thì những chương trình về công an, bộ đội làm sao “đọ” được? Nhưng đổi lại, chúng tôi cũng có những “đặc sản” không đụng hàng của mình. Như tôi nói ở trên, hiện nay, THTT gần như chạm được vào tất cả mọi lĩnh vực, đối tượng, trừ công an. Quân đội cũng mới chỉ có một chương trình là Sao nhập ngũ. Vì thế, so với mảng đề tài khác, người chiến sĩ vẫn là dạng đề tài tiềm năng, dễ tạo sự tò mò, mới lạ, hấp dẫn cũng như sự chờ đợi của công chúng.

- Ở ta, chủ yếu là gameshow Việt hóa, mua kịch bản từ nước ngoài. Nói “thuần Việt” nghe có vẻ to tát quá, nhưng rõ ràng, ta đang thiếu những kịch bản do người Việt viết, sản xuất cho người Việt xem?

- Khi gửi kịch bản đến các nhà tài trợ, chúng tôi nhận được các câu hỏi kiểu như: “Sao không mua bản quyền cho chắc ăn?”, “Nếu format các show nổi tiếng mua bản quyền thì chúng tôi sẽ dễ thuyết phục các sếp duyệt kinh phí hơn”… Thực tế đó đang diễn ra trong ngành truyền hình. Nhìn lại, sẽ thấy, tất cả các format thành công nhất của thế giới, gần như đã được mua bản quyền và sản xuất ở Việt Nam. Những bảo chứng cụ thể đó giúp cho các nhãn hàng bỏ kinh phí tài trợ mà không phải đặt mình vào một sự mạo hiểm. Ngoài ra, sản xuất những chương trình mua kịch bản nước ngoài cũng dễ dàng, tất cả mọi thứ đã có sẵn, thậm chí cả công thức điểm rơi để lấy cảm xúc khán giả, chỉ Việt hóa về văn hóa nữa là chạy chương trình.

Nhưng, với những chương trình tự sản xuất từ A tới Z, phải vừa làm vừa dò. Chưa kể, những đối tượng đặc thù như công an, bộ đội, thường bị chi phối bởi tính nghiệp vụ, kỷ luật của ngành. Vì thế, sau mỗi mùa phải ngồi lại để rút kinh nghiệm, làm kịch bản cho hấp dẫn hơn. Vất vả, nhiều khó khăn nhưng nếu làm được thì mới thấy sự thú vị của nó.

- Trong suy nghĩ của anh, thực trạng văn hóa giải trí trong lực lượng vũ trang hiện nay ra sao?

- Từ trước đến nay, các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài người chiến sĩ không phải là ít. Thế nhưng, trong lĩnh vực giải trí nhìn chung vẫn còn một chiều, thiếu sự tương tác. Chúng ta mới chỉ tập trung vào những đề tài chuyên biệt như phá án, hồ sơ vụ án, đấu tranh với tội phạm, điều tra… mà quên mất, văn hóa - nghệ thuật còn phong phú, rộng lớn lắm. Tôi kỳ vọng Mỹ nhân hành động sẽ là tiền đề để cho những chương trình giải trí hấp dẫn hơn, giúp cho văn hóa giải trí công an nhân dân nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung ngày càng đa dạng, đến gần hơn với công chúng.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!