Nhà văn Nguyễn Trương Quý:

Đối xử phiến diện sẽ dẫn tới đánh mất ký ức

Câu chuyện hai bức tranh cổ động của cố họa sĩ Trường Sinh vừa được “giải cứu” mới đây ở Hà Nội đã thu hút sự chú ý của dư luận. Từ con mắt “du khảo” của một nhà văn, một người nghiên cứu văn hóa, nhà văn Nguyễn Trương Quý (ảnh nhỏ) đã trò chuyện với chúng tôi về hệ giá trị văn nghệ được sáng tạo theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa (XHCN) rực rỡ một thời.

Đối xử phiến diện sẽ dẫn tới đánh mất ký ức

Cuối năm 2019, thông tin hai bức tranh cổ động có giá trị như di sản đô thị ở Hà Nội của cố họa sĩ Trường Sinh đặt tại ngã tư Chợ Mơ sắp bị đập bỏ để giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 2; và trong thực tế, một phần của tác phẩm này đã bị đập bỏ, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, cũng như ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh về một địa điểm mới để bảo tồn. Hai bức tranh được “vua tranh cổ động” Trường Sinh sáng tác vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, “có một phong cách gần với các tranh cổ động Xô - viết, song cũng có những nét đặc trưng nhằm gợi ra một hình tượng Hà Nội thời hậu chiến, mang tình cảm của cư dân lúc ấy qua sáng tác của họa sĩ Trường Sinh” (theo lời đánh giá của nhà văn Trương Quý). 

Một phần sắc nét của lịch sử

- Câu chuyện hai bức tranh tường của cố họa sĩ Trường Sinh vừa được “giải cứu” mới đây ở Hà Nội hé lộ một phần di sản hiện thực XHCN đã từng rực rỡ trong đường lối văn nghệ ở ta một thời. Với phần ký ức qua sách vở, văn học, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc…, trong cảm nhận chung của anh, người Việt hôm nay có thái độ ra sao? 

- Nhìn ở phương diện lịch sử, mọi di sản đều phản chiếu tiến trình phát triển của xã hội. Tất nhiên lựa chọn giữ lại hay không lại là thái độ và nhu cầu của hậu thế, phần nhiều liên quan đến hiệu quả thực dụng của chúng trong đời sống đương đại. Về những ký ức của một giai đoạn văn nghệ mà ta gọi là thời kỳ hiện thực XHCN (hay còn gọi là thời cách mạng và bao cấp) hiện diện trong các sản phẩm đặc thù của chúng, người Việt hôm nay có lẽ cũng đối xử với chúng như đã đối xử với các ký ức khác: phần lớn là thụ động, cả việc lưu giữ lẫn lãng quên. Nói một cách sòng phẳng theo quan điểm xã hội học hiện đại, mọi sản phẩm đều phản ánh góc nhìn của người sáng tạo, anh ta ở tầng lớp nào, tư duy theo ý thức hệ nào, ắt nhào nặn chúng theo thiên kiến đó. Cách người Việt ứng xử với di sản một thời là dòng nghệ thuật chủ lưu một mặt cho thấy chúng ít còn gây được cảm hứng, mặt khác hệ thống truyền thông chính thống cũng bỏ rơi chúng.

- Năm ngoái, trả lời báo chí, anh từng gợi ý nên có một cuộc di dời nguyên vẹn cụm hai bức tranh tường này về một không gian có tính bảo tàng hoặc trong một công viên, thay vì bị bỏ hoang nhiều năm. Từ gợi ý này, tôi nghĩ về một không gian riêng, như bảo tàng chẳng hạn, là chỗ trưng bày các hiện vật văn nghệ cho phương pháp sáng tác này (tính từ thời điểm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết trung ương 5 Đại hội VI của Đảng năm 1987). Xin hỏi, suy nghĩ của anh?   

- Những hiện vật văn nghệ liên quan đến phương pháp sáng tác này là một phần của lịch sử, chúng có tác dụng cung cấp một hình dung sắc nét về quá trình hình thành nước Việt Nam hiện đại trong hơn nửa sau thế kỷ 20. Những sản phẩm đó đã góp phần vào định hình bản sắc hiện đại của xã hội Việt Nam, ít nhất là trong các vùng địa lý chịu ảnh hưởng của chúng và trên toàn quốc sau thống nhất. Trong khoảng ba phần tư thế kỷ ra đời đến nay, chúng liên quan đến nhiều thế hệ người Việt, phản ánh những tâm tình, khát vọng của hàng chục triệu người. Sẽ là bất công nếu đó là một vùng trắng. Về mặt lịch sử, chúng bình đẳng với các trào lưu văn hóa khác, thậm chí không nên quên rằng chúng từng là nguồn động viên tinh thần to lớn cho nhiều thế hệ người Việt trong bảo vệ xây dựng đất nước và giúp họ vượt qua những khó khăn. Nên nhìn ở chúng một dữ liệu lớn để suy tư cho hôm nay hơn là coi như một loại hiện vật ngủ quên trong tủ kính. Những sự đối xử phiến diện, hoặc tô vẽ quá đà hoặc phủ nhận, đều dẫn tới sự đánh mất ký ức.

Văn nghệ hôm nay chắc chắn có phần gốc sinh ra từ chính thứ chúng ta nghĩ là đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”

- Phương pháp sáng tác hiện thực XHCN trở thành một hiện tượng của văn hóa - xã hội Việt Nam một thời. Theo anh, đặt trong bối cảnh ngày nay, giá trị của di sản này là gì?

- Phải nói ngay rằng, phương pháp sáng tác này khi triển khai ở Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo văn hóa và các văn nghệ sĩ bỏ công sức chuyển hóa cho phù hợp hoàn cảnh thực tế đất nước. Lấy thí dụ các bài hát tân nhạc, những bước tiến của chúng không thể bỏ qua sự có mặt của các bài hành khúc yêu nước thập niên 40 của thế kỷ trước hay các bài hát sáng tác theo phương châm “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Chẳng hạn, những bài dân ca kháng chiến của Phạm Duy đã là cú huých cho sự phát triển nghề nghiệp của người nhạc sĩ này, sau khi tác giả này rời bỏ kháng chiến, ông vẫn cho thấy những ảnh hưởng của phương châm sáng tác này trong sự nghiệp tiếp theo của mình, tất nhiên trong một nhãn quan tư tưởng khác.

Hoặc ngay khi đất nước thống nhất, các nhạc sĩ “nhạc đỏ” cũng rất mạnh dạn tìm cách thay đổi khẩu vị các bài hát để phù hợp với giới trẻ, và chính họ cũng là những người nhanh chóng “cởi trói” cho chính mình. Hiện tượng thăng hoa của nhạc trẻ Việt Nam giữa thập niên 90 thừa hưởng sự chuyển hóa của dòng âm nhạc chính thống, mà những bài hát gọi là “ca khúc chính trị” từ cuối thập niên 70 suốt thập niên 80 là tác nhân gần gũi nhất.

Vì thế, mọi trào lưu văn nghệ đều để lại những dấu vết trong các trào lưu hậu sinh. Các sản phẩm văn nghệ hôm nay chắc chắn vẫn có phần gốc sinh ra từ chính thứ chúng ta nghĩ là đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Kể cả khi cần tìm một phương pháp phủ định, làm khác đi, vẫn cần sự đối chứng với di sản. Muốn làm hay hơn, tốt hơn, cần phải hiểu sâu sắc cái đã có với một tâm thế đặt sự hiểu biết, cởi mở lên hàng đầu.

- Liên tưởng tới những câu chuyện văn hóa khác đã từng hiện diện trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, khi có một độ lùi về mặt thời gian, cần nhanh chóng thoát ra khỏi xu hướng chính trị hóa từ những người phân loại sau này để nhìn nhận những hệ giá trị này như một phần cấu tạo của văn hóa, thưa anh? 

- Việc chính trị hóa là kết quả không chỉ của tư duy phân loại mà còn của tư duy phân biệt nữa. Tất nhiên không đơn giản để chúng ta đưa ra quan điểm không phân biệt là giải quyết được vấn đề. Văn hóa thông qua các sản phẩm văn nghệ, chẳng hạn các bài hát, các cuốn sách hay bức tranh, phản ánh thế giới quan của người sáng tác, phục vụ cho cộng đồng họ đang sống. Điều quan trọng nhất mà chúng ta đang có là một không gian cởi mở để hình thành một hệ thống dữ liệu phục vụ thưởng thức và tra cứu cho những tác phẩm quá khứ. Việc thoát khỏi xu hướng chính trị hóa nằm ở chính việc lưu trữ các tác phẩm như một loại tài sản của xã hội, mọi sự đánh giá chỉ có thể tránh phiến diện hay thiên lệch là nhờ việc tìm hiểu đến nơi đến chốn các tác phẩm này. 

Chẳng hạn, để có một sự hiểu biết và cảm nhận thấu đáo về một dòng nhạc hay một xu hướng mỹ thuật, người thưởng thức cần được tham khảo những ý kiến khác nhau, trong và ngoài cộng đồng của mình, thay vì chỉ nghe thấy mỗi tiếng vọng của chính mình. Hội chứng tiếng vọng (echo) nguy hiểm ở chỗ khiến người ta tưởng ai cũng nói và nghĩ giống như mình.

- Cảm ơn anh.

ct12_1-1593767002851.jpg
 Một phần bức tranh tường của cố họa sĩ Trường Sinh.