Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư:

Đi tới tận cùng nỗi đau để tạo động lực thay đổi

Đường về của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã xuất sắc giành giải “Phim tài liệu ấn tượng nhất” tại VTV Awards 2019. Là người “luôn bị những phận đời éo le ám ảnh”, những bộ phim mang phong cách điện ảnh trực tiếp với tâm thế đi đến tận cùng nỗi đau của anh không chỉ được công luận đón nhận nồng nhiệt mà còn tạo nên những hiệu ứng thay đổi tích cực trong cộng đồng. “Mỗi người cố gắng một chút thì cuộc sống sẽ dần tốt đẹp hơn” - gương mặt trẻ rất có duyên với các giải thưởng nghề nghiệp này giản dị chia sẻ.

Đi tới tận cùng nỗi đau để tạo động lực thay đổi

Người kể chuyện bằng hình

- Là một đạo diễn phim tài liệu xuất thân từ quay phim, có phải thế mạnh về ngôn ngữ hình ảnh đã khiến anh chọn cách kể chuyện bằng những tác phẩm không lời bình?

- Tôi luôn nghĩ mình là người may mắn. May mắn khi được cơ quan tạo điều kiện tối đa để trở thành đạo diễn, khi muốn đưa những hình ảnh chắt lọc từ cuộc sống và xâu chuỗi tất cả thành một tác phẩm trong vai trò đạo diễn chứ không chỉ đơn thuần là một quay phim. May mắn khi quá trình vừa học vừa làm, với nỗ lực không ngừng để trở thành đạo diễn thực thụ của tôi đã từng bước được ghi nhận.

Thật ra, việc chọn lựa hướng đi theo phong cách điện ảnh trực tiếp, với những bộ phim không lời bình có xuất phát ban đầu từ điểm yếu của cá nhân tôi. Hai tác phẩm đầu tay, Sức sống bồ đề và Kè chắn sóng đều có lời bình. Một do tôi chủ động, một do rơi vào thế bị động vì người nhờ chấp bút không thể thực hiện vào phút cuối. Mất mấy ngày đêm vất vả hoàn thành việc viết lách, tôi nhận ra mình không mạnh cả về vốn từ lẫn khả năng diễn đạt chữ nghĩa. Nếu viết không khéo thì dễ mang tính áp đặt, chuyển tải góc nhìn chủ quan, giáo điều. Vậy là tôi quyết định chuyển hướng. Và Cây đời, bộ phim nói về những tấm lòng bồ tát nơi cửa Phật ghi dấu mốc đầu tiên cho dòng phim không lời bình của riêng tôi. Khó khăn ngày đầu gặp phải khá nhiều, từ những vấn đề kỹ thuật như làm thế nào để chuyển hướng thiết bị thu thanh giữa các nhân vật mà họ không nhìn theo đến việc kéo gần khoảng cách giữa ê-kíp làm phim với nhân vật để xóa nhòa biểu cảm thiếu tự nhiên, gượng ép trong lúc trả lời phỏng vấn… Cứ vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, mọi thứ cũng dần ổn hơn.

Đi tới tận cùng nỗi đau để tạo động lực thay đổi ảnh 1

“Không phải con nhà bà thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả” - Cảnh trong phim Đường về.

- Phong cách điện ảnh trực tiếp, hay còn gọi là “điện ảnh hiện thực” (cinema direct) giúp tác phẩm sống động và giàu sức thuyết phục như cuộc sống đang diễn ra trước mắt. Khán giả sẽ cảm giác câu chuyện được chuyển tải chân thực, không tô điểm bày vẽ, không có bàn tay can thiệp của đạo diễn nhưng để đạt tới yêu cầu đó, thời gian và công sức bỏ ra rất nhiều?

- Chọn hướng đi này đương nhiên sẽ vất vả hơn. Bởi tâm sức, thời gian dành cho việc làm quen, tạo sự tin cậy, đồng cảm và cảm giác gần gũi, thân thiết với nhân vật là không nhỏ. Thuyết phục được họ đồng ý chia sẻ câu chuyện, khiến họ coi mình như người thân trong gia đình, giúp họ quên hẳn sự hiện diện của máy quay chính là chìa khóa giúp chúng tôi đi được tới nửa chặng đường đến với thành công. Khoảng thời gian dành cho khâu hậu kỳ cũng sẽ kéo dài gấp ba bốn lần, so với khi làm phim có lời bình. Nhờ xuất thân quay phim nên phim của tôi luôn được quay bằng hai máy. Lợi thế dư dả “nguyên liệu” nhưng quá trình “chế biến” khá vất vả vì phải xử lý lượng băng ghi hình quá lớn. Riêng việc chắt lọc vài chục phút phim, từ khối dữ liệu phỏng vấn khổng lồ đó đã ngốn của tôi cả tháng trời, cho mỗi đầu phim.

Đó là chưa kể dạng phim này luôn tiềm ẩn đôi chút yếu tố mạo hiểm nhưng cũng vì thế mà rất hấp dẫn. Từ một ý tưởng ban đầu, diễn tiến câu chuyện thường đi khá xa, lắm khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của người làm phim khi chấp bút kịch bản ban đầu. Vì thế, phải luôn chuẩn bị nhiều phương án giả định để xoay chuyển tình thế, phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho mọi diễn tiến không như ý để tránh rơi vào thế bị động. Có được những cái kết nhân văn, xúc động như Hai đứa trẻ hay Đường về là cực kỳ may mắn. Nhưng nếu không được như mong muốn, tôi vẫn sẽ tìm được cách thức chuyển tải, để đạt được cái đích mà mình đề ra.

Luôn chọn “đứng về phe nước mắt”

- Nhìn lại những tác phẩm từng gây dư luận thời gian gần đây của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trong khung sóng VTV Đặc biệt như Những đứa con của cuộc chiến, Hai đứa trẻ, Miền đất hứa, Chông chênh, Đường về…, tôi nhận ra những cảnh đời éo le mà anh chọn phản ánh luôn thuộc “phe nước mắt” - như cách nói của nhà thơ Dương Tường?

- Tôi sinh ra ở nông thôn, trong một gia đình nghèo, cuộc sống lam lũ vất vả từ bé. Tốt nghiệp khóa quay phim của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tôi về VTV từ năm 2005. Mấy năm cầm máy quay rong ruổi cùng chương trình Vì người nghèo, Hộp thư truyền hình hay Nối vòng tay lớn… đã cho tôi một góc nhìn đa dạng về cuộc sống chung quanh, với nhiều thân phận, nhiều nỗi đau và những câu chuyện đời rất đỗi xót xa, cay đắng. Những gam mầu trầm buồn điểm xuyết đâu đó trong bức tranh xã hội ấy thôi thúc tôi phải góp tiếng nói sẻ chia, phải nói hộ tiếng lòng của những người yếu thế. Vì thế, tôi chọn số phận của những đứa con lai chảy trong mình hai dòng máu Mỹ - Việt để chuyển tải thông điệp đừng bao giờ có chiến tranh. Chọn hai đứa trẻ bị bệnh viện tắc trách trao nhầm để nhắn nhủ đội ngũ y bác sĩ phải làm việc có trách nhiệm hơn. Chọn những người lao động bất hợp pháp và những cô dâu Việt chông chênh giữa đôi bờ quốc tịch ở Đài Loan (Trung Quốc) để nhắc nhở người dân nghèo cần cẩn trọng trước khi quyết định ra đi tìm miền đất hứa nơi xứ người. Và chọn hai người mẹ liệt sĩ rơi vào hoàn cảnh rất khó xử để tôn vinh tình người và sự hy sinh cái riêng cho cái chung, “không phải con nhà bà thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả”.

- Hai đứa trẻ đã trở thành hiện tượng, khi thu hút tới hai triệu lượt xem trên trang fanpage của VTV. Và giải “Phim tài liệu ấn tượng” mà Đường về vừa được vinh danh cũng nhờ vào 50% số phiếu bình chọn từ khán giả. Có vẻ như tác phẩm của anh đã góp phần nhỏ làm thay đổi quan niệm về sức hấp dẫn của phim tài liệu với công chúng hôm nay?

- Sự ủng hộ của đông đảo người xem khiến tôi ngạc nhiên và hạnh phúc. Nhưng thái độ đồng cảm của họ với những mảnh đời, số phận mà tôi phản ánh không phải là cái đích duy nhất mà tôi hướng tới. Trong quá trình làm phim, tôi luôn cố gắng đi tới tận cùng câu chuyện, mổ xẻ đến tận cùng nỗi đau. Có như thế, thông điệp mà tác phẩm chuyển tải mới đủ mạnh, để thúc đẩy sự thay đổi tích cực từ các bên liên quan. Như những tấm lòng thơm thảo giúp đỡ Hai đứa trẻ, như một phần nhỏ trong năm nghìn mẫu vật xương liệt sĩ phải gửi lại chùa Phật Tích đã được nhiều gia đình xin lại để hoàn cốt, sau khi Đường về phát sóng... Bằng những tác phẩm của mình, tôi muốn góp phần rất nhỏ để những người “thuộc phe nước mắt” bớt khổ, bớt đau. Và xã hội sẽ dần tốt đẹp lên, từ những điều nhỏ bé đó.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, sinh năm 1980, hiện công tác tại Trung tâm phim tài liệu và phóng sự thuộc Đài Truyền hình Việt Nam. Anh là đạo diễn của nhiều phim tài liệu được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng như Kè chắn sóng - Cây đời (HC Bạc trong Liên hoan THTQ lần thứ 31), Lời nhắn (HC Vàng Liên hoan THTQ lần thứ 33), Ngày trở về: Nếu đi hết biển (Giải B Giải Báo chí quốc gia), Hai đứa trẻ (Cánh diều Vàng cho phim tài liệu xuất sắc và đạo diễn xuất sắc năm 2016 - 2017, Giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2017, Giải thưởng của BGK tại LHPQT Hà Nội - HANIFF năm 2018), Miền đất hứa (Cánh diều Bạc cho phim tài liệu 2017 - 2018, Giải nhì Giải thưởng Truyền hình Thế giới của Viện Phát triển Truyền hình châu Á Thái Bình Dương - AIBD năm 2018), Đường về (Giải thưởng Phim tài liệu ấn tượng - VTV Awards 2019)…