Nhà báo Nguyễn Phong Việt:

Công cuộc "giải cứu phim Việt" còn tiếp diễn…

Câu chuyện "giải cứu phim Việt" đang được bàn luận sôi nổi, với những góc nhìn và ý kiến nhiều chiều. Chúng tôi đã trò chuyện với nhà báo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, một người khá am hiểu điện ảnh Việt, quanh những vấn đề đang đặt ra với điện ảnh nước nhà.

Công chiếu cùng thời điểm với phim "bom tấn" của Hollywood nên Lật mặt 3 bị "lép vế" hoàn toàn.
Công chiếu cùng thời điểm với phim "bom tấn" của Hollywood nên Lật mặt 3 bị "lép vế" hoàn toàn.

Khi nhà quản lý chưa thật sự nhập cuộc

- Vấn đề "giải cứu phim Việt" lại được xới lên, sau cuộc "đối đầu" giữa hai bộ phim Việt: Lật mặt 3 và 100 ngày bên em với "bom tấn" Hollywood Cuộc chiến Vô cực. Anh nghĩ sao về điều này?

- Thật ra vấn đề này không mới, chỉ là nhân hiện tượng Cuộc chiến Vô cực làm cho cả hai bộ phim khá tốt của điện ảnh Việt trong năm 2018 là Lật mặt 3 và 100 ngày bên em bị lép vế hoàn toàn, dẫn đến những phản ứng cho rằng phim Việt đang bị chèn ép. Tôi nghĩ với một thị trường nhỏ lẻ như Việt Nam, việc bảo hộ là cần thiết tuy nhiên bảo hộ như thế nào để hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất (NSX), nhà phát hành và chủ đầu tư các cụm rạp lại là câu chuyện chưa bao giờ được bàn tới ở Việt Nam. Và vì thế, nếu có cái gọi là "sứ mệnh giải cứu phim Việt" thì tất cả chỉ đang dừng lại ở mức hô hào mà không hề có bất cứ một hành động thiết thực nào, đặc biệt là từ các cấp quản lý.

- Nguyên nhân dẫn đến cuộc tranh luận về công cuộc "giải cứu phim Việt" lần này là tâm lý xót xa cho hai bộ phim Việt được làm một cách đàng hoàng, tử tế. Nhưng những bộ phim như vậy đâu có bao nhiêu…

- Chính là tâm lý ấy, với người Việt luôn động lòng khi thấy kẻ yếu thất thế và họ có xu hướng bênh vực, có khi bất chấp cả việc đúng sai. Hiện trạng phim Việt chưa thật sự hay là có thật, nhìn trên tổng thể số lượng phim tốt vẫn chiếm tỷ lệ rất ít so với phim ở mức độ trung bình hay dở. Nói về niềm tin với điện ảnh Việt thì bao nhiêu năm nay cũng luôn trong tình trạng mong manh, tức là thỉnh thoảng xem được một phim Việt tốt - vừa cảm giác phấn khởi - thì liền sau đó là một loạt phim dở khiến cho cảm xúc khán giả lại trở về con số 0.

Với một sự "mong manh về niềm tin" như vậy, điện ảnh Việt thật sự là không có cơ may nào chiến thắng khi đối đầu với phim ngoại nhập - nhất là khi nhập các phim này về các nhà phát hành đã chắt lọc rất kỹ, tức là hầu như chỉ có phim hay. Vậy thì để giúp cho phim Việt tồn tại không cách nào khác cần phải có chính sách bảo vệ. Tuy nhiên, việc đề ra chính sách bảo vệ bằng hạn mức tối đa bao nhiêu % suất chiếu cho một bộ phim (bao gồm cả phim Việt lẫn phim ngoại nhập) chắc chắn phải do cơ quan quản lý đưa ra.

- Nhưng chính sách này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các cụm rạp?

- Ðương nhiên. Khi sử dụng chính sách bảo hộ sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của cụm rạp, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi tài chính của nhà đầu tư cụm rạp. Nếu cơ quan quản lý không có những ưu đãi cho nhà đầu tư cụm rạp về nguồn vốn vay, hỗ trợ thủ tục giấy tờ cho việc xây dựng rạp... cùng những cơ chế đặc thù riêng cho rạp phim thì chắc chắn chính sách bảo hộ sẽ không bao giờ có thể thực hiện được. Vì nhà đầu tư cụm rạp là người kinh doanh, họ làm việc dựa trên lợi nhuận chứ không phải dựa trên "tình yêu hàng Việt".

- Nói như vậy, nghĩa là đang có một "lỗ hổng" khá lớn trong khâu quản lý lâu nay? Ðây chính là mấu chốt của vấn đề, và khi giải quyết xong mấu chốt này, chúng ta sẽ không còn phải hô hào "giải cứu phim Việt" nữa?

- Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây chính là mấu chốt vấn đề. Chừng nào các cơ quan quản lý chưa nhập cuộc, các nhà làm luật chưa quan tâm đến việc chăm sóc cho thị trường điện ảnh Việt bằng những chính sách bảo hộ rõ ràng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên có ảnh hưởng của chính sách thì phong trào hô hào "giải cứu phim Việt" sẽ còn kéo dài hết năm này đến năm khác.

Công cuộc "giải cứu phim Việt" còn tiếp diễn… ảnh 1

Phong độ phim Việt "sụt" nhiều hơn "trồi"

- Thực tế cho thấy, nhiều bộ phim Việt vẫn đàng hoàng chạm ngưỡng doanh thu trăm tỷ như Em là bà nội của anh, Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ, Siêu sao siêu ngố… mà không cần đến một cuộc "giải cứu" nào. Liệu khâu quản lý, cụ thể là những chính sách bảo hộ đã phải là yếu tố tiên quyết làm nên thành công và tương lai của phim Việt hay không?

- Ở đây chúng ta nên dùng lại một câu nói quen thuộc: "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi". Phong độ của phim Việt thì trồi sụt thất thường, mà thật ra thường là "sụt" nhiều hơn "trồi", trong khi phim ngoại mỗi năm lại là những bước tiến vượt bậc về đề tài, câu chuyện, kỹ xảo hay thậm chí là cách thức làm PR & Marketing phim.

Năm 2017 có gần 40 phim Việt ra rạp và chỉ có hiện tượng Em chưa 18 được mọi người nhớ đến nhiều nhất. Số lượng phim Việt ra rạp trong năm 2018 chắc chắn cũng không thể ít hơn 40 phim. Vậy thì câu chuyện thành công như chúng ta thấy vẫn chỉ dừng ở con số nhỏ lẻ, nếu như không thật sự quan tâm đến việc bảo hộ thì khả năng kháng cự của phim Việt sẽ rất thấp khi ra rạp.

Cá nhân tôi vẫn ủng hộ quan điểm hãy để thị trường tự vận hành, nghĩa là khán giả quyết định sẽ đi xem phim nào là quyền của khán giả. Nhưng như đã nói, thị trường chúng ta còn quá nhỏ lẻ, nếu sử dụng "phương cách tự nhiên" này thì chúng ta ai cũng ngầm hiểu phim Việt sẽ rất khó trụ vững trong tình hình mỗi năm số lượng phim ngoại nhập càng tăng...

- Theo anh rạp phim có thể làm gì để cùng tháo gỡ bài toán phim Việt trên sân nhà? Hay họ vẫn phải "đợi" một cơ chế bảo hộ từ các cấp quản lý?

- Nguyên tắc của rạp phim là đạt mức lợi nhuận tối đa, điều đó không sai. Nhất là khi chi phí đầu tư rạp thấp nhất phải ở con số 40 - 50 tỷ đồng một cụm rạp và sau 5 năm mới bắt đầu có thể sinh lời. Tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại, là nên cảm ơn các nhà phát hành vì nhờ họ mà chúng ta có những cơ hội trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời hơn, xem những bộ phim bom tấn sớm hơn hoặc cùng thời điểm với thế giới.

Còn việc yêu cầu họ cùng "tháo gỡ" bài toán ủng hộ phim Việt thì đó không phải là trách nhiệm của họ. Vì vậy trách nhiệm trong chuyện tạo ra cơ chế bảo hộ chắc chắn là nằm trên vai của nhà quản lý, không thể nào khác!

- Tôi không có ý "trách" các rạp phim, mà muốn nhìn nhận đó như là một thành tố có thể tham gia vào bài toán "giải cứu phim Việt". Họ có thể làm được gì, khi mà cán cân phim Việt - phim ngoại bị chi phối bởi rạp phim khá lớn?

- Trong chúng ta thực tế rất ít người biết cuộc chiến khốc liệt nhất lúc này không phải là việc phát hành phim mà là cuộc chiến của các cụm rạp. Khi số lượng cụm rạp càng nhiều lên thì áp lực doanh thu không vì thế mà giảm xuống, các nhà đầu tư từ CGV, Lotte Cinema, Galaxy, BHD, Beta Cineplex, Cine Star... đều đang "giành giật" nhau từng khách hàng. Ðó gần như là mối bận tâm thường trực mỗi ngày của rạp làm sao để giữ chân khán giả quen và tiếp cận lượng khán giả mới... Nếu bắt cụm rạp ưu ái phim Việt chỉ bằng những lời hô hào suông thì chắc chắn không có cụm rạp nào chịu làm đâu.

- Nhìn sang các nước trong khu vực đều có chính sách bảo hộ văn hóa của mình. Còn Việt Nam thì vẫn đang thả nổi. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tình trạng này, anh có tiên đoán gì cho nền điện ảnh Việt?

- Tôi nghĩ nếu chúng ta không có chính sách bảo hộ thì điện ảnh Việt cũng chẳng chết yểu, tuy nhiên những bước phát triển của nó sẽ rất chậm và rất lâu, trong khi thế giới người ta đang chạy mỗi ngày. Và viễn cảnh một ngày nào đó điện ảnh các nước trong khu vực Ðông - Nam Á như Thái-lan, Phi-li-pin... sẽ bỏ chúng ta rất xa (chứ khoan bàn đến Nhật Bản, Hàn Quốc...) là một viễn cảnh có thật!

- Cảm ơn những chia sẻ của anh!