Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:

Cố gắng làm một người tử tế

Là con gái đầu của nhà văn Kim Lân, trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (ảnh nhỏ) thừa nhận đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha, và luôn xem ông như một người thầy lớn. Năm 2020 là kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh nhà văn Kim Lân, chị vừa hoàn thành bộ tranh gồm 100 bức chân dung, tạm gọi là chân dung bạn bè, và dự định sẽ trưng bày triển lãm, như một cách để tưởng nhớ đến cha mình.

Cố gắng làm một người tử tế

Luôn có hình ảnh cha tôi trong gương mặt bạn bè

- Thưa họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, vì sao vẽ chân dung bạn bè lại là cách chị tưởng nhớ đến cha mình?

- Ở đây có một điều đặc biệt tôi phải giải thích. Rằng đối với gia đình tôi, thì bạn của tôi cũng là bạn của cha tôi, và ngược lại, nhiều người bạn của cha tôi cũng là bạn của tôi. Hai chữ “bạn bè” ở đây là để nói về những người đã làm nên đời sống của tôi. Từ thuở lọt lòng tôi đã có may mắn được ở cạnh những người bạn của cha, những người nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ giống như ánh sáng đầu đời, cho tôi những cảm nhận đặc biệt về nghệ thuật. Những người bạn tên tuổi của cha tôi như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Đỗ Nhuận… những người tôi có thể học hỏi cả về tài năng và nhân cách. Rồi sau này, những người sống cùng thế hệ với tôi, thành bạn của tôi thì cũng là bạn của cha tôi, như Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thảo, Đào Trọng Khánh, Bảo Ninh… Thậm chí là những người bạn trẻ hơn nữa mà tôi chơi cùng thì cũng có thể trở thành bạn của cha tôi, vì cha tôi rất thích gần gũi và lắng nghe những người trẻ tuổi. Tôi vẽ về những người bạn đó trong nỗi nhớ về cha. Luôn có hình ảnh cha tôi trong gương mặt bạn bè tôi. Và tôi chắc chắn rằng ở một nơi nào đó, cha tôi, nhà văn Kim Lân cũng sẽ rất hạnh phúc khi ngắm những bức tranh chân dung tôi vẽ bạn bè.

- Chị có thể kể lại một vài kỷ niệm liên quan đến những người bạn của cha mà chị không thể nào quên?

- Kỷ niệm thì nhiều lắm, tôi có thể kể bằng cả một cuốn sách dày đấy. Nhưng có một kỷ niệm khiến tôi không thể nào quên vì nó liên quan đến chuyện tôi ra đời. Hồi tôi còn nhỏ xíu, mỗi lần bác Nguyên Hồng đến chơi (nhà văn Nguyên Hồng - PV) thường phá lên cười và kể lại chuyện bác cùng với cha tôi đưa mẹ tôi đến nhà hộ sinh để sinh tôi. Cha tôi và bác Nguyên Hồng đưa mẹ tôi đi đi lại lại mấy ngày liền mà tôi vẫn chưa chịu chào đời. Đến nỗi những chị bán hàng ở Chợ Dầu, Đình Bảng (Bắc Ninh) khi đó cứ mỗi lần nhìn thấy ba người đi qua lại bụm miệng cười khiến thầy tôi đỏ mặt tía tai. Sau đó một số người dân Chợ Dầu bảo: “Đứa trẻ trong bụng này bướng lắm. Muốn bà vợ nhanh đẻ nó ra thì ông chồng phải trèo qua nóc nhà ba lần và phải lội qua cái ao nữa”. Về nhà, bác Nguyên Hồng lén để ý xem cha tôi có làm theo lời người làng hay không, hóa ra cha tôi làm thật. Nhân lúc nhà vắng người ông đã leo tót lên nóc nhà, chạy lên chạy xuống đúng ba lần. Tiếp sau đó, cha tôi xắn quần lội qua ao. Chả biết mẹo này hiệu nghiệm thật không mà hôm sau mẹ tôi trở dạ sinh tôi thật.

- Như chị đã chia sẻ, cha chị còn là một người thầy ảnh hưởng sâu sắc đến con đường nghệ thuật của chị. Cụ thể những ảnh hưởng đó như thế nào, thưa chị?

- Phải nói rằng cha tôi có một cách giáo dục con cái rất riêng. Ông sớm nhìn ra khả năng của từng người con mà hướng cho con theo nghệ thuật hay không. Từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống, từng hành xử của cha tôi đều có hàm ý giáo dục các con thấm nhuần mọi giá trị của cuộc sống. Cha tôi không dùng lý thuyết để dạy con, mà thường vào những việc cụ thể. Chẳng hạn khi ông giao cho tôi trách nhiệm chăm sóc con gà, con chó, hay con chim bồ câu là để nuôi dưỡng trong tôi tình yêu với loài vật. Rồi lúc khác cha tôi lại giao cho tôi chăm cái cây, làm sạch cái lá là để tôi biết yêu thiên nhiên, cái đẹp. Khi biết tôi có thiên hướng về nghệ thuật, cha tôi không ngại ngần để tôi đi theo con đường đó, dù biết tôi sẽ khổ. Ông đưa tôi đến tiếp xúc và học hỏi những người thực tài, những người mà sau này là cây đa, cây đề trong làng văn nghệ.

- Cha chị là một nhà văn nhưng ông lại hướng các con đi theo hội họa rất sớm và sau này các con của ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hội họa, điều này có thể lý giải ra sao, thưa chị?

- Thật ra tôi vẫn luôn nghĩ rằng nếu không phải là nhà văn thì cha tôi sẽ là họa sĩ. Ông có một tình yêu đặc biệt với hội họa. Từ cách bài trí, sắp đặt mọi thứ trong nhà, trưng một chậu hoa hay trồng một cái cây, cha tôi đều để ý rất nhiều đến bố cục, mầu sắc, sao cho đẹp nhất, giàu tính nghệ thuật nhất. Tất nhiên ông không áp đặt các con theo hội họa, mà là ông phát hiện ra khả năng hội họa ở từng người con và hướng các con theo con đường này. Cha tôi rất vui và tự hào khi ngắm tranh các con mình vẽ.

- Bài học nào quan trọng nhất từ cha mà chị luôn tâm đắc trên đường làm nghệ thuật?

- Tôi lúc nào cũng nhớ như in lời của cha. Ông nhắc tôi rằng, một khi đã chọn nghệ thuật để theo đuổi thì hãy nhớ, làm nghệ thuật không đơn giản, cũng không dễ dàng chút nào. Người nghệ sĩ phải dũng cảm, tự do là chính mình. Mặc dù đôi khi dũng cảm chưa chắc đã tự do nhưng vẫn luôn phải dũng cảm để vừa vượt qua khó khăn, vừa giữ được những cái riêng của mình, nếu không mình sẽ mãi chỉ là cái bóng của người khác. Tôi đã mang theo lời dạy của cha tôi để đi trong suốt cuộc đời mình, cố gắng làm một người tử tế, không tầm thường. Cha tôi rất sợ con mình lại trở thành những người tầm thường. Mặc dù có những thời điểm rất khó khăn, thăng trầm không ít, nhưng tôi có thể vượt qua bởi tôi luôn nhớ lời cha tôi dạy.

Với họa sĩ, việc bán được tranh chưa hẳn đã là điều hay

- Được biết, chị là một họa sĩ bán tranh rất tốt. Khi vẽ tranh chị có nghĩ đến việc phải làm thế nào để người mua để ý đến tác phẩm của mình không?

- Tôi xin kể lại vài câu chuyện liên quan đến việc bán tranh. Có lần đoàn kiến trúc sư ở Đài Loan (Trung Quốc) đến thăm nhà tôi, họ đã đòi mua hết số tranh tôi treo trong nhà. Tôi xin giữ lại bốn bức vẽ bà nội, cha tôi, con gái tôi và một người bạn thân, nhưng rồi họ lại thuyết phục nhiều lần để “mua nốt” bốn bức đó vào bộ sưu tập. Lần khác, tại một triển lãm tranh quốc tế ở Tây Ban Nha do Nhà vua và Hoàng hậu nước này tổ chức, tôi được mời đến cùng với 55 bức tranh. Tôi là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được mời tham gia triển lãm này nên rất vinh dự. Khi triển lãm còn chưa khai mạc, một nửa số tranh của tôi đã được đặt mua. Nói như vậy để thấy rằng, việc bán tranh của tôi đúng là không tồi. Nhưng tôi có một quan điểm khá rõ ràng về việc này, là tôi kiếm tiền để vẽ chứ không vẽ để kiếm tiền. Tôi có thể làm nhiều việc để kiếm sống nhưng trong nghệ thuật tôi chỉ tuyệt đối là chính mình. Khi vẽ, tôi thành thật với mình và chỉ đuổi theo những ý tưởng của cá nhân tôi, những điều làm tôi xúc động, say đắm. Tôi không chạy theo cái gu nào để bắt khách, dù tôi biết nếu làm vậy tôi sẽ còn bán được rất nhiều tranh. Và tôi cũng xin nói ngay rằng, với họa sĩ, việc bán được tranh chưa hẳn đã là điều hay đâu.

- Vậy ở tuổi này, điều mà chị muốn tìm kiếm là gì?

- Tôi nghĩ không chỉ tôi mà với bất kỳ ai cũng vậy thôi, khi càng có tuổi thì mình càng có xu hướng quay về sống cùng ký ức. Ở tuổi tôi bây giờ, thả trôi, buông bỏ là vấn đề quan trọng nhất, chọn lọc chỉ để giữ lại những gì mình xem là cần thiết nhất cho quãng đường còn lại thôi. Và cái lõi cuối cùng tôi muốn giữ lại, không gì khác, chính là gương mặt bạn bè, những người tôi đã có ký ức về họ, những người làm nên tôi hôm nay và cho tôi thấy giá trị cuộc sống.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Cố gắng làm một người tử tế ảnh 1

Tác phẩm Cửa lụa, với ký tự của nhà thơ Phạm Hổ.

“ Tôi có thể làm nhiều việc để kiếm sống nhưng trong nghệ thuật tôi chỉ tuyệt đối là chính mình. Khi vẽ, tôi thành thật với mình và chỉ đuổi theo những ý tưởng của cá nhân tôi, những điều làm tôi xúc động, say đắm.“