NSƯT Hồng Vy:

Chung tay nuôi một giấc mơ

Một Đăng Dương hào sảng, mạnh mẽ, lãng mạn và sâu sắc, một Hồng Vy e ấp, tinh tế, dịu dàng. Hai mảng đối lập nhưng đầy cảm xúc trong đêm concert “Tình yêu và đam mê” đã mang đến cho khán giả Hà Nội một đêm nhạc đúng chất thính phòng. Đó cũng là tâm huyết mà NSƯT Hồng Vy đang miệt mài theo đuổi trên con đường của mình: mang âm nhạc thính phòng đến gần hơn với công chúng rộng rãi.

Chung tay nuôi một giấc mơ

Làm, để thỏa đam mê

- Chị từng chia sẻ với tôi về mong muốn làm một đêm nhạc thính phòng tại Hà Nội, và phải sau hai năm, giấc mơ của chị mới trở thành hiện thực. Vì sao Hồng Vy có ý tưởng làm chuỗi chương trình này?

- Đã từ lâu tôi có một băn khoăn là, trong khi các chương trình âm nhạc giải trí quá nhiều, đến mức bội thực thì những chương trình biểu diễn các ca khúc theo dòng nhạc thính phòng giao hưởng lại quá ít. Người yêu âm nhạc không biết nghe các ca khúc thuộc dòng nhạc này ở đâu. Các chương trình mang tính nhà nước nếu được tổ chức thì lại quá quy mô, và thường chỉ dành cho khí nhạc là chính, chứ ít dành cho thanh nhạc.

Khi tôi nói ra những suy nghĩ này của mình với những nghệ sĩ cùng dòng nhạc, cũng là những người bạn thân thiết như Đào Mác, Duyên Huyền, Đăng Dương… họ rất ủng hộ, chia sẻ. Chúng tôi ngồi với nhau và quyết tâm sẽ làm một điều gì đó, dù nhỏ, nhưng thật đặc biệt để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Đêm nhạc đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, khán phòng 350 chỗ ngồi chật kín vé.

- Âm nhạc cổ điển thính phòng ở Việt Nam khá khó khăn trên con đường đi tìm khán giả, Hồng Vy có nghĩ mình sẽ đi đường dài với chuỗi chương trình này?

- Đây là chương trình hoàn toàn dựa trên bán vé. Năm 2016, “Tình yêu và đam mê” khá thành công ở TP Hồ Chí Minh. Còn ở Hà Nội, vẫn có những quan niệm mặc định rằng, ca sĩ thính phòng thường đi hát nhạc đỏ. Âm nhạc thính phòng kén người nghe, tôi mong muốn mang nó đến gần gũi hơn với khán giả, tôi không muốn làm cái gì đó không đúng với tính chất âm nhạc của mình, thị trường hóa nó để gần với công chúng. Tiêu chí của tôi là vẫn đúng âm nhạc thính phòng, chỉ sử dụng thêm phần nghe, phần nhìn hỗ trợ. Kể cả những bài pop như Họa mi hót trong mưa, Phố khuya, Mai em đi rồi cũng sẽ được hát theo phong cách thính phòng. Tôi nghĩ, trong một không gian âm nhạc mình cần chủ động về mặt ý tưởng, nội dung, còn khán giả hãy thả lỏng để cảm nhận và làm quen với không gian đó. Con đường sẽ còn dài và gian nan, nhưng tôi có sự chung tay của nhiều nghệ sĩ thính phòng cùng mong muốn và nuôi giấc mơ này, vì thế, tôi tin chúng tôi sẽ cùng nhau đi đường dài. Tôi muốn mình là một trong những nghệ sĩ tiên phong trên con đường này.

Mong muốn tạo một con đường

- Tiên phong trên con đường đầy vất vả và nhọc nhằn vì đời sống âm nhạc đang phát triển mất cân bằng, khán giả chỉ quan tâm đến những con số view hơn là cái đẹp thật sự của âm nhạc?

- Âm nhạc thính phòng kén người nghe, ngay cả trên thế giới, âm nhạc thính phòng cũng không thuộc về đại chúng. Ở Việt Nam, có nhiều khán giả muốn thưởng thức âm nhạc nhưng hiện có ít sân khấu cho họ lựa chọn. Bất kể chương trình nào cũng phải tạo thói quen cho khán giả, nếu mình ít xuất hiện, ít biểu diễn, khán giả sẽ không biết đến. Nên đừng vội trách khán giả mà chính các nghệ sĩ phải dũng cảm tiên phong trên con đường của mình. Tôi mong đây là một trong nhiều chương trình họ thấy yêu và sẽ nhớ tên.

- Khán giả Hà Nội quen với việc nghệ sĩ thính phòng hát nhạc đỏ, nhạc dân gian. Họ không có nhiều khái niệm về một không gian âm nhạc thính phòng đúng nghĩa?

- Nhạc đỏ quá đông công chúng nhưng để hát trong không gian thính phòng thì không, các nghệ sĩ lại pop hóa nó. Tôi có thể hát nhạc đỏ, dân gian để kiếm tiền, mưu sinh. Thế nhưng mình là ca sĩ thính phòng, mình phải làm gì với dòng nhạc mình theo đuổi? Tôi cố gắng với sức lực bé nhỏ của mình đưa thính phòng về đúng nghĩa của nó. Tôi mong muốn tạo ra sân chơi, một con đường để nuôi dưỡng tiếng hát của mình và những người bạn, người em cùng chí hướng, đưa thính phòng trở về đúng không gian của nó và tạo cho khán giả làm quen với không gian của nó. Muốn để khán giả có nhu cầu đến với mình, phải tạo thói quen cho họ. Trách nhiệm thuộc về nghệ sĩ, những nhà quản lý văn hóa. Khán giả là những người được định hướng.

Chung tay nuôi một giấc mơ ảnh 1

“Tôi mong muốn tạo ra một sân chơi, một con đường…”

- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chính các nghệ sĩ thính phòng đã chọn cách thỏa hiệp với thị hiếu công chúng hơn là nỗ lực khẳng định dòng nhạc mình theo đuổi vì nó quá khó khăn?

- Tôi vẫn thấy những người trẻ miệt mài, đam mê theo đuổi giấc mơ của mình. Rất nhiều người đang lặng lẽ làm nghề, chỉ có điều, những người theo đuổi dòng nhạc thính phòng chỉ chú tâm làm nghề, họ không quan tâm đến truyền thông. Chúng tôi đơn độc vì không được ủng hộ từ nhiều phía, với truyền thông thì không được xem là thu hút, còn phía các đơn vị tổ chức lại hướng các nghệ sĩ thính phòng đi hát nhạc đỏ. Đó cũng là nguyên nhân tạo ra thói quen xin - cho vé.

- Điều gì khiến chị đam mê và quyết liệt đến thế?

- Có thể vì tôi được sinh ra trong một gia đình truyền thống. Bố tôi, NSND Doãn Tần đã dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc, ông luôn tâm niệm phải làm thế nào để những tác phẩm của ông được vang lên một cách hay nhất, đẹp nhất. Điều đó đã được chứng minh, nhiều tác phẩm do bố tôi trình diễn như Đường chúng ta đi, Sông Lô chiều cuối năm đã trở thành những dấu ấn trong nền thanh nhạc Việt Nam. Tôi chịu ảnh hưởng bởi thái độ làm nghề nghiêm túc của bố nên luôn có suy nghĩ, ngoài việc cống hiến bằng tiếng hát của mình, người nghệ sĩ cũng phải góp phần gìn giữ những giá trị đẹp của âm nhạc như tạo ra sân chơi cho các nghệ sĩ, hỗ trợ các nghệ sĩ khác cùng phát triển và đi theo con đường mình mong muốn.

- Chị có thể chia sẻ về cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh sau sáu năm rời xa Hà Nội?

- Tôi theo gia đình vào TP Hồ Chí Minh năm 2012, đúng thời điểm tôi bắt đầu có vị trí và sự thành công ở Hà Nội. Vào đó, tôi phải hoạt động nhiều hơn, tự chứng minh khả năng của mình nhiều hơn. Tôi về làm solist cho Nhà hát Nhạc Vũ kịch thành phố, hoạt động của nhà hát tốt và chuyên nghiệp, tháng nào cũng có ba buổi biểu diễn chính thức bán vé. Người dân ở đây có thói quen mua vé thưởng thức nghệ thuật, ngay cả với một dòng nhạc không quen thuộc với họ như thính phòng. Đặc biệt, có rất nhiều bạn trẻ tìm đến và yêu thích. Đêm diễn đầu tiên của chuỗi chương trình “Tình yêu và đam mê” trong đó bán vé rất tốt, trong khi hai đêm ở Hà Nội khá chật vật. Người Hà Nội quen xin vé, tặng vé hơn là mua. Đó là sự thật. Đời sống âm nhạc cổ điển ở TP Hồ Chí Minh mấy năm nay có những thay đổi rõ rệt, tôi nhìn thấy khá nhiều người trẻ dám đi con đường chông gai này. Ngoài ba nghệ sĩ từ bắc vào là tôi, Duyên Huyền và Đào Mác, còn rất nhiều gương mặt mới nổi đầy hy vọng.

- Chồng chị, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng hẳn có nhiều ảnh hưởng đến con đường của chị?

- Chồng tôi luôn ủng hộ và tham gia phối khí cho tất cả những tác phẩm trong chương trình của tôi, đặc biệt là phần âm nhạc dân gian, rất thú vị. Tôi mong muốn mình không chỉ dừng chân trong biên giới của đất nước mà muốn mang những tinh túy âm nhạc đẹp của dân tộc đi ra nước ngoài, giới thiệu với bạn bè quốc tế.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị.