NSND Lan Hương:

Chúng ta đang tự làm sân khấu thấp đi

40 năm gắn bó với nghề, NSND Lan Hương (Hương Bông) nói rằng, với thế hệ những nghệ sĩ như chị, sân khấu là một thánh đường. Chị chia sẻ với chúng tôi về những ưu tư trước sự đứt gãy thế hệ, về mong muốn gìn giữ những giá trị đẹp của sân khấu.

Cảnh trong vở Tai biến (NH kịch Việt Nam) - vở diễn chia tay sân khấu của NSND Lan Hương.
Cảnh trong vở Tai biến (NH kịch Việt Nam) - vở diễn chia tay sân khấu của NSND Lan Hương.
Chúng ta đang tự làm sân khấu thấp đi ảnh 1

Ðược đứng trên sân khấu vẫn là niềm hạnh phúc

- Chị là một nghệ sĩ được mời xuất hiện và giao lưu trong đêm Gala Ngôi sao sân khấu sẽ tổ chức vào dịp kỷ niệm 60 năm Sân khấu Việt Nam. Ðó hẳn là một niềm hạnh phúc với những người làm nghề như chị?

- Ðêm Gala hội ngộ những nghệ sĩ tên tuổi của ba miền, với những ngôi sao sân khấu lừng danh, những thế hệ đã sống và cống hiến cho hành trình phát triển của sân khấu nước nhà. Tôi rất vui khi có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè đồng nghiệp. Gần 40 năm gắn bó với sân khấu và bây giờ đã nghỉ hưu, tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm nên muốn chia sẻ với lớp trẻ. Và đứng trên sân khấu vẫn là mơ ước của người làm nghề.

- Những sự kiện giỗ nghề như thế này thường chỉ thấy người nổi tiếng, những mái đầu bạc hơn là các nghệ sĩ trẻ. Trong khi, sân khấu cần những người thắp lửa nhưng cũng cần thế hệ kế cận?

- Những người làm nghề lâu năm như chúng tôi luôn mong muốn nhìn thấy thế hệ tiếp theo làm nghề và giữ nghề như thế nào. Nhiều bạn trẻ bây giờ có tài, đôi khi họ có những sáng tạo đột phá đáng ngưỡng mộ. Tôi nghĩ rằng tôi còn phải học họ chứ không phải mình đã trở thành khuôn thước. Và tôi tự hào về các bạn trẻ, cảm xúc hạnh phúc đó cứ tồn tại mãi trong mình.

- Nhưng người ta vẫn nói về sự thiếu vắng những ngôi sao trẻ của sân khấu như một khoảng trống rất lớn?

- Nghề này phải gạn đục khơi trong. Hiện nay nhiều bạn trẻ có tài, nên hãy khích lệ và tạo cho họ cơ hội, là bệ đỡ cho họ phát triển tốt hơn, dẫn dắt đi đúng đường. Chúng ta có một truyền thống hơn 60 năm, đã từng có một thời hoàng kim của sân khấu, tại sao bây giờ chúng ta không giữ được điều đó.

- Vì người ta cho rằng thời hoàng kim của sân khấu đã đi qua rồi?

- Mỗi thời điểm mỗi khác, thời hoàng kim của sân khấu là chưa có truyền hình và điện ảnh lúc đó cũng chưa lớn mạnh như bây giờ, sân khấu đã đi đến tất cả vùng quê nghèo, hải đảo xa xôi. Bây giờ thì nhường lại cho truyền hình, sân khấu chỉ tồn tại ở các thành phố lớn thôi. Theo tôi, ở những sân khấu không đạt chất lượng nghệ thuật thì nên hạn chế diễn. Cách đây khá lâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có làm đề án phát triển Nhà hát Kịch Việt Nam thành một Nhà hát Quốc gia mang tính nghệ thuật cao. Lúc đó tôi đã rất vui và hy vọng một Nhà hát Quốc gia mang tính hàn lâm là nơi hội tụ các nghệ sĩ tài năng với những vở diễn lớn có thể chọn diễn viên khắp cả nước. Nhưng đến bây giờ, vẫn chưa thấy khởi động gì. Ðã xây dựng đề án thì phải theo đuổi đến cùng chứ, hiện nay Nhà hát Kịch vẫn đang phải "lấy ngắn nuôi dài".

Sân khấu là một thánh đường đúng nghĩa

- Với những người làm nghề như thế hệ chị, một thế hệ vàng của sân khấu, thì sân khấu vẫn luôn là một thánh đường?

- Ðúng, lúc nào với chúng tôi, sân khấu cũng là một thánh đường đúng nghĩa. Tôi vào nghề, có nghề từ nhà hát, thành danh cũng từ nhà hát và tôi lớn lên trong không khí đó, qua bao nhiêu thăng trầm của nhà hát vẫn luôn sống trong hy vọng, một ngày nào đó, sân khấu sẽ bùng cháy. Tôi được sống cạnh những nghệ sĩ mà khi bước ra sân khấu họ luôn đốt cháy sàn diễn bằng ngọn lửa của đam mê, làm cho sân khấu rất sống động. Sân khấu bây giờ thiếu vắng không khí đó. Chúng ta vẫn đang phải "lấy ngắn nuôi dài", chính điều đó làm cho sự tiến bộ của diễn viên không nhanh được. Mỗi ngày đọc báo, nghe tin có một nghệ sĩ nào ra đi đều mang lại cho tôi một sự tiếc nuối vô bờ vì để có được một nghệ sĩ như thế không dễ.

- Và vì thế, sân khấu không còn "thiêng"?

- Bây giờ chúng ta quá coi nhẹ, dễ dãi với sân khấu, cứ nghĩ có một khoản tiền dựng vở là xong, quên hẳn việc quảng bá, quên hẳn việc thông điệp gửi gắm trong tác phẩm là gì để đưa sân khấu đến gần công chúng. Một vở diễn ở nhà hát rất đẹp nhưng khi mang về các làng xã, diễn ở sân thể thao với vài ba cây đèn, âm thanh không chuẩn sẽ mất đi chất lượng nghệ thuật, thậm chí có tác dụng ngược với những người trẻ khi bản lĩnh nghề nghiệp của họ chưa còn vững, họ rất dễ lung lay và đánh mất sự chuẩn mực của sân khấu. Chúng ta đang tự làm cho sân khấu thấp đi chăng? Những người làm công tác quản lý văn hóa, nghệ thuật chưa quan tâm đúng mức tới truyền thông nên phải thẳng thắn nhìn nhận, đến lúc này, sân khấu xa rời khán giả và phát triển èo uột, một phần lỗi lớn do công tác quản lý.

- Chứ thực tế không phải do khán giả bỏ quên sân khấu?

- Vì chúng ta không biết quảng bá, không xây dựng được sân khấu như một thánh đường, một điểm đến đẹp, có những giá trị chân - thiện - mỹ mà mọi người hướng tới. Người ta đến với sân khấu là vì những điều đẹp đẽ. Ở nước ngoài, muốn xem kịch, họ phải mua vé trước cả tháng trời và khi bước vào đó, tôi còn đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn khán giả của họ ngồi chật kín, ăn mặc đẹp, lịch sự để thưởng thức nghệ thuật. Rất nhiều vở cổ điển, kinh điển nhưng khán giả vẫn đông.

- Và chị thấy chạnh lòng vì điều đó?

- Tôi thấy chạnh lòng và thương các bạn trẻ đang làm nghề hiện nay, họ gặp nhiều khó khăn, phải bươn chải để theo đuổi đam mê của mình. Ðể sống bằng nghề như tôi, để giữ được trọn vẹn tình yêu của mình đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức lao động khó có thể miêu tả được. Tôi đã có những khi làm từ sáng đến đêm, nhiều khi phải "chạy sô" từ đài nọ sang đài kia, thu âm, lồng tiếng. Những ngày cao điểm, đôi lúc tôi cũng không hiểu mình lấy sức lực ở đâu ra để làm việc. Các bạn trẻ bây giờ khó khăn lắm, nhiều bạn phải ở nhà thuê, không có gia đình hậu thuẫn. Vì thế tôi vẫn mong muốn nhà nước và cơ quan quản lý nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị của sân khấu, nó là một thánh đường đúng nghĩa chứ không phải là những tạp phẩm nhỏ mang tính giải trí hay là những game show chất lượng thấp.

- Vậy làm thế nào để thắp lửa cho những người trẻ, để không đánh mất những giá trị đã định hình trong hành trình 60 năm của sân khấu Việt Nam?

- Tôi không biết các bạn trẻ nghĩ gì, còn tôi, sau 39 năm làm nghề và cả sau này nữa, tôi chưa bao giờ cho rằng làm nghệ thuật là dễ dàng. Phải tận tâm và tận hiến với nó. Ðối với tôi hai chữ "nghệ sĩ" thiêng liêng lắm, tôi chỉ dám nhận mình là diễn viên thôi, còn danh xưng "nghệ sĩ" chỉ dành cho các bậc tiền bối, gạo cội.

- Sau vai diễn quá thành công trong phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng", chị có bị áp lực bởi sự nổi tiếng của vai diễn đó?

- Thú thực, khi dựng phim tôi không dám xem lại, tôi thấy kinh khủng quá và tôi lo lắng, một vai diễn không phải thế mạnh của mình, khán giả sẽ đón nhận thế nào. Tôi không nghĩ phim gây chú ý và tạo được sự tương tác lớn như thế. Trước đây trên sân khấu tôi đã từng đóng dạng vai này, một vai hài trong vở "Mớ đời thương" của anh Tất Ðạt, được Huy chương vàng, thầy Ðình Nghi bảo con bé này diễn duyên lắm. Chú Phạm Bằng đóng với tôi cũng rất thích. Thế nhưng với phim truyền hình thì đây là vai đầu tiên. Ðầu tiên tôi sợ mọi người sẽ ghét mình. Nhưng phim chiếu xong thì hiệu ứng ngược lại, nhiều người yêu quý mình hơn.

Sau vai diễn này tôi lo ngại, với một người làm nghề chuyên nghiệp, tôi có vượt qua cái bóng của nó không. Dù đây không phải vai diễn tâm đắc nhất mà là vai nhận được chú ý nhất của cộng đồng. Tôi trân trọng khán giả và đến bây giờ vẫn có cảm giác hồi hộp sau mỗi vai diễn, khán giả sẽ đón nhận mình như thế nào.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.