PGS, TS Nguyễn Văn Huy:

Chúng ta còn thiếu động lực phát triển bảo tàng

Xét số lượng bảo tàng Việt Nam không thiếu. Nhưng chất lượng lại là câu chuyện khác. Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Văn Huy (ảnh nhỏ) đã có những nhận định thẳng thắn quanh câu chuyện trưng bày và nhân lực cho hoạt động của hệ thống bảo tàng.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi có rất nhiều hiện vật quý. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi có rất nhiều hiện vật quý. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Bộ sưu tập tốt chưa chắc đã thành công

- Thưa ông, lấy tiêu chí nào để đánh giá cho một bảo tàng thành công hiện nay? Việt Nam có nhiều bảo tàng thành công không nếu xét theo các tiêu chí đó?

Chúng ta còn thiếu động lực phát triển bảo tàng ảnh 1

- Bảo tàng thành công trước hết là bảo tàng thu hút được đông đảo khách. Điểm thứ hai là bảo tàng phải có một trưng bày chất lượng cao, đạt được tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đạt được tiêu chuẩn thẩm mỹ đương đại. Nói vậy tức là một bảo tàng thành công phải đạt cả hai yếu tố đó.

Bảo tàng thành công ở Việt Nam thì chưa hẳn. Nhưng chúng ta có thể kể tới Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nhà trưng bày 150 năm Dinh Độc lập trong khuôn viên Dinh Độc lập. Đó là những bảo tàng tốt, có nhiều thông tin, tiếp cận được với công chúng theo cách hiện đại.

Cũng có bảo tàng có bộ sưu tập rất tốt nhưng lại ít khách như Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi có rất nhiều hiện vật quý từ xưa đến nay. Nhưng việc phát huy giá trị bộ sưu tập ấy thì chưa đầy đủ, chưa tốt. Nên chúng ta thấy Bảo tàng ở vị trí trung tâm thành phố như vậy, hiện vật quý như vậy mà lại không đông khách thì thật sự đáng tiếc.

- Nhưng tôi nhận thấy Bảo tàng Lịch sử quốc gia vẫn là điểm đến hàng đầu trong du lịch Hà Nội?

- Chúng ta thử đếm xem một ngày nơi này có bao nhiêu khách. Con số thống kê trong báo cáo nhiều khi chưa chính xác đâu. Hãy nhìn vào số vé bán ra hằng ngày, chứ không chỉ số khách các triển lãm lưu động.

Đang thiếu một diễn đàn cho phê bình bảo tàng

- Trong Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 mới được phê duyệt, mỗi tỉnh đều có một bảo tàng, nhưng nhiều bảo tàng địa phương được xây rất to và không có hiện vật, không biết trưng bày cái gì. Nhiều nơi than thở là họ phải xây dựng bảo tàng theo đề án, nhưng lại chẳng được hướng dẫn nên làm ra sao, trưng bày thế nào với cái vỏ bảo tàng đang có?

- Trong quy hoạch người ta chỉ xác định nên phát triển loại hình bảo tàng nào, các bảo tàng tỉnh, ngành nên ra sao, tương lai ra làm sao. Nhưng đúng, trong ngành bảo tàng, mà trách nhiệm trực tiếp của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), còn thiếu những hướng dẫn quy trình để tổ chức trưng bày, thiếu các quy chuẩn, tiêu chí để trưng bày cho tốt. Như ngành y tế có phác đồ điều trị, ngành giáo dục dạy từng môn học đều có chương trình rồi xây dựng giáo trình, rồi hướng dẫn giảng dạy. Ngành bảo tàng lại đang thiếu hẳn quy trình ấy, không có chuẩn về mặt nội dung, chuẩn về mặt cung cấp thông tin cho khách, chuẩn về mỹ thuật trưng bày, đồ họa ra sao. Nó đều cần có yêu cầu cụ thể để tạo ra hệ thống trưng bày cho tốt. Cho nên các trưng bày đưa ra rất khó đánh giá là tốt hay không. Hằng năm, các bảo tàng đều có trưng bày, cả quốc gia lẫn địa phương. Nhưng chúng ta nhìn lại xem chất lượng có tốt không, có khách đến thăm không?

- Là do chúng ta không đánh giá được hay không đánh giá, thưa ông?

- Không ai đánh giá các trưng bày đó cả. Tôi nói đi nói lại rồi, là chúng ta có lực lượng phê bình văn học, phê bình mỹ thuật để đánh giá cái hay cái đẹp, cái mới, cái sáng tạo trong những lĩnh vực này. Nhưng bảo tàng thì không có ai đánh giá. Chúng ta không có diễn đàn nào cho các trưng bày bảo tàng. Cái đó thiếu vô cùng. Chúng ta thiếu hẳn động lực cho các bảo tàng phát triển. Đừng nghĩ phê bình là chê bai, phê bình là có khen có chê, có cái chưa được, cái được. Có như vậy thì mới làm tốt hơn được.

Rồi còn chưa kể những nhà đầu tư, các mạnh thường quân cấp tiền cho các bảo tàng để làm các trưng bày đó, họ cũng không cần đánh giá. Trưng bày đó hiệu quả đến đâu. Càng không có ai đánh giá độc lập. Chỉ các đơn vị viết báo cáo thôi. Thế nên người ta cứ làm trưng bày, cứ cấp tiền, đến hẹn lại lên, bất kể trưng bày đó tốt hay xấu. Đó là tư tưởng bao cấp. Phần lớn các bảo tàng hiện nay là trưng bày theo kế hoạch tiền Nhà nước cấp.

- Có một vài bảo tàng địa phương cũng có trưng bày, họ vẫn viết báo cáo như vậy?

- Phần lớn là trưng bày cổ vật. Họ bày cổ vật ra, không cần tiền hoặc cần rất ít tiền. Trưng bày bảo tàng nó khác. Một là trưng bày bảo tàng phản ánh tính khoa học. Hai là nó phản ánh tính mỹ thuật, cái đẹp, cái logic. Và thứ ba là tính công nghệ. Ba cái đó quyện lại tạo ra chất lượng bảo tàng. Chứ từ xưa đến nay, người ta vẫn chỉ nghĩ bảo tàng là trưng bày cổ vật, cứ mang cổ vật ra trưng bày. Tư duy ấy, cả Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng mắc phải.

Việc đó làm giảm chất lượng bảo tàng. Nhưng nếu anh nghiên cứu cổ vật, đặt trong bối cảnh lịch sử ra sao, đóng góp mỹ thuật, lịch sử văn hóa của các cổ vật như thế nào thì mới làm tốt. Đằng này, chỉ bày hiện vật ra với chú thích đơn giản.

Nhưng chất lượng trưng bày kém không trách hoàn toàn được các địa phương. Kể cả Bảo tàng Lịch sử quốc gia, họ trưng bày ấn tín, báu vật nọ kia chẳng hạn, nó vẫn thiên về cổ vật, không tạo ra sự thích thú hấp dẫn, kể câu chuyện để lôi kéo người xem. Rất là đáng tiếc.

- Vậy là quay lại vấn đề lúc đầu, vẫn là chúng ta có quy hoạch bảo tàng nhưng lại thiếu quy hoạch nhân lực. Nhưng đòi có lực lượng phê bình bảo tàng bây giờ có khả thi không, khi mà đến cả các curator thật sự chuyên nghiệp chúng ta còn chưa có?

- Hai chuyện khác nhau. Những nhà phê bình là rất cần. Ai có thể là nhà phê bình? Đó là giảng viên các trường đại học có mở chuyên ngành bảo tàng, là chính những người có chuyên môn trong các bảo tàng. Nhưng rất đáng tiếc là các giảng viên ở các trường đó ít thực tế, họ không được tham gia vào hoạt động bảo tàng nên họ nặng về sách vở, kinh viện; cả vốn thực tiễn và cách giảng dạy đều khá lạc hậu. Cũng có bước tiến đấy nhưng không theo kịp trình độ phát triển. Còn lực lượng phê bình ngay trong bảo tàng nữa, nhưng người làm bảo tàng đôi khi cũng ngại va chạm, ngại sự phê bình.

Vậy nên chúng ta cần có phê bình độc lập. Cần những cây viết về bảo tàng chuyên nghiệp. Ngành bảo tàng rất cần các nhà phê bình một cách chuyên sâu, nó như bà đỡ cho các bảo tàng. Như đưa tin về các trưng bày chẳng hạn, bây giờ báo chí chỉ dựa trên các thông cáo báo chí, thông cáo báo chí viết nửa trang mươi dòng và các tờ báo đưa chung quanh đó. Chỉ có vậy thì sao mà thúc đẩy được các bảo tàng!

- Xin cảm ơn ông.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy là nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông là Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia các nhiệm kỳ 2004-2009 và 2010-2014. Ông hiện là Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam). Ông cũng là Giám đốc, kiêm chủ sở hữu Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - bảo tàng tư nhân về chính người cha của ông, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.