Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh:

Chìa khóa đơn giản nhất là tình yêu

Nhắc đến nhạc trưởng Đồng Quang Vinh là nhớ ngay đến một người chơi nhạc luôn tìm tòi cái mới, đầy năng lượng và một cá tính rất riêng. Anh đã chạm đến trái tim của người nghe nhạc và đưa họ đến gần hơn với thể loại âm nhạc hàn lâm bằng cả tình yêu và sự sáng tạo.

Nhạc sĩ Đồng Quang Vinh cùng dàn nhạc Tre nứa biểu diễn tại Xin-ga-po đầu tháng 8-2019.
Nhạc sĩ Đồng Quang Vinh cùng dàn nhạc Tre nứa biểu diễn tại Xin-ga-po đầu tháng 8-2019.

Tôi đến từ Việt Nam

- Xin chào nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Nói về con đường âm nhạc của anh, tôi được biết anh đã từng học chỉ huy dàn nhạc dân tộc, từng chỉ huy nhiều dàn nhạc trong nước và quốc tế. Điều gì khiến anh rẽ hướng sang âm nhạc cổ điển?

- Việc này không phải do tôi hoàn toàn chủ động đâu. Khi học ở Học viện Âm nhạc quốc gia, ngoài chuyên ngành sáo trúc, tôi còn chơi được các nhạc cụ dân tộc khác. Nhiều khi tôi thường nói vui rằng, sự “tham lam”- ham muốn học hỏi của tôi rất lớn. Tôi muốn những nhạc cụ này có thêm bài. Âm nhạc phương Tây có số lượng tác phẩm rất lớn. Còn âm nhạc dân tộc Việt Nam tuy phong phú nhưng người viết lại cho đời sau rất ít mà chủ yếu là truyền miệng. Đến khi các cụ mất đi, không ai ký âm lại thì rất đáng tiếc. Do vậy tôi đã ký âm, phối khí, viết lại và phát triển thêm các làn điệu. Riêng phối khí lại gắn với sáng tác, mà sáng tác lại gắn với chỉ huy. Viết nhạc thì mình phải dựng bài, phải tập và phải nắm được tất cả kỹ năng của tay, cách làm việc với dàn nhạc, tính năng nhạc cụ... Lúc đó các thầy cô đã quyết định cho Đồng Quang Vinh đi học tại Thượng Hải, Trung Quốc để học hỏi, xây dựng dàn nhạc dân tộc.

- Anh tìm thấy điểm chung gì ở âm nhạc dân tộc Việt Nam và âm nhạc hàn lâm cổ điển phương Tây?

- Điểm chung lớn nhất đó là sự xúc động của người nghe. Điểm chung thứ hai là tính hệ thống. Âm nhạc phương Đông và phương Tây đều có độc tấu, hòa tấu. Khi chơi riêng, mỗi nhạc cụ đều phát huy khả năng của mình. Chiếc đàn violon có thế mạnh với những ngón trảy, luyến thì đàn nhị cũng có những ngón luyến. Đến khi hòa tấu với nhau, chúng ta có thể xếp theo bộ dây, phương Tây có violon, viola, cello thì Việt Nam có đàn nhị, đàn cò, đàn hồ. Với bộ hơi thì âm nhạc phương Tây có sáo flute, kèn ô boa, kèn trumpet... Chúng ta lại có sáo trúc, kèn sô na, sáo Mèo, khèn bè... Riêng bộ gõ thì rất nhiều. Càng học tôi càng thấy nhiều điểm chung. Từ đó, tôi mới thấy rằng, không nên định nghĩa mình là người thuộc về âm nhạc phương Đông hay phương Tây. Tôi là người thuộc về âm nhạc thế giới và tôi đến từ Việt Nam.

Làm việc với 200%

- Bất cứ khán giả nào khi đến với các chương trình âm nhạc do anh chỉ huy, đặc biệt là “Tre mùa thu” đều ấn tượng với các bản nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, nhạc jazz của phương Tây thể hiện trên các nhạc cụ dân tộc làm từ tre nứa. Với ba chương trình “Tre mùa thu” thì ý tưởng chủ đạo là gì, thưa anh?

- Đó là sự kết hợp Đông - Tây và trong đó không thể thiếu yếu tố Việt Nam. Tre là hình ảnh rất Việt Nam. Cây tre cũng là truyền thống của gia đình mình - ban nhạc Tre Việt, là đất nước mình, rất quan trọng nhưng lại rất đơn giản, mộc mạc.

- Đâu là chìa khóa của sự kết hợp này?

- Chìa khóa đơn giản nhất là tình yêu. Tôi yêu cả nhạc dân tộc, yêu cả nhạc cổ điển. Càng khám phá lại càng yêu vì thấy nó thú vị quá. Nó không phải là dấu cộng mà là dấu nhân. Mình rất thích sự so sánh bởi so sánh giúp mình đúc kết được những cái hay, từ đó đưa vào tác phẩm để trở thành cái riêng của mình. Sau tình yêu thì chiếc chìa khóa ấy phải được tra dầu cho mượt, bằng sự lao động miệt mài trên cơ sở phân tích, viết lại những tác phẩm. Muốn viết được thì phải nghe nhiều kênh khác nhau và phải hiểu được sở trường, sở đoản của từng loại nhạc cụ. Và điều cuối cùng, để chiếc chìa khóa ấy không bị gỉ, đó là phải luôn hướng đến khán giả.

- Anh lắng nghe điều đó từ khán giả như thế nào, bởi bất cứ một cái gì mới đều vấp phải những phản ứng đa chiều?

- Nhạc cổ điển phương Tây rất hay nhưng chưa chắc nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đã thích. Mình không thể chiều hết mọi người nhưng mình phải luôn cố gắng hết sức kéo được khán giả đến với mình càng đông càng tốt. Mình phải hiểu được đối tượng khán giả trong từng buổi biểu diễn để có những lựa chọn phù hợp. Trong âm nhạc còn có phần rất quan trọng là giáo dục, phổ cập âm nhạc. Bên cạnh những bản nhạc quen tai thì mình sẽ cài vào đó những bản nhạc mới, mầu sắc mới để khán giả thay đổi một chút và để họ cảm thấy mới mẻ, cuốn hút hơn.

- Lịch hoạt động của anh luôn dày đặc. Anh có thể chia sẻ về những chương trình sắp tới?

- Tôi và dàn nhạc Tre nứa là đoàn nghệ thuật duy nhất tại Việt Nam vừa được đoàn nghệ thuật dân tộc lớn nhất Xin-ga-po mời sang biểu diễn. Không đơn giản là cứ để nhạc cụ dân tộc hai nước song tấu với nhau mà chúng tôi đã có một thời gian tập luyện, khớp nối bài vở. Chương trình đã được đích thân Bộ trưởng Văn hóa Xin-ga-po mua vé tới xem.

Tôi đang chuẩn bị chỉ huy vở ba-lê Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn vào ngày 7, 12 và 13-10. Thông thường với ba-lê mọi người chỉ hình dung ra nó với những động tác múa. Tuy nhiên với vở ba-lê này, chúng tôi yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, cụ thể là múa trên nền nhạc sống- tức là chơi trực tiếp trong thời lượng hơn 2,5 giờ.

Một chương trình lớn nữa mà tôi đang thực hiện là Tre mùa thu 4 với sự đặt hàng của Trung tâm Văn hóa Pháp, sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Đây là chương trình kết hợp nhạc dân tộc Việt Nam và âm nhạc Pháp trên cơ sở dàn nhạc Tre nứa và dàn hợp xướng HaNoi Voice.

- Tần suất hoạt động dày như vậy, sự bận rộn có làm anh mệt mỏi?

- Với vai trò là người nhạc trưởng, người dẫn dắt, sáng tạo thì mình không được phép vơi bớt cảm xúc trong mình. Nhiệt huyết mà vơi đi thì sẽ không thể truyền cảm hứng được cho khán giả. Thầy giáo tôi từng nói “nếu bạn muốn khán giả đạt đến 100% sự nhiệt huyết của bạn thì bạn phải làm việc 200%”.

- Xin trân trọng cảm ơn và chúc anh sẽ giữ mãi được ngọn lửa đam mê của mình!

Chìa khóa đơn giản nhất là tình yêu ảnh 1

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sinh năm 1984. Từ nhỏ, anh đã chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc và cùng với cha mẹ đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1993, Đồng Quang Vinh học chuyên ngành sáo trúc của khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2004, Đồng Quang Vinh theo học chuyên ngành Chỉ huy Dàn nhạc Dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải - Trung Quốc, sau đó tiếp tục hoàn thành xuất sắc chương trình thạc sĩ. Trở về nước, anh là giảng viên chuyên ngành Chỉ huy Hợp xướng, Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và tham gia nhiều chương trình hòa nhạc lớn với tư cách là tổng chỉ huy. Anh cũng là người thành lập ban nhạc Sức Sống Mới - chuyên diễn tấu các nhạc cụ được chế tác từ tre nứa như t’rưng, ching’ram, k’lông pút, đinh pá, bộ gõ tre nứa, sáo trúc…