TS Frank Proschan:

Cần hiểu đúng về câu chuyện ghi danh di sản

Đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, theo TS Frank Proschan (ảnh nhỏ), cựu chuyên gia cao cấp của Ban Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đang có sự hiểu lầm về bản chất và mục đích của việc ghi danh các di sản vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cần hiểu đúng về câu chuyện ghi danh di sản

Trong văn hóa, không có sự phân định cao - thấp

- Thưa ông, Công ước 2003 của UNESCO được Việt Nam chính thức phê chuẩn vào năm 2005. Sau 14 năm, ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam để thực thi Công ước?

- Trong vòng 14 năm qua, sau khi phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Điển hình như việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009, việc ban hành Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, tương thích và song hành với các điều khoản 13 và 15 của Công ước, theo đó, bảo đảm sự tham gia tối đa của cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân trong việc sáng tạo, duy trì, trao truyền các DSVHPVT.

Việt Nam là thành viên rất tích cực của UNESCO: là thành viên Ủy ban liên chính phủ từ năm 2006 đến 2010, tham gia xây dựng hướng dẫn thực hiện Công ước. Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng bảy đề xuất hỗ trợ quốc tế để bảo vệ các DSVHPVT và xây dựng tài liệu kỹ thuật, cùng nhiều di sản được đăng ký vào cả hai danh sách. Đó là những thành tựu rất tích cực của Việt Nam.

Cần hiểu đúng về câu chuyện ghi danh di sản ảnh 1

Dân ca quan họ Bắc Ninh được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đáng tiếc là ở Việt Nam hiện vẫn còn một số sự hiểu nhầm trong việc diễn giải các khái niệm, từ đó dẫn đến những cách thực hành sai, có thể ảnh hưởng đến việc hiểu sai về tinh thần chung của Công ước.

- Xin ông nói rõ về những hiểu nhầm cũng như tác động của nó đến việc thực hành bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trong điều kiện của Việt Nam?

- Theo tìm hiểu của tôi, sự hiểu nhầm tập trung vào vấn đề rất quan trọng là quyền sở hữu di sản. Trong Công ước đã khẳng định: di sản thuộc về các cộng đồng, các nhóm người, và trong một số trường hợp là các cá nhân. Trong khi, trên mặt báo chí và trên nhiều văn bản của ngành văn hóa, lúc này, lúc khác, những năm gần đây có thể hiện những nội dung khác với tinh thần đó. Tôi đã thử tra Google, bên cạnh những nội dung chính xác, đó là “danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, vẫn còn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn kết quả có nội dung sai khi đề cập các di sản được UNESCO ghi danh. Việc diễn đạt và nhận thức sai do áp dụng Công ước Di sản Thế giới (Công ước 1972), chuyển ngữ từ tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) từ “ghi danh” (inscribe) thành “công nhận” (regcognize), diễn đạt DSVHPVT là “của” thế giới, “của” quốc gia, “cấp” quốc gia…, một số cách diễn đạt khác lại bỏ mất chữ “trong danh mục”, bỏ mất chữ “đại diện” mà chỉ viết “DSVHPVT của nhân loại”... có thể gây ra một số hiểu lầm về bản chất khái niệm.

Vấn đề chủ chốt cần phải nhìn nhận lại là: Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ DSVHPVT khẳng định rằng: DSVHPVT không thuộc về thế giới, nhân loại, quốc gia hay một địa phương hoặc những khái niệm mang tính địa lý, mà thuộc về một cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân.

Trong văn hóa không phân chia “cao - thấp” mà chỉ có sự “khác nhau”, không có văn hóa nào “quý hơn” văn hóa nào mà chỉ có sự khác biệt, đặc sắc đều (cần) quý trọng và cần hơn cả là sự tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng đa dạng văn hóa. Khi nói muốn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cũng đồng thời đặt ra yêu cầu bảo vệ tính phong phú đa dạng của các thực hành văn hóa trong cộng đồng, trong đó tôn trọng sự bình đẳng văn hóa. Nhận thức đúng DSVHPVT “thuộc về đâu” sẽ giúp các chính phủ có chiến lược tiếp cận đúng đắn và có cơ sở để đưa ra những chính sách bảo vệ phù hợp.

Điều không may là cách nghĩ mang tính chất phân định cao - thấp đã đi vào tư duy của ít người, tạo ra một tâm lý đua tranh không đúng với mục đích mà Công ước 2003 đã đề ra khi lập các Danh sách này.

Cần phải khẳng định lại rằng, DSVHPVT không phải là tài sản chung của nhân loại, nhưng khi một di sản được ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại thì toàn thế giới phải quan tâm đến câu chuyện bảo vệ di sản ấy. Nó trở thành mối quan tâm chung của nhân loại.

- Ông có thể cho biết, từ khi nào thì các chuyên gia của UNESCO nhận ra sự hiểu nhầm này?

- Ngay từ khi thành lập Văn phòng UNESCO Hà Nội, năm 1999. Kể từ đó, Văn phòng UNESCO Hà Nội đã cố gắng đưa ra các thông điệp đúng đắn về tinh thần của Công ước, thông qua các chương trình hợp tác với các cơ quan chức năng, bằng nhiều hình thức khác nhau. Như hỗ trợ, tư vấn Cục Di sản văn hóa xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, làm việc với nhiều cơ quan để phổ biến các nhận thức về Công ước. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, mời các chuyên gia tư vấn… UNESCO đã hỗ trợ việc dịch Công ước sang tiếng Việt và giúp tư vấn quá trình sửa đổi Luật Di sản 2009. Văn phòng đã đứng ra tổ chức một số cuộc trao đổi, tập huấn chuyên gia. Đó là nhiệm vụ thường xuyên của UNESCO không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác nữa, để giúp cho việc thực hiện Công ước được chính xác, chuyển tải những thông điệp đúng đắn về các chương trình, văn kiện của UNESCO đến các quốc gia thành viên, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, năng lực, sự hiểu biết trong việc thực hiện các chương trình, công ước của UNESCO.

Cũng không phải chỉ tại Việt Nam có hiện tượng bị ảnh hưởng bởi tư duy sai lầm về tính sở hữu của DSVHPVT đại diện của nhân loại, mà tại một số quốc gia tham gia Công ước cũng như vậy. Bản chất của di sản phi vật thể là nó được tái sáng tạo và duy trì bởi chính những người trực tiếp thực hành nó, di sản đó không thuộc về nhân loại, mà thuộc về cộng đồng.

Tạo cơ hội cho đối thoại

- Tuy nhiên, có một thực tế là, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, “cộng đồng” là một khái niệm chưa được định nghĩa trong luật pháp, hay nói cách khác, chưa có quy định cụ thể về tính pháp lý của chủ thể này. Trong khi, chủ sở hữu các giá trị DSVHPVT lại có vai trò quyết định đối với đường hướng bảo tồn di sản cũng như việc phân chia lợi ích thụ hưởng từ các hoạt động thực hành di sản?

- Chúng ta có thể học một bài học từ những người soạn thảo Công ước. Bởi văn bản pháp lý này dùng các thuật ngữ rất chính xác, ở một số vị trí rất cụ thể, nhưng với thuật ngữ “cộng đồng”, họ chọn cách không đưa ra một định nghĩa cụ thể. Vì, vấn đề là, họ nhận ra, ở các quốc gia khác nhau có những cơ sở pháp lý về việc thừa nhận vai trò, quyền của cộng đồng rất khác nhau. Cho nên, trong văn kiện mang tính quốc tế này, họ không muốn can thiệp vào vấn đề mang tính nội bộ liên quan quyền pháp lý, và để các quốc gia thành viên tự đưa ra khái niệm dựa theo khuôn khổ của pháp luật sở tại.

Cần nhận thức rằng, “cộng đồng” là một khái niệm mới, và vẫn đang thay đổi. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, trong hệ thống pháp luật các nước hay các văn bản luật mang tính quốc tế cũng không có điều luật cụ thể quy định về cộng đồng.

Nếu chúng ta quy định rõ ràng về mặt khái niệm, thì sẽ tạo nên một sự cứng nhắc trong thực thi, nhưng nếu luật không quy định, thì chúng ta đã tạo ra cơ hội để cho các thực thể đó đối thoại với nhau, và có thể tìm được một phương án tốt nhất có thể cho từng trường hợp. Tôi tin tưởng rằng, khi những người có liên quan có thể cùng đối thoại thì họ sẽ tìm ra giải pháp đủ thông minh. Không phải lúc nào cũng có thể thành công nhưng nếu để cho họ đối thoại thì sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất cho chính họ, thay vì đợi ai đó đến để giải quyết vấn đề của họ.

- Xin cảm ơn ông.