Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Cương:

Biết quay về thì mới đi xa được

Gắn bó với sự phát triển của khí nhạc ở khu vực phía nam suốt mấy chục năm trên cả hai cương vị (sáng tác và quản lý giáo dục nghệ thuật), Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Cương (ảnh nhỏ) khẳng định rằng, chúng ta đã tạo được một hành trình đáng tự hào cho nghệ thuật cổ điển. Điều quan trọng lúc này là phải xác lập được giọng điệu riêng cho âm nhạc Việt Nam.

Biết quay về thì mới đi xa được
Biết quay về thì mới đi xa được ảnh 1

Âm nhạc cũng như chữ ký

- Mới đây, trong chương trình “Khúc khải hoàn” mở đầu cho chuỗi sự kiện nghệ thuật đỉnh cao được TP Hồ Chí Minh đầu tư thường niên nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, khán giả gặp lại ông với bản Concerto cho violon và dàn nhạc. Trong sáng tác của ông, không chỉ ở bản Concerto này mà ở những tác phẩm khác như “Mùa xuân thế kỷ”, “Thác đổ”, “Múa cồng đâm trâu”… đều thấy giọng điệu Việt rất rõ. Việc tìm giọng điệu riêng có ý nghĩa như thế nào trong việc định vị tiếng nói của âm nhạc Việt Nam, thưa ông?

- Tôi nghĩ, đó là việc mà các nhà lý luận âm nhạc phải trả lời, còn giới sáng tác như tôi cần phải kiên trì con đường thẩm mỹ mà mình đã chọn. Nếu theo dõi đời sống âm nhạc, sẽ thấy, cho tới nay, vẫn có những ca khúc ra đời từ 30 - 50 năm trước nhưng người ta vẫn tìm nghe. Rõ ràng, đó là những tác phẩm có một giá trị lâu bền, là những tác phẩm ở lại với lịch sử này, với văn hóa này. Hiện nay, cuộc sống càng ngày càng gấp gáp, phần lớn chọn sự mau lẹ, các giá trị của quá khứ chưa được tôn trọng và nhìn nhận đúng vai trò của nó. Song, tôi vẫn nghĩ, càng phát triển, thì dù sớm hay muộn, con người càng có xu hướng quay về với quá khứ, với gốc gác của mình. Có thế, chúng ta mới đi xa được.

Tôi nhớ hồi còn học ở Nga, có đọc được một bài báo kể về việc nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp - Maurixe Ravel sang Việt Nam, tìm đến khu Chợ Lớn của Sài Gòn để ghi chép lại một người đàn ông hát xẩm. Những năm 20 - 30 của thế kỷ trước, sau khi nghe đội nhạc từ Việt Nam qua để giao lưu tại hội chợ quốc tế do Pháp tổ chức, một tác gia nổi tiếng thời đó, đã nói với nghệ nhân của ta rằng: “Còn chờ gì nữa. Hãy quay về phương Đông”. Nghĩ lại, từ các nhà soạn nhạc vĩ đại như J.S. Bach, Wolfgang Amadeus Mozart… cho đến các tên tuổi thuộc chủ nghĩa ấn tượng sau này, họ đều hướng về phương Đông và xem đây như một mảnh đất nghệ thuật màu mỡ. Kể lại để thấy, chính những người phương Tây phát hiện ra giọng điệu của ta còn sớm hơn cả ta nữa. Bây giờ, chúng ta mới tìm lại cái giọng điệu của mình như thế là muộn; thậm chí, giờ mình viết, có người cho rằng giống ông này, ông kia.

- Trong dòng chảy phương Đông ấy, đặc điểm nào của tiếng Việt cho phép chúng ta có được một dáng hình riêng, thưa ông?

- So với các nước khác, nhịp điệu ngôn ngữ của Việt Nam có nhiều biến động, sâu sắc; người ta hay nhấn mạnh vào ngữ điệu của tiếng Việt là vì thế. Sự uốn éo, sinh động và linh hoạt của giai điệu làm cho ngôn ngữ có tính cách. Để rồi, âm nhạc cũng như chữ ký. Người này không thể bắt chước người kia. Đất nước này không thể giống đất nước nọ. Và người Việt viết nhạc Việt chắc chắn khác người Tây viết nhạc Việt cũng từ đó.

- Trong cuộc quay về ấy, ông đánh giá như thế nào về nguồn lực hiện có ở ta?

- Văn hóa Việt Nam đa dạng với 54 dân tộc. Trữ liệu âm nhạc rất phong phú, chúng ta có thể khai thác được rất nhiều; song, hiện nay, lực lượng toàn tâm đi theo rất ít. Nhưng như nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nói, đại ý, một nhúm người đó thôi nhưng đang đẩy âm nhạc Việt Nam đi tiếp. Nếu không có họ, âm nhạc Việt Nam cứ đi loanh quanh, giống chỗ này một chút, na ná chỗ kia một chút… Ca khúc sẽ chỉ là những câu nói bình thường, chẳng có gì đặc biệt.

Để những giấc mơ trở thành hiện thực

- Ông nói lực lượng toàn tâm đi theo ít. Xin hỏi ông, cụ thể thế nào?

- Tôi không nói những lĩnh vực khác mà chỉ nói trong phạm vi âm nhạc cổ điển, những người hoạt động với tư cách tác giả càng ngày càng ít. Những người sáng tác giờ đây cũng dần chuyển qua làm phối khí vì mưu sinh. Chúng ta thiếu những tác phẩm sáng tác của Việt Nam, làm nên cổ điển của Việt Nam, do đội ngũ người Việt Nam viết và biểu diễn cho người Việt Nam nghe. Tất nhiên, tôi không có ý phủ nhận phối khí, nhưng đó không phải là thứ để nghiền ngẫm cả đời.

- Chẳng lẽ không có tín hiệu tích cực gì ư?

- Có chứ. So với thời trước, hiểu biết của khán giả càng ngày càng đi lên. Chưa kể, trong những năm qua, chúng ta có những dàn nhạc “made in Vietnam”, không có người nước ngoài nào. Đó là điều hoàn toàn khác so với các nước trong khu vực Đông - Nam Á, là điều ta hơn họ. Tôi biết, để có được dàn nhạc hoàn chỉnh như hiện tại, chúng ta cũng đã phải đi từng bước một, cố gắng rất nhiều.

- Là người gắn liền với sự phát triển của khí nhạc khu vực phía nam từ nhiều năm nay, ông có thể nói rõ hơn về đời sống của lĩnh vực này?

- Năm 1975, tôi theo đoàn văn công để biểu diễn cho người dân ở các vùng mới được giải phóng như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau… Biểu diễn nhiều vô cùng: Các bài ca điệu múa có dàn nhạc đệm; các bản nhạc độc tấu, các hòa tấu nhạc Việt Nam… nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả.

Sau giải phóng, ở khu vực TP Hồ Chí Minh, thanh nhạc thì đổ xô theo nhạc nhẹ, múa ballet thì theo thị trường, chỉ có một nhóm ít người chí cốt theo ballet cổ điển; trong khi đó, giao hưởng opera là điều xa vời vợi. Khi tôi được mời vào dạy violon, phải đáp ứng điều kiện dạy cả viola. Lúc đó ở TP Hồ Chí Minh, viola là một lĩnh vực trống trơn. Một đồng nghiệp khi đó nói với tôi, anh mơ đến một ngày, TP Hồ Chí Minh cũng có nhà hát, để biểu diễn các vở ballet, các tác phẩm của các tác giả thế giới và nhạc sĩ Việt Nam. Tôi cũng mơ giống bạn mình nhưng nghĩ, đó là điều quá xa vời. Rồi một lần khác, NSND, biên đạo múa Vũ Việt Cường nói, anh mơ có ngày múa ballet không theo ghi âm mà theo nhạc sống… Về khâu thưởng thức âm nhạc, hồi mới giải phóng, ai cũng nói TP Hồ Chí Minh là xứ ăn chơi, chỉ có nhạc nhẹ và nhảy nhót, người dân không biết thưởng thức nhạc cổ điển hàn lâm. Cũng đúng mà cũng không đúng. Nhạc nhẹ có sự ảnh hưởng tới đời sống âm nhạc ở đây rất lớn. Các bài nhạc không lời cho các nhạc cụ, độc tấu, hòa tấu, các sáng tác cho nhạc cụ dân tộc, thậm chí những bản nhạc cổ điển thế giới do ta biểu diễn cũng chỉ rón rén đưa ra. Các chương trình biểu diễn nhạc cổ điển nhìn chung xơ cứng, một chiều…

Giờ đây, dàn nhạc của chúng ta đã chơi được những bài khó nhất; đã biểu diễn được những vở ballet khó, dàn đồng ca chất lượng. Hiện nay, chúng ta đã có dàn giao hưởng, đồng ca, đã có những buổi biểu diễn riêng. Các nghệ sĩ Việt tung cánh đi khắp thế giới. Trong khi đó, có một lực lượng nghệ sĩ gốc Việt ở nước ngoài sẵn sàng về nước biểu diễn, phục vụ khán giả trong nước…

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta cần phải làm nữa, nếu muốn làm nên một dáng hình Việt Nam trong lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

PGS, NGND Hoàng Cương, sinh năm 1944 tại Huế, được đào tạo âm nhạc tại Đức, Nga và Ba Lan trong những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Sau khi về nước, ông giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; sau đó chuyển vào nam, giảng dạy tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh rồi làm Giám đốc Nhạc viện từ năm 2000 tới khi nghỉ hưu vào năm 2006. Các tác phẩm khí nhạc của ông được trao tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010 và được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2017.