GS Phạm Hồng Tung:

Bất cập trong dạy, học và thi lịch sử đã kéo quá dài

Ngay khi điểm thi THPT quốc gia 2019 được công bố, một trong những con số khiến nhiều người chú ý là thống kê: có tới 70% số bài thi môn lịch sử đạt điểm dưới trung bình. Không phải lần đầu, nỗi buồn về việc dạy và học môn lịch sử được dư luận nhắc đến. Vậy nhưng, điều đáng nói là thực trạng giảng dạy, học tập và thi cử ở bộ môn này, sau rất nhiều đề xuất, phân tích, vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS Phạm Hồng Tung (ảnh nhỏ), Viện trưởng Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), chủ biên chương trình mới của môn Lịch sử quanh vấn đề này.

Bất cập trong dạy, học và thi lịch sử đã kéo quá dài

Buồn, nhưng không bất ngờ

- Thưa giáo sư, môn Lịch sử tiếp tục là môn thi có điểm trung bình thấp nhất tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Ông có cảm thấy buồn khi đón nhận thông tin này?

- Với một người làm nhà giáo và gắn bó với lịch sử, tất nhiên, tôi không thể vui khi đón nhận thông tin này. Năm nay, sau môn Sử là môn tiếng Anh có điểm số trung bình thấp nhất trong các môn thi. Khi đất nước hội nhập, giới trẻ rất cần ngoại ngữ để giao lưu quốc tế thì điểm Tiếng Anh lại thấp thứ hai. Khi đất nước hội nhập, giới trẻ rất cần giữ bản sắc dân tộc để “hội nhập mà không không hòa tan” thì môn Sử lại thấp thứ nhất. Kết quả này không còn là nỗi buồn mà là nỗi đau, đe dọa đến sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước, hội nhập nhưng không đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy bất ngờ với kết quả này khi chúng ta vẫn học và thi theo kiểu cũ. Trong đó vẫn chú trọng học thuộc lòng, ghi nhớ các sự kiện, áp đặt một chiều cách nhận thức cho học sinh và đặc biệt là không nói cho học sinh biết, học lịch sử để làm gì.

Điểm thi đã phản ánh trung thực tình trạng và chất lượng học và dạy lịch sử hiện nay. Vấn đề đặt ra từ kỳ thi năm nay là làm thế nào để cải thiện tình trạng này trong thời gian sắp tới.

- Vậy theo giáo sư, làm thế nào để việc dạy và học lịch sử được cải thiện?

- Với chương trình Giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành cuối tháng 12-2018, trong đó có môn Lịch sử, tôi cho rằng, để khắc phục việc dạy và học lịch sử hiện nay với nhiều tồn tại, chúng ta cần khẩn trương đưa chương trình mới vào giảng dạy. Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần có lộ trình với nhiều mục như: Ra sách giáo khoa (SGK), sách hướng dẫn học sinh, sách hướng dẫn giáo viên, tập huấn giáo viên… Với từng ấy công việc, thời gian cần là khoảng 4-5 năm. Việc đổi mới dạy học môn Lịch sử thể hiện ở phương pháp dạy học có sự tương tác giữa thầy và trò. Trong đó, thầy cô giáo đóng vai trò quyết định, sẽ chuyển từ việc nhồi nhét kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Bên cạnh đó, việc đổi mới dạy học của môn Lịch sử còn thể hiện ở việc hướng dẫn học sinh cách thu thập và sử dụng thông tin sử liệu, phát triển và trình bày các kiến thức lịch sử sao cho khoa học; vận dụng lịch sử trong cuộc sống, như việc các em có thể giới thiệu về quê hương mình với các nét văn hóa đặc sắc trong các sản phẩm về thời trang, du lịch, ẩm thực, kịch bản phim, kịch bản sân khấu…

- Cùng với nỗ lực đưa chương trình SGK Lịch sử mới vào giảng dạy, việc học lịch sử còn cần thay đổi căn bản ở những điểm nào, thưa ông?

- Các thầy cô cần chỉ ra cho các em biết, học lịch sử là để phục vụ cho chính cuộc sống của các em sau này. Từ những kiến thức lịch sử được học và thu nạp, các em có thể tự mình đưa các trận đánh hào hùng của dân tộc vào trong các trò chơi, trong các sản phẩm công nghệ hiện đại như smartphone với các chi tiết trang trí mang dấu ấn và bản sắc Việt Nam, trong các bộ phim truyền hình hay, các gameshow, tranh ảnh… khai thác đề tài dã sử… Tôi cho rằng, xã hội càng hiện đại và phát triển, hàm lượng giá trị lịch sử và văn hóa của một dân tộc càng cần được đề cao và tôn vinh. Và như vậy, học lịch sử là hoàn toàn cần thiết và giúp trang bị cho các em hành trang bước vào đời một cách vững chắc, thiết thực và hiệu quả.

“Cởi trói” từ quan niệm

- Có người nói, học sinh ngày nay không còn yêu lịch sử nữa…

- Ồ không, tôi lại không thấy như thế! Học sinh ngày nay vẫn yêu và quan tâm đến lịch sử, nhìn rộng ra còn là cả đất nước này đều rất quan tâm đến lịch sử và văn hóa. Vấn đề là chúng ta chưa biết khơi dậy tình yêu cảm tính ấy thành tình yêu duy lý. Người dân Việt Nam ai cũng yêu nước, yêu lịch sử dân tộc mình nhưng lại thờ ơ với môn học lịch sử, ngại phải nhớ đến các sự kiện đã diễn ra là vì, học sinh chưa biết ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, mà chỉ nhớ máy móc ngày tháng năm. Chính vì thế, họ luôn cho rằng, lịch sử là khô khan và cứng nhắc. Và cũng vì cứng nhắc trong việc dạy và học lịch sử hiện nay đã khiến người học nhanh chóng quên đi các dấu mốc lịch sử chói lọi, các bài học lịch sử giá trị.

- Thời của giáo sư, việc học lịch sử có khác ngày nay?

- Việc dạy và học lịch sử có tính thời đại. Thời của chúng tôi, học lịch sử là để rèn luyện mình, cứu nước, cứu nhà. Ngày đó không ai bảo ai, không ai giục giã, cứ mỗi lần đài phát thanh thông tin diễn biến mới của các trận đánh, ai cũng lắng nghe chăm chú. Đến thời bình, việc học nói chung là gắn với câu chuyện của đồng tiền bát gạo. Nếu thời bình, học lịch sử vẫn như thời chiến thì sẽ lạc điệu, lạc giọng. Tiếc là, tình trạng lạc điệu đó kéo dài quá, đến cả thời kỳ bùng nổ của khoa học công nghệ và thông tin với các sản phẩm của nền công nghiệp văn hóa từ nước ngoài tràn vào nước ta. Và ở đó đã xuất hiện tình trạng bội bạc với văn hóa dân tộc, với di sản được cha ông hun đúc từ nghìn đời nay. Mỗi năm, Việt Nam đón hơn 10 triệu khách quốc tế. Điều các du khách nước ngoài cần tìm hiểu khi đến Việt Nam là giá trị văn hóa trong chiếc nón bài thơ, trong bát phở, bún chả, trên bia Văn Miếu… Nếu chúng ta đáp ứng được thì đó ắt hẳn là nguồn đưa lại những đồng tiền sạch sẽ và giàu có kiếm được từ chính những kiến thức lịch sử.

- Cả cuộc đời gắn bó với khoa học lịch sử, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để việc học môn Lịch sử trở nên dễ dàng hơn?

- Là một người nghiên cứu về lịch sử, tôi không có phương pháp gì đặc biệt. Từ một người nông dân tới khi thành giáo sư, tôi luôn đề cao sự chăm chỉ. Không có chăm chỉ thì không bao giờ đi tới thành công. Sự sáng tạo dựa trên năng lực bẩm sinh cũng có nhưng không nhiều. Phần lớn sự sáng tạo được dựa trên các kỹ năng được rèn luyện. Mà muốn thành kỹ năng thì phải luyện tập chăm chỉ và thành thục. Việc học lịch sử có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, không cứ phải ngồi vào bàn mới học được. Tất cả diễn ra trong đầu và học theo phương pháp “cành tre”, tức là đi từ tổng thể đến chi tiết, như thế sẽ không quên và nhớ lâu, có cái nhìn bao quát.

- Có lẽ, lịch sử sẽ mãi được xem như môn phụ khi chính nhà trường và các em học sinh tự phong cho bộ môn này như thế. Giáo sư có kiến nghị nào để cởi trói cho môn học này?

- Lịch sử sẽ được cởi trói trước quan niệm môn chính, môn phụ khi chúng ta đổi mới toàn diện nền giáo dục nhà trường. Trong đó, thầy cô giáo đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, việc tuyên truyền, định hướng tốt trong gia đình cũng không kém phần quan trọng. Cha mẹ sẽ là những người thầy đầu tiên dạy các em yêu lịch sử dân tộc. Còn ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta cần thực hiện tốt chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đề ra. Thi lịch sử đạt kết quả kém ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng, và để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Bất cập trong dạy, học và thi lịch sử đã kéo quá dài ảnh 1

Học lịch sử giúp trang bị cho học sinh hành trang bước vào đời một cách vững chắc, thiết thực và hiệu quả. Trong ảnh: Học sinh trường THCS Trần Phú, TP Quảng Ngãi tham quan, tìm hiểu lịch sử đội hùng binh Hoàng Sa tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGỌC MAI