Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long:

Âm nhạc truyền thống cần những người truyền lửa

Nhiều năm tâm huyết gắn bó với xẩm, với hành trình đưa xẩm trở lại đời sống, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: chúng ta không nên phát triển âm nhạc truyền thống theo phong trào, cũng đừng kỳ vọng, âm nhạc truyền thống sẽ trở thành đại chúng. Những người trẻ sẽ không quay lưng với âm nhạc truyền thống nếu có những người truyền lửa và chính sách bảo tồn dài hạn của nhà nước.

Nhóm xẩm Hà Thành luôn chú trọng khai thác yếu tố mới để thu hút các bạn trẻ.
Nhóm xẩm Hà Thành luôn chú trọng khai thác yếu tố mới để thu hút các bạn trẻ.
Âm nhạc truyền thống cần những người truyền lửa ảnh 1

Những loại hình không dành cho đại chúng

- Chúng ta vẫn nói rằng, hiện nay người trẻ đang quay lưng với âm nhạc truyền thống. Sau nhiều năm miệt mài với xẩm và đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ, anh thấy sự tiếp nhận của giới trẻ ra sao?

- Chúng ta cứ nói chung chung, thậm chí quan trọng hóa vấn đề và ở một khía cạnh nào đó hơi đoán mò. Phải trực tiếp đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ thì mới hiểu họ có quay lưng hay không. Tuy nhiên, có một thực tế là âm nhạc truyền thống hiện nay không dành cho đại chúng. Hơn 100 năm trước chúng ta chỉ có âm nhạc bát âm thôi nhưng từ khi có sự hiện diện của văn hóa Pháp, âm nhạc phương Tây 7 nốt nhanh chóng chiếm lĩnh đời sống của người Việt. Trong giai đoạn này chúng ta phải chấp nhận rằng, âm nhạc truyền thống chỉ có một bộ phận khán giả nhỏ nhưng đó là bộ phận khán giả tinh. Mỗi lần chúng tôi tổ chức sự kiện liên quan đến âm nhạc cổ truyền ít nhất cũng có 50 khán giả, nhiều người trẻ, rất trẻ, có cả những em bé 5 tuổi, 7 tuổi đòi mẹ đến nghe. Phải bắt tay vào làm, đưa âm nhạc truyền thống vào đời sống, tiếp cận với giới trẻ chúng ta mới thấy tự tin và không bi quan quá. Các cụ nói, nhập gia tùy tục, biết thân, biết phận, âm nhạc truyền thống trong bối cảnh hiện nay không thể là đại chúng được. Ðừng ép nó phải thành văn hóa đại chúng vì thời đại đã thay đổi, không gian sống đã khác. Nhưng chúng ta phải xác lập rõ một không gian như thế, nó nhỏ nhưng rất quan trọng. Ðó là bản sắc để chúng ta nhận diện tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi có cái gì khi nói chuyện với anh. Khi xác định được như thế chúng ta không quá lo vì chúng ta nhận diện ra mình, đồng thời chúng ta có những chính sách ưu đãi dành cho nghệ thuật truyền thống và nhóm nghệ sĩ.

- Vậy để nghệ thuật truyền thống tiếp cận với bạn trẻ, theo anh, nếu chỉ bảo tồn thôi có đủ thuyết phục họ?

- Quan điểm làm nghề của tôi là luôn nỗ lực để nghệ thuật truyền thống sống trong đời sống. Nghệ thuật không bám vào đời sống là nghệ thuật chết. Nếu chúng ta không chấp nhận cái mới, chúng ta cứ đóng khung vào cái cũ và hát những bài cũ thì làm sao có một nghệ thuật vọng cổ, cải lương hay như vậy. Cái mới có thể chưa được tiếp nhận ngay nhưng nó là sự vận động tất yếu của cuộc sống. Thí dụ với nghệ thuật hát xẩm, nếu chúng ta vẫn chơi những bài quá buồn, đơn điệu, chúng ta sẽ không thu hút được ai, nhất là giới trẻ. Chúng ta vừa bảo tồn truyền thống nhưng vừa phải có những sáng tác mới mang hơi hướng của xẩm, của dân ca… Chẳng hạn như bài Xẩm phố thu ca sĩ Thu Phương hát vẫn hiện hữu tinh thần nhạc nhẹ trong nghệ thuật xẩm tàu điện, gắn kết hai đối tượng khán giả của xẩm và khán giả nghe nhạc nhẹ của Thu Phương. Khi làm nghề phải có chút tính toán làm sao cho hiệu quả và tiếp cận được rộng rãi công chúng.

- Nhưng có một vấn đề là, phát triển không cẩn thận sẽ làm sai lệch những giá trị truyền thống. Vậy theo anh, làm thế nào để âm nhạc truyền thống tiếp cận được với những người trẻ mà không làm mất đi cái gốc của nó?

- Muốn làm mới và phát triển, chúng ta cần phải hiểu tường tận cái gốc như thế nào, bài bản ra làm sao, tinh thần của nó thế nào để làm mới cho đúng. Nếu chúng ta nhận diện bản gốc sai rồi làm mới và phát triển theo kiểu dự án hoành tráng hoặc phong trào là chết. Quan họ và cải lương là nghệ thuật đại chúng trong quá khứ, chúng ta có thể phát triển rộng được nhưng với những nghệ thuật đặc thù như hát xoan và ca trù thì không nên. Cần có cú huých tôn vinh các nghệ sĩ gạo cội để họ giữ lửa và truyền lửa cho người trẻ.

Thiếu chính sách hỗ trợ phát triển

- Như anh nói, thì chúng ta đang thiếu những người truyền lửa?

- Chúng ta đang có một cộng đồng không phải là nhiều nhưng đang phát triển dần. Với xẩm, những năm gần đây có nhiều tín hiệu lạc quan về sức lan tỏa. Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu… dù cộng đồng chưa đến 100 người, nhưng đó là tín hiệu mừng. Ðể có thành quả như vậy sau một thời gian ngắt quãng phải kể đến nỗ lực của giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Giang, nhạc sĩ Thao Giang, nghệ sĩ Thanh Bình, NSND Xuân Hoạch, nghệ sĩ Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa… đã cùng nhau thắp lên ngọn lửa tình yêu văn hóa dân gian, để các bạn trẻ hiểu và thích.

Với nhóm xẩm Hà Thành, chúng tôi luôn chú trọng khai thác yếu tố mới để làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật hát xẩm nói riêng và nghệ thuật cổ truyền nói chung vì người trẻ cần có cái mới để nghe. Tuy nhiên, có những loại hình không tiếp cận được nhiều bạn trẻ vì thiếu người thắp lửa. Có những loại hình nghệ thuật đang bị phong trào hóa do sự tác động của chính sách như ca trù. Chúng ta cần những người truyền lửa.

- Thực tế, nguồn kinh phí đầu tư phục hồi, bảo tồn âm nhạc truyền thống cũng rất lớn đấy chứ?

- Xẩm khá thành công trong hành trình đưa loại hình này đến với các bạn trẻ. Nhưng đó mới chỉ là nỗ lực của các cá nhân yêu xẩm. Sức lan tỏa của nó sẽ lớn hơn nếu có sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước. Trong thời đại mới, chúng ta phải có sự nhanh nhạy, kết hợp của nhiều yếu tố như chúng tôi đang làm với xẩm, vừa có lý luận, vừa nghiên cứu, biểu diễn và có tư duy tổ chức truyền thông. Các cụ vẫn nói “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ? -Không xưng danh ai biết là ai”. Có nhiều nghệ sĩ tài năng, âm thầm nhiều năm bảo tồn âm nhạc truyền thống nhưng chưa biết cách đưa nó ra ánh sáng, để tiếp cận rộng rãi với đời sống. Tuy nhiên, để thành cái gì đó còn phụ thuộc vào các nhà xây dựng chính sách. Bây giờ mọi người gần như làm vì yêu thích, không có chế độ gì. Nguồn đầu tư cho văn hóa truyền thống lớn nhưng dồn vào các dự án, hầu hết là các dự án phục hồi và kinh phí nghiên cứu. Phần quan trọng là phát triển nó trong đời sống thì lại chưa được chú ý đúng mức.

- Anh có tự tin và lạc quan trên con đường của mình, rằng âm nhạc truyền thống sẽ tìm được nhiều hơn nữa những khán giả trẻ?

- Tôi chỉ lạc quan với việc là luôn luôn có những người trẻ yêu và nghe âm nhạc truyền thống, nhưng chưa nhiều. Nhưng để lan tỏa rộng hơn, chúng ta phải có chiến lược đào tạo lớp nghệ sĩ tinh để giữ nghề; chiến lược xây dựng, nghiên cứu nghệ thuật truyền thống đúng bản sắc của nó và chiến lược xây dựng lớp khán giả hiểu về văn hóa truyền thống, hiểu về văn hóa đương đại, được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc. Âm nhạc là cánh cửa mở ra nhiều giá trị trong đời sống, nó làm cho con người trở nên lương thiện, có văn hóa hơn. Nhưng hiện nay chúng ta thiếu một chính sách dài hơi. Chúng ta đừng làm dự án theo kiểu đầu voi đuôi chuột, phải là dự án thật sự hữu ích. Cần nhiều hoạt động đi vào thực chất, làm sống lại không gian văn hóa truyền thống, nâng cao các giá trị, tạo môi trường, điều kiện cho bạn trẻ tiếp xúc thường xuyên. Chúng ta phải ưu tiên phát triển lớp khán giả trẻ, từ đó có thêm nhiều người yêu âm nhạc truyền thống. Bảo tồn chỉ có giá trị lịch sử. Mất đi không gian sống, nghệ thuật cũng sẽ mai một.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.