Nhạc sĩ Minh Quang:

Âm nhạc thổi bùng lòng tự tôn, tự hào dân tộc

Cùng với những giá trị giải trí và nâng cao thẩm mỹ, nhiều sáng tạo văn hóa - nghệ thuật đã góp phần không nhỏ tạo nên nhận thức mang ý nghĩa giáo dục tinh thần công dân cho người Việt trong từng giai đoạn lịch sử. Từ góc nhìn của một người đã có nhiều đóng góp trong âm nhạc, nhạc sĩ Minh Quang cho rằng, những nghệ sĩ trẻ hôm nay đang tiếp nối mạch chảy đó rất có ý thức, cống hiến và đang tạo nên những giá trị mới của thời đại.

Nhiều nghệ sĩ trẻ nâng niu, trân trọng những giá trị cũ và mang nó vào đời sống hôm nay một cách mới mẻ.
Nhiều nghệ sĩ trẻ nâng niu, trân trọng những giá trị cũ và mang nó vào đời sống hôm nay một cách mới mẻ.

“Đóng gói” thành tựu và tiếp tục những công việc mới

- Thưa nhạc sĩ, ông là người làm âm nhạc trưởng thành trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và có nhiều thành tựu mà giới nghệ sĩ trẻ hôm nay nhìn vào không thể không ngưỡng mộ. Ở tuổi 70 ông có còn sáng tác hay đã bằng lòng với những gì mình đã làm được trong quá khứ, để “nhường đường” cho lớp trẻ?

- Tôi không nghĩ mình sẽ dừng lại ở tuổi nào cả. Tôi vẫn đang đi trên đường, tầm mắt vẫn hướng về tương lai. Những thành tựu đã có tôi “đóng gói” rồi, để đó và tiếp tục những công việc mới. Tôi không phải kiểu người làm nghệ thuật cứ ngồi đó mà ngắm nghía, tự hào về quá khứ đã qua. Tôi luôn quan niệm, người nghệ sĩ phải đi cùng, thậm chí đi trước thời đại mình, phải biết quên những cái đã làm trước đó đi, thì mới có thể tiếp tục. Tôi vẫn luôn đi cùng lớp trẻ, cập nhật những xu hướng mới, cố gắng làm việc “hài hòa” với lớp trẻ, không bị tụt lại phía sau, không bị lạc hậu. Nghệ thuật có muôn vàn nẻo đường, mỗi người một phong cách, một lựa chọn, tôi không cần tỏ vẻ cao đạo “nhường đường” cho lớp trẻ, và chắc chắn lớp trẻ cũng không cần tôi phải “nhường đường”, vì họ có con đường của họ.

8_06-1597932023954.jpg
 Nhạc sĩ Minh Quang sinh năm 1951. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng gắn với người lính như Hoa sim biên giới, Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp-sa-ra, Cây đàn ghi-ta một dây, Sông Lô chiều cuối năm, Hoa ban, Bài ca biển, Chiếc lá nhỏ, Kỷ niệm đầu tiên... Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

- Thường xuyên làm việc, tiếp xúc với giới trẻ, ông nhận xét gì về lớp nghệ sĩ hôm nay?

- Riêng trong lĩnh vực âm nhạc mà tôi đang hoạt động, tôi thấy lớp trẻ hôm nay rất giỏi nghề. Họ có ý thức dấn thân vào đời sống. Trong sáng tác của lớp nhạc sĩ trẻ, mọi thứ của đời sống đều có thể được đưa vào, không né tránh, với một ngôn ngữ và cách thức biểu đạt rất gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Thế hệ chúng tôi vì phải tập trung cho cuộc chiến tranh nên các sáng tác thường chủ yếu hướng vào một số đề tài mà quên đi những đề tài phụ, những vấn đề nhỏ, ngóc ngách trong đời sống nhưng không kém phần thú vị. Giới trẻ làm nghệ thuật hôm nay dường như đã “ngộ” ra mình thiếu gì, và phải làm “một cái gì đó” để chứng tỏ dấu ấn cho tuổi trẻ của mình, cho thời đại mình. Nhìn vào các sáng tác của họ, tôi thấy họ đang viết một câu chuyện riêng cho thời đại mà họ làm chủ, điều này rất đáng quý, rất đáng trân trọng.

Hãy nhìn lại những năm tháng vừa qua mà xem, lớp trẻ đã làm nhiều việc khiến cộng đồng phải tự hào. Họ hiểu được trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước dân tộc, hăng hái, nhiệt tình, biết sử dụng nghệ thuật như một sức mạnh để cổ vũ cộng đồng cùng nhau nắm tay vượt qua những thời khắc khó khăn, thử thách. Thí dụ trong thời gian đại dịch Covid-19 đang diễn ra, những ca khúc như “Ghen Cô Vy” hay “Tự hào Việt Nam” và nhiều ca khúc khác của các nhạc sĩ trẻ đã khơi dậy cho chúng ta niềm tin, niềm tự hào dân tộc, tinh thần công dân sâu sắc.
 
- Ở đâu đó trong thế hệ của ông, vẫn có những người chưa đặt niềm tin vào lớp trẻ và vẫn muốn “xoa đầu” lớp trẻ, ông nghĩ sao về điều này?

- Việc người lớp cũ ôm khư khư những giá trị thời mình, không chịu thừa nhận những giá trị mới là biểu hiện của sự thủ cựu, rất khó cho sự phát triển chung của cả nền nghệ thuật. Dù muốn hay không, tương lai luôn thuộc về lớp trẻ. Ngay cả không có sự thừa nhận của thế hệ trước đi nữa thì giới trẻ vẫn trưởng thành, vẫn tự viết nên những giá trị của thế hệ mình, đó là quy luật. Nhưng nếu có sự đồng hành của thế hệ đi trước, con đường của lớp trẻ sẽ trở nên đẹp hơn, tự tin hơn. Đặt niềm tin vào lớp trẻ tức là đặt niềm tin vào tương lai. Đó cũng chính là trách nhiệm của thế hệ đi trước. 

Những giá trị thật sẽ còn lại với thời gian

- So với thời của ông, cái gọi là “tinh thần công dân” của nghệ sĩ trẻ hôm nay liệu có “đậm đặc” bằng?

- Mỗi thời đại có những câu chuyện khác nhau do hoàn cảnh lịch sử mang lại. Và theo quan sát của tôi, “tinh thần công dân” trong tác phẩm của lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay cũng “đậm đặc” không kém gì thời của chúng tôi, thời mà những nghệ sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng ra chiến trường. Với mọi sự kiện, diễn biến của đời sống, nghệ sĩ trẻ đều nhiệt tình tham gia vào, không né tránh, từ vấn đề biển đảo, vấn đề chủ quyền quốc gia đến nhiều vấn đề khác như tham nhũng, ô nhiễm môi trường… Không chỉ vậy, họ còn có tham vọng “mở mang bờ cõi” về văn hóa, nhằm đưa âm nhạc Việt, văn hóa Việt đi xa, hòa nhập vào dòng chảy chung của thế giới. Và chính là họ, bằng tác phẩm của mình đã trực tiếp hay gián tiếp khơi dậy tinh thần công dân cho người Việt. Tác phẩm của họ đã thổi bùng lòng tự tôn, tự hào dân tộc trong công chúng, điều này chúng ta đã nhìn thấy từ những ngày cả nước gồng mình chống dịch Covid-19.

- Ông nhận thấy lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay tiếp nhận những bài học từ thế hệ đi trước ra sao và cách mà họ dùng âm nhạc để cổ vũ tinh thần công dân cho khán giả như thế nào?

- Có thể có một số người nhìn những hiện tượng bề ngoài mà đánh giá rằng giới trẻ hôm nay sống hời hợt, bỏ quên truyền thống, không chịu học hỏi, tiếp nối những bài học từ thế hệ cha anh đi trước. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Chỉ là lớp trẻ hôm nay đang quan tâm nhiều hơn đến những câu chuyện thế hệ mình, thời đại mình, điều này không có gì sai cả, nếu không muốn nói là vô cùng cần thiết. Những bài học từ truyền thống có thể các bạn đang “tạm” để nó sang một bên, chứ không phải là lãng quên. Và trong những thời điểm đất nước xảy ra những câu chuyện, những vấn đề cấp bách, thì cách mà giới trẻ bộc lộ qua những hành động, sáng tạo của họ đã cho ta thấy những bài học trong quá khứ như nguồn mạch vẫn luôn chảy trong trái tim họ, dẫn lối cho tinh thần công dân của họ để phụng sự nhân dân, phục vụ công chúng. Trong nhạc trẻ hôm nay có nhiều ca khúc rất hay, có sức cổ vũ tinh thần công dân rất lớn. Có thể nhìn rõ từ những chương trình có sự tiếp nối của lớp nghệ sĩ trẻ trong việc nâng niu, trân trọng những giá trị cũ và mang nó vào đời sống hôm nay một cách mới mẻ.

- Vậy ý kiến của ông ra sao trước nhận xét cho rằng thị trường nhạc trẻ hiện nay rất hỗn tạp, nhất là thị trường nhạc số?

- Tôi biết nhiều người trong chúng ta đang tỏ ra thất vọng vì cho rằng nhạc trẻ dường như nhiều cỏ rác hơn là hoa. Với tôi, cứ trong 10 bài hát mới ra đời có một đến hai bài hay đã là một tỷ lệ rất được rồi. “Cỏ dại” chúng ta đang thấy nhiều là bởi internet đã tạo cơ hội cho nhiều người được thể hiện mình qua nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Điều này khác hẳn với thời của chúng tôi, viết ra một bài hát đã khó nhưng để có được cơ hội mang bài hát đó đến công chúng còn khó hơn nhiều. Chúng ta không nên hoang mang trước sự phát triển tất yếu của thị trường âm nhạc hôm nay, mà nên vững tin rằng, những giá trị thật sẽ còn lại với thời gian, vững tin vào những đóng góp của những nghệ sĩ trẻ tài năng. Họ là một thế hệ đáng để chúng ta tự hào.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Minh Quang.