Văn học Việt Nam đang khủng hoảng nhân vật trung tâm?

Bàn về vấn đề văn chương Việt Nam đương đại chưa tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do sự thiếu vắng nhân vật trung tâm ngang tầm thời đại. Trong bài viết này, tôi muốn bàn sâu về câu hỏi: Liệu có phải đang “khủng hoảng nhân vật trung tâm” trong văn chương Việt Nam đương đại không, hay đấy chỉ là một ngụy vấn đề?

Hình ảnh người lính được khắc họa nhiều trong văn chương thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hình ảnh người lính được khắc họa nhiều trong văn chương thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các nền văn chương ở mỗi thời kỳ lịch sử, bao giờ cũng sáng tạo ra cho mình những mẫu nhân vật trung tâm. Nhân vật trung tâm của văn chương thường tạo nên những giá trị lớn lao, có sức sống lâu bền, mà mỗi khi nói đến mẫu người ấy, người ta không quá khó để hình dung các mã văn hóa của thời đại lịch sử đã được ký thác trong nó như một thông điệp lịch sử, mang tính vĩnh hằng. Qua các nhân vật trung tâm, những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức và văn hóa của thời đại được chuyển tải một cách nhuần nhụy và sâu rộng đến công chúng. Nhân vật trung tâm trong từng tác phẩm của mỗi tác giả cũng như toàn bộ một nền văn chương của một thời kỳ lịch sử cụ thể chính là sự khúc xạ một cách sâu sắc nhất đời sống vật chất và tinh thần của thời đại đó.

Bàn sâu hơn trong bối cảnh thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao

Trên các diễn đàn văn chương cũng như hai cuộc hội thảo gần đây nhất về “Thơ và những vấn đề về thơ Việt Nam đương đại” và “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tháng 2-2018, với hàng chục bản tham luận, tuyệt nhiên không ai đề cập đến vấn đề thiếu vắng nhân vật trung tâm trong văn chương Việt Nam đương đại. Vậy, phải chăng đang có hiện tượng khủng hoảng nhân vật trung tâm trong lực lượng sáng tác hiện nay, hoặc đó chỉ là một ngụy vấn đề?

Đây là câu hỏi đặt ra với nhiều người trong giới sáng tác, phê bình văn học và cả giới báo chí trong nhiều năm nay. Rõ ràng là hình tượng Anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và người chiến sĩ Giải phóng quân trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã từng thống trị trên văn đàn Việt Nam trong tư cách là nhân vật trung tâm nhiều thập niên, góp phần tạo ra những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, làm nên những đỉnh cao văn chương. Với hai cuộc kháng chiến thần thánh ấy của dân tộc ta đã sản sinh được những người nông dân mặc áo lính nhanh chóng trở thành người chiến sĩ xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc, tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (Lê Anh Xuân). Và cũng vì thế, họ là nhân vật trung tâm của thời kỳ văn chương này như một tất yếu khách quan và sự công bằng của lịch sử. Những nhân vật trung tâm trong hàng loạt tác phẩm văn chương Việt của các “cây đa, cây đề” ở hai thời kỳ này như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hữu Loan, Quang Dũng, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Phan Tứ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật... là những minh chứng sinh động nhất cho điều này.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc chỉ diễn ra vỏn vẹn có 10 năm, từ 1954-1964, các nhà văn vẫn tìm ra được những nhân vật trung tâm cho tác phẩm của mình, dù còn rất sơ lược. Những anh chủ nhiệm trong bài thơ cùng tên của Hoàng Trung Thông: “Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ/ Áo nâu bạc màu bay với gió/ Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh” (Anh chủ nhiệm); hình tượng những thanh niên xung phong lên miền Tây Bắc xây dựng quê hương mới trong bài thơ Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc, hay hình tượng bác nông dân Tuy Kiền trong Tầm nhìn xa và Hãy đi xa hơn nữa của Nguyễn Khải, những người thợ mỏ trong tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm chỉ mang tính cổ vũ cho phong trào lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, không có nhiều giá trị văn chương, nhưng họ đã là những nhân vật trung tâm trong văn chương thời kỳ ấy.

*

Nhưng khi cuộc chiến đã lùi xa khoảng ba chục năm, toàn Đảng và toàn dân ta bắt tay vào xây dựng nền kinh tế Việt Nam giàu mạnh trong xu thế hội nhập quốc tế mới là nhiệm vụ trọng tâm lúc này. Vậy mà trong hầu hết các tác phẩm văn chương của chúng ta hiện nay vẫn thiếu vắng nhân vật trung tâm của thời đại kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, có những nguyên nhân chính sau đây:

Một là, có không ít những người sáng tác, nhất là những cây viết trẻ đang chạy theo xu hướng ngôn tình, bới móc những chuyện đời tư qua các hồi ký, ký ức cá nhân, lấy nhân vật trung tâm là cái tôi của tác giả để bày tỏ những nỗi niềm, bức xúc cá nhân, tính xã hội hạn chế, nên khó tác động đến tư tưởng, tình cảm của cộng đồng độc giả.

Hai là, xu hướng mượn xưa nói nay, là những tác phẩm thuộc đề tài lịch sử và cả những tác phẩm tư liệu lịch sử mà các nhà chuyên môn gọi là cận văn chương. Lại là những ông vua anh minh, ông quan mũ cao áo dài trung thành với chế độ mà họ đang phụng sự, những tướng lĩnh, những người anh hùng trận mạc là những nhân vật trung tâm của tác phẩm, những điều sử sách và tác phẩm văn chương đã từng đề cập đến từ vài thế kỷ nay.

Dường như, tất cả họ đã làm ngơ trước những vấn đề mà cuộc sống đương đại của dân tộc đang đặt ra cho các nhà văn, trong xu thế hội nhập kinh tế và tiếp biến văn hóa ngày càng sâu rộng hơn trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi, nhân vật trung tâm bao giờ cũng là rường cột cơ bản nhất tạo nên diện mạo, tầm vóc và sức lan tỏa của mỗi tác phẩm, tác giả, mỗi thời kỳ và mỗi nền văn chương, cái mà văn chương Việt đương đại hiện vẫn còn thiếu trầm trọng.

Nếu không muốn nói là muộn, thì bây giờ chính là lúc cần bàn sâu và quyết liệt hơn về vấn đề này trong bối cảnh nền văn chương đang thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao. Chưa bao giờ đề tài, chất liệu viết bộn bề phong phú như giai đoạn hiện nay. Nhưng mâm cỗ văn chương vẫn thiếu vắng những nhân vật trung tâm đủ tầm khái quát và tạo sức hút cho những tác phẩm chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc.

Phác họa một số hình mẫu nhân vật trung tâm thời hiện đại

Theo thiển nghĩ cá nhân, văn chương Việt Nam đương đại cần tập trung đầu tư khai thác và xây dựng cho được một số mẫu nhân vật trung tâm của thời kỳ kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Một số mẫu nhân vật trung tâm đó có thể là:

Những chủ doanh nghiệp có tri thức, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo đúng pháp luật, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, làm giàu cho đất nước và làm giàu cho bản thân, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước và cộng đồng.

Hai là, những trí thức trẻ nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đến những vùng đặc biệt khó khăn, đem tài năng, sức trẻ của mình giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giảm nghèo bền vững; hoặc là những trí thức trẻ, không quản ngày đêm, không sợ thua thiệt dám mạnh dạn đầu tư trí tuệ và nhiệt huyết của mình vào những chương trình khởi nghiệp, những mong mang ý tưởng mới tốt đẹp đến với cộng đồng, cùng chung tay phát triển.

Ba là, những người nông dân ở khắp mọi miền của đất nước, dù ít bằng cấp, nhưng vẫn ngày đêm mày mò, nghiên cứu, chế tác các máy công cụ phục vụ sản xuất, thu hoạch và chế biến nông sản phục vụ bà con giảm thiểu sức lao động cơ bắp cũng như sự thất thoát trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản.

Đó là ba mẫu nhân vật trung tâm thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng mà từ góc nhìn của tôi, văn chương Việt Nam đương đại cần quan tâm khai thác để có thể tạo dựng nên những tác phẩm xứng tầm thời đại.

Rất mong mọi người cùng tham gia trao đổi vấn đề thú vị này.