Trong mạch ngầm sáng tạo

Trong dòng chảy đời sống và hoạt động nghệ thuật, cố họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân đã gieo cảm hứng và truyền lan niềm đam mê hội họa, tình yêu thiên nhiên cho các con, cháu. Ðể sau này, mỗi người dù theo trường phái trừu tượng biểu hiện, tối giản hay sáng tạo lô-gô cũng đều tạo nên những dấu ấn riêng.

Cố họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân dạy con cháu rằng, tên tuổi người nghệ sĩ chính là giá trị của tác phẩm.
Cố họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân dạy con cháu rằng, tên tuổi người nghệ sĩ chính là giá trị của tác phẩm.

Từ sự bồi đắp của cha

May mắn được quen biết họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân từ lâu, tôi luôn kính nể ông ở cách dạy con, cháu về lẽ sống và sự xúc động trước cái đẹp để theo con đường sáng tạo nghệ thuật một cách tự nhiên. Ba trong sáu người con của ông bà là họa sĩ Nguyễn Thủy Liên, Nguyễn Quốc Vinh, Nguyễn Mai Hương hiện nay đều là những họa sĩ nổi tiếng bởi được người cha giản dị khiêm tốn dạy cho đức khiêm nhường và tinh thần tự học. Ðến đời các cháu, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Trí Ðức, Nguyễn Thu An, Nguyễn Anh Thư cũng trở thành những gương mặt họa sĩ trẻ năng động, giàu nội lực sáng tạo, tham dự nhiều triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế. Hiếm có một gia đình có nhiều họa sĩ như thế.

Họa sĩ Nguyễn Thủy Liên tâm sự: "Cha không dạy các con phải vẽ thế này, vẽ thế kia. Ông dạy các con bằng sự cần mẫn, xúc cảm sáng tạo của bản thân mình, đồng thời dạy cho các con yêu cái đẹp từ chính những vần thơ".

Cũng nhờ cha, thừa hưởng không chỉ cái gien và tình yêu hội họa từ cha, họa sĩ Mai Hương cho rằng, cha mình đã "cấy" tình yêu sách vở, hội họa cho con khi ông đã xây dựng được một thư viện nhỏ ngay trong gia đình. "Chúng tôi không chỉ tự hào về dòng họ, truyền thống gia đình, mà còn được thừa hưởng giá trị từ chính tâm hồn cha tôi. Ông đã ngân lên những giai điệu về cái đẹp. Tôi nghĩ giá trị của cái đẹp chính là khi người nghệ sĩ "nói" bằng tác phẩm, và người khác nhận về xúc cảm. Bố tôi đã truyền cho chúng tôi và thế hệ sau nữa những điều đó".

Nguyễn Thủy Tuân sinh năm 1927, quê gốc thôn Du Lâm Nội, phủ Ðông Ngàn, xứ Kinh Bắc (nay là xã Mai Lâm, huyện Ðông Anh, TP Hà Nội). Ông tốt nghiệp Khoa Toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, là một trong những họa sĩ vẽ tranh cổ động nổi tiếng, và là hậu duệ đời thứ 30 của Vua Lý Thái Tổ. Suốt gần 40 năm công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội, là quãng thời gian ông cống hiến không mệt mỏi về thông tin cổ động, để lại không chỉ những giá trị về tranh cổ động, tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ và viết sách nghiên cứu.

Phong cách hội họa của cố họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân ở mảng sơn dầu, là theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Ðông Việt Nam. Nhiều họa sĩ sau này đánh giá, ông thường sử dụng cả hai thủ pháp gợi và tả, không vẽ trên cái thấy thường tình, mà vẽ theo cái thuộc, cái cảm. Phong cách ấy cũng ảnh hưởng đến các con, cháu sau này, là vẽ về cái cảm thấy chứ không phải theo cái nhìn thấy. Trong ba người con thì chỉ có họa sĩ Nguyễn Quốc Vinh vẽ dòng tranh cổ động, nhưng anh luôn biết cách làm mới mình.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Vinh cho rằng, ở mảng tranh khắc gỗ, cha mình đã tiếp thu nét tinh hoa của nghệ thuật khắc gỗ truyền thống bằng hệ thống nét đen, không gian ước lệ kết hợp hài hòa với hình thức tạo hình hiện đại trong xử lý bố cục, không gian, diễn hình, diễn màu để làm nên những bức tranh vừa mộc mạc chân quê vừa tinh tế và hiện đại. Ðiều đó tác động trực tiếp đến thị giác và cảm xúc trong sâu thẳm tâm hồn của người xem. Phong cách của cha cũng giúp Quốc Vinh sau này có cách biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng mình.

Trong mạch ngầm sáng tạo ảnh 1

Mai Hương luôn quan niệm nên vẽ bằng cái cảm thấy chứ không phải cái nhìn thấy.

Ðến sự đa dạng phong cách

Cố họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân luôn khiêm tốn, làm việc hết mình. Noi gương cha mình, sau này họa sĩ Mai Hương, Nguyễn Thủy Liên và các họa sĩ khác trong gia đình đều chọn cách sống, làm việc không khoa trương, đại ngôn, nhưng mỗi người vẫn xây dựng cho mình một phong cách riêng, tạo nên những gương mặt hội họa, làm đa dạng phong cách của gia đình nghệ thuật. Như Mai Hương là một nữ họa sĩ cá tính, với dòng tranh giàu chất suy cảm, mơ màng, có sự chuyển động uyển chuyển. Nhiều tác phẩm có điểm nhấn trong sự hòa sắc của tình yêu với thiên nhiên. Ðặc biệt, ở mảng tranh về phố, người xem tranh chị thêm một lần được nhớ về những con ngõ nhỏ, lẩn khuất, những ngôi nhà có mái ngói lô xô. Nhiều họa sĩ đánh giá, tranh Mai Hương diễn tả cảm xúc đa chiều, có nét cô đơn, ảo mờ sương khói nhưng không cô liêu và vẫn ánh lên những sắc thắm hy vọng, như cảnh sắc được vén một màn sương sau buổi sớm bình minh.

Phải khẳng định tranh Mai Hương kén người xem. Chị vẽ theo lối trừu tượng biểu hiện. Chị có những nét sáng tạo khi đưa được chất liệu của đời sống vào tranh. Ðó có thể là những sợi lanh, hay dải lụa màu vàng… hoặc đây đó là chiếc chuông, chiếc nón được gắn vào tranh tạo nên sự hòa cảm bất ngờ và gần gũi với người xem. Rồi lại có khi vỏ sò, mảnh ốc long lanh ánh mầu, đem lại chất thơ hiện thực giàu sức tạo hình. Như bức "Biển thức" được lưu giữ tại Bảo tàng Ấn Ðộ trong dịp chị tham gia Triển lãm - hội thảo Mỹ thuật quốc tế Olympia (Olympia fine art international exhibition and symposium), trên cái nền đen mênh mông của biển, là những đốm sắc mầu hiện lên. Chị bảo rằng, bản thân thích vẽ cảm xúc về biển, vẽ về cái mình không nhìn thấy, chứ không phải đi tả thực về biển. Hay bức "Sông Hồng mùa lũ" là một điển hình, chị căng sợi dây thép để thể hiện chiếc cầu Long Biên bắc ngang sông Hồng. Khi lũ về, dòng nước cuồn cuộn dâng trào, sóng tung lên những cơn dữ dội, thì cây cầu kia bỗng trở nên mong manh làm sao. Rồi trong bức "Tơ" đoạt giải xuất sắc, tại Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 20 tại Hàn Quốc của Mai Hương. Chị đã đưa một dải lụa thật vào trong tranh mà người xem không dễ nhận ra.

Khác với em gái và cha mình, họa sĩ Nguyễn Thủy Liên lại chọn con đường khác. Bình thường nhắc đến họa sĩ, người ta nhắc đến tranh, nhưng Thủy Liên lại được nhắc đến với thương hiệu lô-gô và biểu trưng. Một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, mà người thiết kế phải tìm được hình tượng vừa dễ hiểu, dễ truyền đạt, gần gũi với số đông công chúng mà lại phải mang tính khái quát cao. Nguyễn Thủy Liên đã đạt được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Các sáng tác của ông được nhiều người biết như lô-gô của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Báo Hà Nội mới, thành phố Ðà Nẵng, thành phố Tam Ðiệp, Ban Dân vận Trung ương, Ðảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Hội Thầy thuốc Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam,…

Dù đạt nhiều thành công, nhưng họa sĩ Nguyễn Thủy Liên cho rằng, ông đến với sáng tạo lô-gô, biểu trưng là do trời định. "Năm 1989 đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp, tôi được giải nhất lô-gô và tranh cổ động cho chương trình Thanh niên Dân số và Gia đình. Tôi vẽ hai trái tim nằm cạnh nhau, trên đó hai chú chim non cách điệu, vừa nói được vấn đề dân số, những chồi non tương lai vừa ngầm truyền tải thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng chỉ dừng lại ở hai con. Từ đó tôi đã sáng tạo nhiều lô-gô hơn", Nguyễn Thủy Liên tâm sự.

Xét đến cùng, sáng tạo lô-gô, biểu trưng cũng là sáng tạo cái đẹp, công việc ấy đòi hỏi phải mang tính khái quát cao, có sự nhạy cảm. Họa sĩ Nguyễn Thủy Liên nhấn mạnh: "Lúc nào tôi cũng học như cha tôi ngày trước. Nếu chỉ có khiếu hội họa thôi chưa đủ, cần phải có nguồn tri thức dồi dào và một trái tim nhạy cảm".

Tiếp nối truyền thống từ ông và cha mẹ, thế hệ các cháu của họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân cũng thành đạt và tiếp tục dấn thân cho con đường nghệ thuật. Nguyễn Thu Thủy là con gái Nguyễn Thủy Liên đang tiếp nối nghiệp cha và rất thành công với việc sáng tác lô-gô. Còn Nguyễn Anh Thư, con gái họa sĩ Mai Hương là họa sĩ trẻ nhất được đọc tham luận tại Biennale nghệ thuật Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 6. Hiện tại, Anh Thư đang có tranh tham gia tại các triển lãm ở Hung-ga-ri. Gần đây nhất, cô đã tham gia Triển lãm tranh quốc tế "Meadows Personal Structure" tại I-ta-li-a. Ðể thành công như hôm nay, Anh Thư được ông ngoại và mẹ trao truyền tình yêu hội họa. Thời niên thiếu, cô còn được ông ngoại tặng bộ sách quý hiếm về nghệ thuật, với giá trị bằng cả một gia tài, như là cách nhắn nhủ cho một cá tính mà họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân sớm nhận ra.

Học ông rồi học cha, học mẹ, thế hệ con, cháu của họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân và bà Lê Thị Nga (vợ ông) luôn tự hào về truyền thống gia đình, tự nhắc nhở mình phải cố gắng vươn lên. Trong hoạt động sáng tạo, tất thảy đều cố gắng đứng trên đôi chân của mình và gặt hái những thành công, hiến dâng sức mình làm đẹp cho đời.