Những cách nhìn khác về nhân vật trung tâm

LTS - Sau những phân tích, kiến giải của các tác giả về vấn đề Nhân vật trung tâm trong văn chương Việt Nam đương đại, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm, trao đổi của các nhà phê bình văn học. Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu cùng bạn đọc một ý kiến với góc nhìn khá nhiều chiều.

Những cách nhìn khác về nhân vật trung tâm

1 Trước hết, tôi tán thành với Đỗ Ngọc Yên trong việc hình dung về nhân vật trung tâm: mẫu hình con người của cộng đồng, thời đại. Từ đó, soi chiếu vào các giai đoạn văn chương trước đây, nhân vật trung tâm của văn chương chống Pháp và chống Mỹ (người lính vệ quốc và Anh Bộ đội Cụ Hồ), văn chương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc (anh chủ nhiệm, bác nông dân, người thợ mỏ…). Điều này không khó nhận ra, bởi lẽ, văn chương thời chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1945 - 1975), tập trung cho nhiệm vụ trung tâm là đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói chính là sau khi nêu lên những hình tượng - nhân vật trung tâm của văn chương thời kỳ trước, Đỗ Ngọc Yên nêu lên vấn đề: Văn chương Việt Nam đương đại đang thiếu vắng nhân vật trung tâm, xem đó là sự khủng hoảng của văn chương. Tác giả phân tích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: người viết trẻ chạy theo ngôn tình, xoáy vào cái tôi cá nhân cực đoan, đào khoét, phanh phui các hồi ký hay những câu chuyện lịch sử xa xưa… Từ đó ông đi đến kết luận: “Dường như, tất cả họ đã làm ngơ trước những vấn đề mà cuộc sống đương đại của dân tộc đang đặt ra cho các nhà văn, trong xu thế hội nhập kinh tế và tiếp biến văn hóa ngày càng sâu rộng hơn trên phạm vi toàn cầu”. Đây chính là chỗ chúng tôi nhận thấy nhiều điều cần trao đổi.

Thứ nhất, xét từ góc độ cấu trúc lịch sử - xã hội, sau 1975, đặc biệt là sau 1986, đất nước thống nhất, tiến hành đổi mới, hội nhập và toàn cầu hóa, đó là bối cảnh cho phép các khả năng được triển nở. Về mặt nhiệm vụ chính trị, lúc này đất nước hòa bình, chiến tranh không còn là câu chuyện chính yếu của các diễn đàn. Thay vào đó là công cuộc tái thiết, đổi mới, dựng xây, phát triển đất nước. Sự thay đổi nhiệm vụ trung tâm dẫn đến sự thay đổi nhân vật trung tâm. Mà bản chất, nhiệm vụ trung tâm lúc này cũng rất đa dạng, bề bộn, phong phú. Đó là một cấu trúc mở của xã hội trong động thái tiếp thông với thế giới, hướng đến mô hình toàn cầu hóa.

Thứ hai: Sự bung ra của các lực lượng, thành phần xã hội, các điều kiện sống phong phú, sinh động gắn với bản chất đời tư thế sự, tính chất bề bộn, ngổn ngang của nhiều mối bận tâm đã lấy đi thời gian của con người đương đại. Phải thẳng thắn nhận thức rằng, các nhân vật trung tâm của văn chương giai đoạn trước đã bị cạnh tranh một cách trực tiếp và khắc nghiệt từ những hình tượng mới của cuộc sống đương đại. Bên cạnh hình tượng người lính, người nông dân, người thợ mỏ, nền văn học của chúng ta có thêm rất nhiều hình tượng khác, người nghệ sĩ, doanh nhân, học sinh, sinh viên, việt kiều, người nhập cư, những công dân nước ngoài… Mặt khác, con người đương đại cũng dũng cảm nhận ra các chiều kích tiêu cực, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về xã hội hậu chiến.

Thứ ba: Bất kể là ai, bất kể trong hoàn cảnh hay địa vị nào, chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, nghề nghiệp… đều có thể trở thành mối bận tâm sâu sắc của văn chương. Như thế, nói không có nhân vật trung tâm thực ra là suy nghĩ chưa thấu đáo, về bản chất của văn chương và đời sống. Nhân vật trung tâm của văn chương chính là con người, tính người vậy.

2 Trong cái nhìn biện chứng về sự phát triển của đời sống, xã hội và văn chương, nhân vật trung tâm có thể xuất hiện trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, gắn với đặc điểm của quốc gia, dân tộc, cùng các sự kiện, biến cố trọng đại mà cộng đồng ấy trải qua. Nhưng, điều đó không có nghĩa là thời nào văn chương cũng phải có nhân vật trung tâm. Nhân vật trung tâm của văn chương, vượt lên trên những ranh giới, thời đoạn hay các áp chế lịch sử, là CON NGƯỜI - TÍNH NGƯỜI (chúng tôi lưu ý, ngay cả khi văn chương xây dựng các hình tượng không phải con người - con vật, đồ vật,… thì nhãn quan nhân loại, nhân tính vẫn là yếu tố chi phối một cách toàn diện). Nền văn chương của chúng ta chưa có những tác phẩm lớn, đỉnh cao, khái quát được tinh thần thời đại, thu hút được cộng đồng không phải vì chúng ta thiếu nhân vật trung tâm, mà vì một nền văn chương chưa đi đến tận cùng, chưa chạm đến cái lõi phổ quát phận người. Một số phác họa mẫu hình nhân vật trung tâm của văn chương hiện đại (Đỗ Ngọc Yên đề xuất) như: doanh nhân có tài, có tâm, trí thức trẻ hăng hái cống hiến dựng xây, người nông dân hay lam hay làm, tự sáng chế các máy móc nông cụ phục vụ công việc nhà nông,… có thể trở thành những nhân vật xứng đáng của văn chương, nhưng không nhất thiết phải là trung tâm. Còn bao nhiêu cuộc đời, số phận, bao nhiêu những bận tâm đầy nhân bản khác mà văn chương nghệ thuật cần ghé đến, cần phô bày. Chúng ta khó có thể liệt kê hết hay giải thích được vì sao họ không xứng đáng là nhân vật trung tâm. Nói như vậy để hiểu rằng, một khi vẫn còn đóng khung tư duy văn chương vào các phạm trù cứng nhắc, nhận diện vấn đề một cách siêu hình, người ta dễ âu lo vì những điều chưa hẳn đã đáng lo âu.

3 Trong động thái có tính trao đổi với Đỗ Ngọc Yên, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang đã có bài Nhân vật trung tâm cần được hiểu như thế nào?. Chúng tôi cũng xin có đôi lời bàn thêm cùng tác giả, với tinh thần hướng đến một nhận thức sáng rõ hơn.

Trước hết, chúng tôi không tán thành quan điểm của Ngô Hương Giang khi đánh đồng những hành vi lợi dụng lý luận giải thiêng, phi trung tâm vào thực hành văn chương. Chúng tôi muốn nhấn mạnh, văn chương trong xu thế toàn cầu hóa buộc phải chấp nhận cuộc chơi bình đẳng, và ở đó, nhân vật trung tâm (như một hiện tượng xã hội) không tránh khỏi cơ chế cạnh tranh trực tiếp, khắc nghiệt từ các hiện tượng xã hội khác. Điều đó như là một quy luật dẫn đến việc văn chương thiếu vắng nhân vật trung tâm. Dường như, Ngô Hương Giang đã nhầm giữa nhân vật trung tâm trong văn chương, nhân vật trung tâm trong tác phẩm và nhân vật trung tâm như một mẫu hình con người xã hội.

Đúng là, tác phẩm nào cũng có nhân vật trung tâm, bởi đó là nơi tập trung tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Nhưng, nhân vật trung tâm của văn chương khác với nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong nhiều tác phẩm văn chương đương đại, có nhân vật trung tâm, nhưng nó không làm thành nhân vật trung tâm của văn chương đương đại. Thời đánh Mỹ, nhân vật trung tâm trong tác phẩm của Tố Hữu, Nguyễn Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu… vẫn đồng nhất với nhân vật trung tâm của thời đại cách mạng: Anh giải phóng quân. Văn chương đương đại không đặt ra câu chuyện đó. Toàn cầu hóa đã tạo ra những sắc thái đa dạng, khác biệt và nghịch lý. Do vậy, trong cảm quan sống của con người đương đại, nhân vật trung tâm của xã hội, nhân vật trung tâm của văn chương, có thể không còn địa vị quan trọng, thiết yếu. Dĩ nhiên, nhân vật trung tâm trong tác phẩm thì vẫn còn dù dưới hình thức nào. Xin thưa, bốn đề xuất của Ngô Hương Giang là bốn cách thức tạo nên nhân vật trung tâm trong tác phẩm, nó không phải là xu hướng hình thành nhân vật trung tâm của văn chương.

Tóm lại, nếu Đỗ Ngọc Yên tỏ ra khá cứng nhắc và siêu hình khi đòi hỏi cần phải có nhân vật trung tâm trong văn chương đương đại như là một hình thái biểu hiện nhân vật trung tâm của đời sống xã hội thì Ngô Hương Giang lại nhầm lẫn giữa nhân vật trung tâm của văn chương với nhân vật trung tâm trong tác phẩm, giữa đối tượng (nhân vật trung tâm trong văn chương) và phương pháp (cách thức tạo thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm). Trong tính biện chứng của tồn tại và vận động, trong sứ mệnh nhân văn cao cả mà văn chương hướng đến, dù là trung tâm hay không phải trung tâm, điều cốt yếu nhất vẫn là phẩm tính nghệ thuật làm hiện hình giá trị con người.