Định vị thương hiệu quốc gia bằng văn học

Việt Nam là một quốc gia giàu bản sắc văn hóa. Chúng ta có rất nhiều chuyện cần phải kể, và các câu chuyện đó giúp định vị được thương hiệu Việt Nam trong lòng bạn đọc quốc tế. Nhưng làm thế nào để đưa các tác phẩm văn học của Việt Nam đến với thế giới?

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, tháng 3-2015.
Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, tháng 3-2015.

Con gái tôi vừa hoàn thành chương trình lớp 9 tại trường quốc tế Ma-nila (Phi-li-pin). Ngày cuối cùng của năm học vừa rồi, cháu hồ hởi đưa cho tôi một danh sách các tác phẩm văn học mà thầy giáo yêu cầu các học sinh phải đọc trong mùa hè. Cháu hồ hởi vì trong danh sách dài dằng dặc-bao gồm các tác phẩm văn học nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới-có một tiểu thuyết Việt Nam. Rút quyển tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh từ giá sách và đưa cho con gái đọc, tôi vừa mừng vừa buồn. Mừng vì Việt Nam có tác phẩm được đưa vào chương trình học quốc tế, nhưng buồn vì trong khi các nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pa-ki-xtan (Pakistan)... ngày càng có nhiều các tác phẩm văn học làm nức lòng bạn đọc thế giới, chúng ta dường như vẫn “dậm chân tại chỗ” trong việc dịch, in ấn và quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị lâu bền. “Tôi đang rất tò mò hiểu về một Việt Nam hòa bình và hướng về phía trước. Hiện tại, hầu như tôi chỉ biết về một Việt Nam trong chiến tranh thôi”. Một người Mỹ sống ở Niu Oóc (New York) – ông Giôn Man-kơ (John Mahnke) đã nói với tôi như thế. Tôi gặp ông Man-kơ và rất nhiều người Mỹ yêu Việt Nam khác ở Át-lan-ta (Atlanta), Niu Mê-hi-cô (New Mexico), Rô-che-xtơ (Rochester) và Niu Oóc, khi tôi sang đó đọc thơ theo lời mời của các trường đại học và các trung tâm văn hóa vào tháng 2 và tháng 3 năm 2015. Tôi kinh ngạc vì những buổi đọc thơ của tôi có rất đông người tham dự.

Phần đông trong số họ là những người từng xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, tạo áp lực để Chính phủ Mỹ rút quân và kết thúc chiến tranh. Họ là những người như ông R.Hơ-rơsphiu (Robert Hirschfield), người vẫn còn nhớ tên những địa điểm ở Việt Nam đã bị dội bom và tên những nạn nhân vô tội đã chết trong những trận bom ấy. Ông Hơrơ- sphiu đã kể cho tôi rằng, thay vì những khẩu hiệu, ông và bạn bè đã chọn những tên người, tên phố, tên những ngôi làng đang bị chiến tranh phá hủy. Khi hô vang những cái tên ấy, ông đã cảm thấy như Việt Nam là một phần máu thịt của ông: “Những cuộc biểu tình của chúng tôi, từ phản đối chiến tranh đã hoá thành những cuộc tuần hành ủng hộ Việt Nam”.

Có rất nhiều người bạn của thế giới đã từng ủng hộ Việt Nam như thế, và tôi tự hỏi chúng ta đã làm gì để duy trì tình hữu nghị đó.

Khi ở Át-lan-ta, tôi đã trò chuyện rất lâu với nhà thơ, giáo sư T.Lắc-xơ (Thomas Lux), giám đốc trung tâm thi ca Poetry@ Tech của trường đại học Geogia Tech. Giáo sư Lắc-xơ đã thở dài khi nghe tôi kể về những hiểm họa ở Biển Đông mà Việt Nam đang phải đương đầu. Rồi ông bắt tay tôi, “bằng các tác phẩm văn học của bạn và của các nhà văn Việt Nam, các bạn sẽ lại có được sự ủng hộ của cả thế giới”.

Nhưng làm thế nào để đưa các tác phẩm văn học của Việt Nam đến với thế giới?

Là một người dõi theo đời sống văn học thế giới trong các năm qua, tôi tự nhận thấy văn học Việt Nam dường như đang mất hút trên thị trường văn học quốc tế vốn rất sôi nổi, đầy nhiệt huyết và đang tiến những bước tiến dài. Trong khi các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc đang có những chiến lược bài bản trong việc quảng bá văn học và đầu tư hỗ trợ việc in ấn và xuất bản các tác phẩm của họ ở nước ngoài, chúng ta vẫn loay hoay trong việc quảng bá văn học Việt. Tôi và nhiều nhà văn Việt Nam khác, dù đang sống ở nước ngoài, vẫn hướng về quê hương và mong mỏi được cống hiến tích cực hơn nữa trong các hoạt động quảng bá giới thiệu văn học Việt.

Tôi tin rằng Việt Nam không thiếu những tác phẩm văn học xuất sắc mà chỉ thiếu một cây cầu dịch thuật để đưa các tác phẩm ấy hội nhập với dòng chảy của văn học thế giới. Cây cầu đó chỉ có thể xây được bằng trí tuệ, công sức và tâm huyết của các dịch giả.

Thật tiếc, lực lượng dịch giả, nhất là những người có khả năng chuyển ngữ văn học Việt sang các ngôn ngữ khác, đang vô cùng mỏng manh và cô độc.

Bởi lẽ, dịch văn học là một công việc khó khăn, mạo hiểm, dễ bị bắt lỗi và dễ bị phê phán nên ít ai dám liều lĩnh dấn thân. Những người thông thạo hai hoặc nhiều thứ tiếng có thể sử dụng trí tuệ của mình để làm những công việc khác dễ dàng hơn, có thu nhập cao hơn. Để đẩy mạnh việc xuất khẩu văn học Việt, chúng ta cần đầu tư phát triển cho đội ngũ những người dịch thuật trong và ngoài nước và xây dựng mạng lưới liên kết, để các dịch giả có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Đến Mỹ và nhiều quốc gia, tôi thấy dịch văn học là một chuyên ngành trong rất nhiều các chương trình ở bậc đại học và trên đại học. Phải chăng Việt Nam cần một ngành học như thế để có thể có được những dịch giả văn học thật sự tâm huyết với nghề và có kỹ năng dịch nhuần nhuyễn?

Ngoài ra, để một tác phẩm dịch đến được tay bạn đọc, cần có những cây cầu là những người đại diện văn học (literary agent) và các nhà xuất bản nước ngoài. Sẽ thật hiệu quả nếu ở hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần sau, thay vì mời các nhà văn, nhà thơ các nước, chúng ta mời các đại lý văn học và các nhà xuất bản quốc tế hàng đầu. Tôi tin rằng một khi đã đến và hiểu Việt Nam, họ sẽ nhiệt tình đồng hành cùng chúng ta trong việc giới thiệu văn học Việt ra thế giới.

Thêm vào đó, chúng ta cần có các đại sứ văn học. Thay vì hoạt động quảng bá mang tính lễ hội rình rang, nếu chúng ta đưa những nhà văn có các tác phẩm đã được dịch và in ở nước ngoài đi nói chuyện ở các trường đại học, trung tâm văn hóa nước ngoài... thì chắc chắn họ sẽ đem về rất nhiều cơ hội cho văn học Việt Nam.

Gần đây, khi tôi giới thiệu 16 bài thơ Việt Nam viết về chủ đề “cô/dì” trên tạp chí văn học Mỹ Prairie Schooner - một tạp chí văn học với lịch sử 89 năm phát triển- nhà thơ, giáo sư K.Đo-uy (Kwame Dawes), tổng biên tập của tạp chí đã chia sẻ: “Người Mỹ nói chung biết rất ít về Việt Nam. Thi ca là một trong những con thuyền chuyển tải kiến thức văn hóa một cách sống động, trung thực, sâu sắc, và hiệu quả nhất. Chủ đề “cô/dì” dưới bàn tay sáng tạo của những nhà thơ Việt Nam cho ra đời những tác phẩm giàu về nhạc điệu, cảm động về nội dung và rộng lớn về kiến thức chính trị xã hội. Chúng tôi hiểu về những người phụ nữ cụ thể, những người rất quan trọng đối với mỗi nhà thơ, đồng thời khám phá các tập tục xã hội, truyền thống văn hóa, lịch sử và đời sống tâm linh của người Việt thông qua những bài thơ này”.

Vâng, văn học là một con thuyền sống động và hiệu quả để đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam. Trong một thế giới hội nhập và biến động khó lường, con thuyền văn học ấy cần được chèo chống một cách khéo léo và tài tình, với sự đồng tâm hiệp lực của tất cả những người yêu văn học Việt Nam, dù sống trên hay bên ngoài dải đất hình chữ S.