Cần cái nhìn đa chiều về văn học đại chúng

Sau khi báo Nhân Dân cuối tuần số 28 ra ngày 9-7-2017 đăng bài viết “Những thay đổi trong quan niệm giá trị về văn học đại chúng” của tác giả Tịnh Thy, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc, cùng những phân tích nhiều chiều. Nhằm cung cấp cho bạn đọc những kiến giải mới quanh vấn đề này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, với một góc nhìn khác về văn học đại chúng.

Nhiều tác giả văn học thị trường biết tận dụng hiệu quả của truyền thông.
Nhiều tác giả văn học thị trường biết tận dụng hiệu quả của truyền thông.

Đôi điều cần làm sáng tỏ

Trong khoảng chục năm trở lại đây trên một số diễn đàn, báo, tạp chí, mạng cá nhân người ta bàn luận khá nhiều về văn học đại chúng. Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra khi nhận định, đánh giá thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp quản lý, không ít người cho rằng nó đang có nguy cơ khuynh loát các dòng văn học khác và làm xáo trộn, lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ hôm nay. Đáng chú ý là gần đây, trong bài viết của mình có tiêu đề: “Những thay đổi trong quan niệm giá trị về văn học đại chúng”, tác giả Tịnh Thy đã đưa ra một cái nhìn tương đối sát thực tế, cùng một số ý kiến, nhận định khá táo bạo, rất đáng chia sẻ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề cần được làm sáng tỏ, ngõ hầu đem đến cho công chúng văn chương có một cái nhìn đa chiều. Ở phần hai của bài viết là một nhận định khá khiên cưỡng mà tác giả trích của Từ Sơn: “Trong thời kỳ trước đây, công chúng văn học của chúng ta “thuần” hơn. Ngày ấy người ta không đòi hỏi gì nhiều và thật ra cũng không có điều kiện để đòi hỏi vì chiến tranh, vì khó khăn về giấy má in, vì giao lưu quốc tế chưa mở rộng… Đấy là chưa kể tình trạng “bao cấp” trong phát hành sách làm cho người đọc không có đầy đủ quyền lựa chọn những tác phẩm mà mình yêu thích. Đã có một thời do thói quen phân phối, bao cấp, với giá bán sách rẻ như cho nên in ra bao nhiêu cũng hết dù chất lượng thế nào. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng người viết không quan tâm đầy đủ đến người đọc và người đọc không có đủ quyền đặt hàng cho người viết”.

Chúng ta dễ nhận ra ngay tác giả Tịnh Thy đồng quan điểm với Từ Sơn. Ở đây có hai điểm cần quan tâm là “trong thời kỳ trước đây” ý tác giả muốn nói là thời kỳ chiến tranh. Thế còn thời kỳ hòa bình từ 1954 - 1964 ở miền Bắc và thời kỳ 1975 - 2005, tức là quãng thời gian chưa có sự phát triển ồ ạt của văn học đại chúng, trong cả nước thì sao? Như vậy quãng thời gian tác giả đoạn văn trên đưa ra mà Tịnh Thy dẫn lại là không bao hàm hết những vấn đề của đời sống văn học thời kỳ trước năm 2005.

Sau khi đưa ra một số đặc điểm của văn học “trong thời kỳ trước đây”, do các điều kiện khách quan của thời chiến như in ấn khó khăn, sách bán rẻ, chưa có giao lưu quốc tế... rồi tác giả đoạn văn trên đi đến kết luận: “Vì vậy đã dẫn đến tình trạng người viết không quan tâm đầy đủ đến người đọc và người đọc không có đủ quyền đặt hàng cho người viết” là thiếu tính thuyết phục. Không thể nói do điều kiện khách quan như trên mà dẫn đến việc người viết không quan tâm đến người đọc. Người viết dù có muốn quan tâm, nhưng tài năng, sức lực anh ta chỉ có vậy thì biết làm sao? Ý muốn cá nhân nhà văn là một chuyện, còn việc có thực hiện được ý muốn ấy hay không lại là chuyện khác.

Thử hỏi, ngay cả những nhà văn có tên tuổi đã mấy ai “đi vào đời sống của cái tôi bản thể… phô bày quyền sống, lẽ sống, nhu cầu sống của con người trong từng giây phút hiện sinh” chưa? Có chăng cả đời họ cũng chỉ có được một vài cuốn đạt được tiêu chí này, còn lại vẫn là viết để kiếm sống hoặc viết như một thói quen khó bỏ. Thế thì làm sao đòi hỏi văn học đại chúng có thể làm được điều ấy? Còn ý kiến của Huỳnh Vân mà tác giả bài viết dẫn ra đây là phiến diện. Không phải tất cả các cây bút của văn học đại chúng và bạn đọc trẻ đều: “Đã bị thủ tiêu do chỗ người đọc và tác giả không còn có ý nghĩa chủ thể nữa mà đã bị biến thành phương tiện cho những mục đích ngoài văn học”. Minh chứng là các trường hợp như Nguyễn Nhật Ánh, Vi Thùy Linh, Di Li, Thuận và nhiều người khác đâu có mất “ý nghĩa chủ thể”, mà hơn thế họ còn là những cây bút văn học đại chúng khá nổi tiếng đấy thôi.

Gần cuối bài, tác giả có nhận định: “…Nếu cứ như thế, hệ quả nhãn tiền là chúng ta sẽ chứng kiến một nền văn học mà thực chất không phải là văn học, nhợt nhạt trong những sắc thái hời hợt. Từ đó, những lo ngại về sự xuống cấp của thị hiếu, đời sống tinh thần”. Sự âu lo này chưa có cơ sở và có vẻ thái quá. Sẽ không bao giờ có chuyện phải “chứng kiến một nền văn học mà thực chất không phải là văn học” như tác giả nói. Bởi lẽ, ngoài dòng văn học đại chúng, vẫn còn đấy các dòng văn học truyền thống và cách mạng, văn học tinh hoa và hàn lâm vẫn tồn tại ngay thời điểm này.

Đâu là giải pháp?

Văn học đại chúng ra đời là một tất yếu khách quan do sự đòi hỏi của đời sống văn học, thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng cũng như sự chế định của nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế thị trường thường gắn liền với sản xuất và lưu thông hàng hóa theo quy luật cung - cầu. Văn học đại chúng là một loại hàng hóa bình đẳng với các loại hàng hóa khác, chứ không phải là hàng hóa đặc biệt như một số người nhầm tưởng. Có lẽ vì thế mà người ta gọi nó là “văn học thị trường”. Nhưng vì nó đáp ứng được nhu cầu của số đông giới trẻ thiên về tìm kiếm sự giải trí đơn thuần, ít quan tâm đến các giá trị tư tưởng và thẩm mỹ nên dòng văn chương này còn có tên gọi là “văn học đại chúng”.

Có lẽ nên nhìn nhận văn học đại chúng như một phạm trù lịch sử văn hóa tất yếu. Nó được sinh ra để đáp ứng nhu cầu thị trường hơn là nhu cầu thẩm mỹ của văn học đích thực. Dòng văn học đại chúng là một đối trọng cần thiết, kích thích sự phát triển của các dòng khác đang có phần già nua, cũ kỹ. Muốn chiếm lĩnh được công chúng, nhất là giới trẻ hôm nay buộc các nhà văn phải tự làm mới mình, đáp ứng nhu cầu thị hiếu công chúng hiện đại mà vẫn không tự đánh mất mình. Còn văn học đại chúng, nhiều lúc, nhiều nơi và nhiều người viết đã không còn là mình nữa, có thể bị chi phối từng phần hoặc toàn phần của quy luật giá cả thị trường, nên thậm chí là best-seller, cũng chẳng bao giờ là dòng văn chương đích thực cả.

Hegel đã từng nói: “Cái tồn tại là cái hợp lý”, vậy có thể suy ra cái hợp lý ắt sẽ tồn tại, nên chúng ta cần phải biết sống chung với nó. Còn ý kiến đào tạo công chúng như Tịnh Thy đưa ra là một ngụy lý, vì nó không bao giờ khả thi. Công chúng muôn đời vẫn là công chúng, không cần ai đào tạo, cũng không thể dùng các mệnh lệnh hành chính can thiệp vào quyền giải trí cũng như thưởng thức tác phẩm của họ dù đấy là dòng văn nào.