Tin mới nhận

Triển khai đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND, triển khai thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) thành phố Hà Nội năm 2020.

Theo đề án, thành phố đặt mục tiêu đưa tổng số sản phẩm được công nhận là SPCNCL Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 từ 115 đến 120 sản phẩm. Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận SPCNCL thành phố tăng từ 10 đến12% so với năm 2019. UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền chương trình phát triển SPCNCL thành phố; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sản phẩm công nghệ cao tham gia đề án. Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ phát triển công nghệ và nhân lực cho các doanh nghiệp có SPCNCL Hà Nội.

Về phục vụ thi công dự án đường sắt đô thị

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa chấp thuận đề nghị của Công ty TNHH SungShin Vina về việc cho phép 32 xe ô-tô vận chuyển bê-tông thương phẩm phục vụ thi công các ga thuộc gói thầu CP03 - tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội trong thời gian từ nay đến hết ngày 28-4. 32 xe xuất phát từ huyện Hoài Ðức với điểm đến là dốc hạ ngầm và các ga S9 Kim Mã (quận Ba Ðình), S10 Cát Linh (quận Ðống Ða), đi theo lộ trình: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã - Giang Văn Minh - Giảng Võ (đoạn từ Giang Văn Minh đến 147 Giảng Võ). Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu, trong quá trình vận chuyển, Công ty TNHH SungShin Vina phải tuân thủ các quy định về Luật Giao thông đường bộ. Xe khi tham gia giao thông phải bảo đảm giấy đăng ký, đăng kiểm còn thời hạn lưu hành; không được hoạt động trong các khung giờ cao điểm. Xe chỉ được dừng, đỗ trong hàng rào phạm vi thi công, không đỗ ngoài đường nhằm tránh gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Xử lý 805 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Theo công bố của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có gần 70 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến liên quan thực phẩm, trong đó, có bảy cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 141 siêu thị, 25 Trung tâm thương mại, 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát... Hai tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã thanh tra, giám sát 10.736 cơ sở, xử lý 805 cơ sở vi phạm, phạt 2,88 tỷ đồng. Công an thành phố kiểm tra 355 vụ việc vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Lực lượng thanh tra các quận, huyện, xã, phường kiểm tra 4.391 cơ sở, xử phạt 1.093 cơ sở, phạt gần 2,2 tỷ đồng.

Sơ tán người dân khỏi năm chung cư nguy hiểm

Ngày 3-3, Sở Xây dựng Hà Nội gửi Văn bản 1702/SXD-PTÐT đề nghị UBND hai quận Ba Ðình, Ðống Ða kiểm tra, rà soát các nhà chung cư cũ nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ, khẩn trương tổ chức tuyên truyền, di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm trên địa bàn. Qua rà soát, năm chung cư nguy hiểm cấp D thuộc diện cần di dời gồm: Ðơn nguyên 1, 3 G6A phường Thành Công; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 3 Tập thể Bộ Tư pháp phường Cống Vị; đơn nguyên 3 C8 Khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Ðình); 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ (quận Ðống Ða).