Tin mới nhận

Chủ động ứng phó tình huống dịch bệnh xấu nhất

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2510-TB/TU về “Kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19”. Theo thông báo này, bên cạnh việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức phòng dịch, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị chuẩn bị tích cực, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp diễn biến dịch xấu nhất, nhằm hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với đời sống nhân dân và phát triển thành phố. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải đánh giá tác động, có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2020 và của nhiệm kỳ 2015-2020, giữ vững ổn định kinh tế, xã hội của thành phố.

Mở bán và cho thuê 484 căn nhà ở xã hội tại Kim Chung

Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 Khu đô thị mới Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Dự án có tổng cộng 1.588 căn hộ, quy mô dân số 5.429 người. Hiện chủ đầu tư đang xây dựng tại ô đất CT4 một khối nhà chung cư cao 12 tầng, một tum, một tầng hầm với 484 căn hộ. Giai đoạn 1 có 93 căn nhà ở thương mại và 303 căn nhà ở xã hội để bán; 88 căn nhà ở xã hội cho thuê. Giá bán nhà ở xã hội là 13.212.000 đồng/m2, giá cho thuê nhà ở xã hội là 50.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT và chưa bao gồm 2% phí bảo trì). Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ nay đến ngày 5-4-2020 tại các địa chỉ: Tổng công ty Viglacera - CTCP, số 1 Đại lộ Thăng Long, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, số 34 phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Thời gian dự kiến ký hợp đồng mua bán nhà ở xã hội vào tháng 5-2020 và dự kiến bàn giao căn hộ trong quý IV năm 2020.

Đề nghị cho phép đơn vị vận tải hành khách cắt giảm số chuyến

Trước tình trạng số lượng hành khách suy giảm mạnh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động cắt, giảm bớt số chuyến, đồng thời không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng theo quy định tại Thông tư của Bộ Giao thông vận tải: Thực hiện tối thiểu 70% tổng số chuyến xe trên các tuyến vận tải hành khách cố định của đơn vị theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt. Theo số liệu thống kê của các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm trong tháng 2-2020, sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh đã giảm từ 40 đến 50% so với những tháng trước, ước đạt 2,6 đến 3,15 triệu hành khách. Trong đó, giảm mạnh nhất là số hành khách bến xe Nước Ngầm ở mức 65%, tiếp đến là bến xe Yên Nghĩa giảm 45%, các bến xe còn lại ở mức từ 30 đến 40%.