Tiếp tục tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội (HAPPTA) về các giải pháp phát triển giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.

Trong đó nêu rõ, thành phố đã lên kế hoạch thực hiện các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020. Bao gồm nghiên cứu, tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại một số tuyến đường trục chính đủ điều kiện; rà soát bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.

Thành phố đang chỉ đạo triển khai dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, thực hiện việc xây dựng các điểm tiếp cận, bảo đảm tích hợp giao thông công cộng cho 12 nhà ga, trong đó có bốn ga trung chuyển gồm Cầu Giấy, Kim Mã, Cát Linh và ga Hà Nội.

Phát khẩu trang miễn phí

Từ ngày 7 đến 10-2, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã tổ chức ra quân tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) tại khu vực chợ Ninh Hiệp, bến xe Giáp Bát và bến xe Mỹ Ðình.

Bên cạnh việc phát khẩu trang miễn phí, cán bộ Hội Chữ thập đỏ còn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng nước sạch, nước diệt khuẩn đúng cách. Trước đó, từ ngày 31-1 đến 4-2, các cấp Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã phát miễn phí 65 nghìn khẩu trang, 60 nghìn tờ rơi tuyên truyền và một số trang, thiết bị để phòng, chống dịch. Ðồng thời, tổ chức tổng vệ sinh môi trường tại các địa phương, tập trung tại các khu dân cư, chợ, trường học…

Hỗ trợ mỗi làng nghề 200 triệu đồngđể đánh giá tác động môi trường

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1109/VP-KT, đề nghị sở, ngành liên quan triển khai thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố.

Cụ thể, sẽ hỗ trợ mỗi làng nghề 200 triệu đồng để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, bao gồm các nội dung như đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề... Với các nội dung này, mỗi làng nghề được đăng ký tối đa năm nội dung, với mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/nội dung.