Ðón nhận phần thưởng cao quý

Ban Tiếp công dân TP Hà Nội vừa tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (17-9-2009 - 17-9-2019). Từ khi thành lập đến nay, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư tại Ban Tiếp công dân thành phố ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, góp phần xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.

Trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp hàng nghìn lượt người, hàng trăm đoàn đông người. Nhiều vụ việc đã được hướng dẫn, giải thích kịp thời ngay tại buổi tiếp, không có vụ việc nổi cộm, bức xúc, vi phạm pháp luật xảy ra tại nơi tiếp. Ðồng thời, cán bộ Ban Tiếp công dân đã phục vụ lãnh đạo thành phố tiếp hàng nghìn lượt người; trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư và đôn đốc xử lý đơn thư của các quận, huyện, sở, ngành một cách hiệu quả, kịp thời, đúng theo quy định của pháp luật. Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã trao Huân chương Lao động hạng ba tặng Ban Tiếp công dân vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2014-2018.

Khen thưởng người lao động có sáng kiến, sáng tạo

Trong phong trào thi đua "Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô" năm 2019, TP Hà Nội có 30.208 cá nhân được tặng danh hiệu "Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động" cấp cơ sở; 1.150 cá nhân được tặng danh hiệu cấp trên cơ sở. Từ đó, Hội đồng sáng kiến Liên đoàn Lao động thành phố quyết định công nhận và khen thưởng "Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô" cho 47 cá nhân, trong đó, có 43 sáng kiến thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh làm lợi hơn 262 tỷ đồng. Riêng ba đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, giáo dục, y tế đã được áp dụng trong phạm vi toàn thành phố, mang lại hiệu quả, được các cơ quan chuyên môn ghi nhận đánh giá cao. Ðây là hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn Thủ đô hưởng ứng cuộc vận động "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững đất nước", do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Ðề xuất xây ba cầu vượt cho người đi bộ qua sông Tô Lịch

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có tờ trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Xây cầu vượt cho người đi bộ kết hợp cho người đi xe đạp qua sông Tô Lịch trên địa bàn quận Ðống Ða, Cầu Giấy". Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là hơn 36 tỷ đồng (trong đó hơn 28 tỷ đồng được lấy từ ngân sách thành phố). Quy mô đầu tư: Xây dựng cầu vượt cho người đi bộ kết hợp cho người đi xe đạp qua sông Tô Lịch tại ba vị trí. Cụ thể: Vị trí cầu Tô Lịch 1 tại giữa cầu Cót - Cầu 361 (đối diện nhà 221 Nguyễn Khang); vị trí cầu Tô Lịch 2 tại giữa cầu 361 - Cầu Trung Hòa (đối diện số nhà 79 Nguyễn Khang); vị trí cầu Tô Lịch 3 tại giữa cầu Trung Hòa - Cầu Hòa Mục (đối diện số nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ). Các cầu sẽ được khởi công và hoàn thành trong thời gian từ năm 2019 đến 2020.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài

UBND thành phố vừa ban hành Văn bản số 3916/UBND-ÐT chỉ đạo các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý theo quy định đối với vi phạm của các tổ chức, cá nhân gây tổn thất lớn về khoáng sản và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt; thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký giữa UBND thành phố với UBND các tỉnh giáp ranh về quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông: phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan chức năng thuộc UBND các tỉnh lân cận trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khoáng sản, nhất là ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh địa giới hành chính, nhất là cát, sỏi lòng sông. Trong đó, người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài nhưng không xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng.