Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản 5314/UBND-ÐT ngày 10-11-2020 triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Thành phố yêu cầu các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong xem xét, quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quyết định đầu tư của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; giải quyết các thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực ngành, cấp liên quan đến các công trình xây dựng, các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư, xây dựng công trình đối với các ban quản lý, các đơn vị trực thuộc nhằm kịp thời chấn chỉnh hoạt động đầu tư, xây dựng công trình theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình theo yêu cầu. Thành phố giao thanh tra thành phố, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra công vụ liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng công trình trên địa bàn thành phố và việc thực thi công vụ của các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ liên quan. Qua đó kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý về kinh tế, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Trong đó nêu rõ, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; duy trì, phát triển mạng lưới thư viện, tăng cường hoạt động luân chuyển sách, báo đến cơ sở, phục vụ sách lưu động tại các điểm trường, đặc biệt chú trọng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện, thành phố có 91 thư viện công cộng, 1.076 thư viện cộng đồng, phòng đọc cơ sở, thư viện tư nhân. Riêng năm 2020, các thư viện đã phục vụ hơn 1,8 triệu lượt bạn đọc, với hơn 3,5 triệu lượt sách, báo. Thành phố tổ chức hiệu quả các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc như: Hội sách Hà Nội, Phố sách xuân dịp Tết Nguyên đán, Hội sách thiếu nhi, cuộc thi "Ðại sứ văn hóa đọc Thủ đô", qua đó, đưa văn hóa đọc phát triển về chiều sâu.

Hưởng ứng quyền người tiêu dùng Việt Nam

Sáng 12-11, Sở Công thương Hà Nội tổ chức mít-tinh hưởng ứng quyền người tiêu dùng Việt Nam và khai mạc Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng. Sau lễ mít-tinh đã diễn ra lễ khai mạc "Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng" với quy mô 120 gian hàng, tại khu quảng trường khu đô thị Times City, 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân (tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm) nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng trong dịp này. Hội chợ diễn ra đến hết ngày 16-11-2020.

Quỹ "Vì người nghèo" tiếp nhận gần 29 tỷ đồng

Ðể hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo, thiết thực hỗ trợ người nghèo vượt khó, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã phát động Tháng cao điểm "Vì người nghèo". Từ khi phát động đến nay, Quỹ "Vì người nghèo" đã tiếp nhận ủng hộ, đăng ký ủng hộ với tổng số tiền là 28,7 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã chuyển về quỹ là hơn 15,2 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã trích quỹ ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" trung ương số tiền 5 tỷ đồng. Số tiền còn lại tiếp tục được sử dụng để hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm, xây các công trình công cộng…