Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công ích

(Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Giảm kinh phí, không giảm chất lượng phục vụ

 
Việc điều chỉnh hình thức cung ứng, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật, tăng cường cơ giới hóa trong các dịch vụ công ích đã giúp thành phố Hà Nội tiết kiệm không ít kinh phí ngân sách cho công tác vệ sinh môi trường. Qua hơn ba tháng triển khai các quy trình, quy định mới đã nảy sinh những bất cập, cần nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung.

Công nhân cắt tỉa cỏ tại dải phân cách trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: VIỆT LINH
Công nhân cắt tỉa cỏ tại dải phân cách trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: VIỆT LINH

Lâu nay, tại các quận nội thành (cũ), việc thu gom rác thải được công nhân các công ty môi trường thực hiện vào khoảng 18, 19 giờ, hoặc buổi sáng hằng ngày, cũng có nơi thu gom cả vào buổi sáng, chiều. Tương tự, việc làm sạch đường phố cũng được tiến hành mỗi ngày ít nhất từ một đến hai lần, nhất là vào mùa lá rụng, công nhân công ty môi trường quét đường, gom lá, gom rác để đường phố phong quang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, từ ngày 1-3-2017, khi các đơn vị trúng thầu tiếp quản việc duy trì công tác vệ sinh môi trường từ các công ty được đặt hàng trước đây, công tác thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, quản lý cây xanh trên địa bàn Thủ đô đã phát sinh nhiều bất cập.

Tại đợt khảo sát mới đây của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện các quy định pháp luật về cung ứng dịch vụ công ích cho thấy, việc duy tu hệ thống công viên - cây xanh, thảm cỏ, dải phân cách không được thường xuyên. Tại các huyện, công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh chủ yếu phục vụ công tác phòng bão. Do tần suất vệ sinh môi trường bị cắt giảm cộng với ý thức của người dân còn hạn chế, cho nên tại nhiều khu vực rác thải bị ùn ứ, không được dọn kịp thời. Nhiều đơn vị phản ánh, để bảo đảm yêu cầu cơ giới hóa, nhiều đơn vị đã tập trung kinh phí mua máy móc, trong đó có máy quét hút rác theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng các máy quét hút rác công nghệ mới này mới chỉ phát huy tác dụng tại các tuyến phố lớn có hạ tầng đồng bộ, chưa phát huy được tại các tuyến phố nhỏ. Chị Phương Dung, ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông nhận xét: Trong vòng hai tháng trở lại đây tôi thấy đường phố ở Hà Đông bẩn hơn. Công nhân vệ sinh môi trường chỉ quét mỗi ngày một lần vào buổi sáng, rất nhiều rác bị vứt ra đường từ trưa đến chiều mà không có người thu dọn kịp thời. Tại các vườn hoa, cây cối cũng ít được chăm sóc, cắt tỉa như trước đây.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến: Trước đây, theo cơ chế “đặt hàng”, các đơn vị hoàn toàn chủ động trong công việc, nhưng khi chuyển sang đấu thầu, đơn giá giảm tới hơn 30% buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm quy trình, tần suất. Chi phí cho công tác vệ sinh môi trường cũng bị hạn chế. Ông Tiến đánh giá, việc ban hành đơn giá 6841/QĐ-UBND ngày 13-12-2016 giúp tiết kiệm ngân sách thành phố trong công tác vệ sinh môi trường, nhưng chưa khảo sát các hạng mục công việc thực tế tại hiện trường để điều chỉnh và xây dựng các định mức mới cho phù hợp; thiếu một số định mức đơn giá cho các công việc thực tế cần thực hiện như quét hè bằng xe cơ giới, quét ngõ, xóm, gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai.

Liên quan việc phân cấp quản lý cây xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết: Thực hiện theo Quyết định số 41/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về "Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn", huyện đã bàn giao danh mục về cây xanh, cây bóng mát trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa về Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng). Tuy nhiên, đã gần hai tháng kể từ khi bàn giao, đơn vị tiếp nhận vẫn chưa duy tu, cắt tỉa cây xanh, trong khi mùa mưa bão đang đến gần. Vì vậy, lãnh đạo huyện đề nghị thành phố phân cấp cho huyện được quản lý duy trì khối lượng cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn để huyện chủ động trong quản lý và khắc phục sự cố nếu có.

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nhận định: Việc thành phố tập trung tăng cường cơ giới hóa, tổ chức đấu thầu tập trung thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tiết giảm kinh phí ngân sách, tập trung đầu mối, tăng tính công khai, minh bạch và khả năng cạnh tranh của các nhà thầu cung ứng dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức cung ứng từ “đặt hàng” sang đấu thầu, hồ sơ mời thầu chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng, tần suất, khối lượng đặc thù theo từng địa bàn, cho nên dẫn đến nhiều phát sinh trong thực tế đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan tham mưu cho thành phố cần khảo sát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung một số định mức đơn giá cho phù hợp thực tế... Điều quan trọng nhất, dù có điều chỉnh đơn giá, giảm kinh phí, tăng cường cơ giới hóa thì vẫn phải bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ công ích trên địa bàn, góp phần cải thiện hơn nữa cảnh quan đô thị, chất lượng sống của người dân Thủ đô.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 18-4-2017.