Họp báo và thông tin báo chí thường kỳ

Ngày 5-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về việc tổ chức họp báo và thông tin báo chí thường kỳ của UBND thành phố Hà Nội. Kế hoạch nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, cơ quan báo chí và công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Điều 41 Luật Báo chí.

Thời gian tổ chức họp báo diễn ra ngay sau phiên họp giao ban thường kỳ hằng quý của UBND thành phố (hoặc theo yêu cầu công tác thực tế của UBND thành phố). Địa điểm họp báo là hội trường trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (hoặc địa điểm cụ thể theo giấy mời họp báo của thành phố). Nội dung họp báo sẽ thông tin về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng hằng quý, sáu tháng, cả năm và những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
 Vận động người dân tổ chức việc cưới, việc tang gọn nhẹ
 
 Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có Công văn số 1095/SVHTT-NSVH gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài việc tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; dừng tổ chức các lễ hội, các sự kiện văn hóa thể thao có tập trung đông người, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị các địa phương, các cơ quan vận động người dân dùng hình thức báo hỷ hoặc hoãn tổ chức tiệc cưới; tổ chức việc tang văn minh, không tổ chức đoàn viếng đông người, rút ngắn thời gian tổ chức, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Sở yêu cầu không tổ chức các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, các chương trình ca múa nhạc, sân khấu kịch, kể cả các chương trình đã được cấp phép.
 
 Chín nhóm giải pháp phòng, chống thiên tai
 
 Nhận định tình hình thời tiết, thiên tai năm 2021 diễn biến cực đoan, khó lường, thành phố Hà Nội triển khai chín nhóm giải pháp phòng, chống thiên tai. Thành phố giao các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai; kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ đập, đê điều, các công trình phòng, chống thiên tai… Các địa phương tăng cường quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi ngay từ khi phát sinh, không để xảy ra vi phạm mới; kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện triển khai hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”. Khi xảy ra sự cố, thiên tai, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tập trung lực lượng, phương tiện, xử lý ngay từ giờ đầu… UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng hệ thống đê điều, hồ đập, bảo đảm an toàn bền vững, sử dụng hiệu quả trong phòng, chống thiên tai kết hợp phát triển giao thông…