Tin mới nhận

Gần 180 tỷ đồng phòng, chống thiên tai

UBND thành phố vừa phê duyệt kế hoạch thu, chi Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2020. Trong năm nay, thành phố sẽ thu 69,7 tỷ đồng Quỹ Phòng, chống thiên tai.

 Huyện Chương Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình xử lý sự cố đê tả Bùi, đoạn qua xã Hoàng Văn Thụ. Ảnh: KIM NHUỆ
Huyện Chương Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình xử lý sự cố đê tả Bùi, đoạn qua xã Hoàng Văn Thụ. Ảnh: KIM NHUỆ

Từ nguồn quỹ này, UBND thành phố chi 3,9 tỷ đồng hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa thiên tai có tính chất thường xuyên; chi 30 tỷ đồng cho các hoạt động ứng phó, cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai có tính chất đột xuất và chi 144,4 tỷ đồng cho các hoạt động ứng phó, cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai khi tình huống sự cố, thiên tai vượt dự kiến và hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai... UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã triển khai công tác thu quỹ đến các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn.

Giảm chi thường xuyên 10% trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Để duy trì, nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2020 và các năm tiếp theo, TP Hà Nội tiếp tục hiện đại hóa hành chính, chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 100%. Thực hiện nghiêm túc việc thông báo trước khi hồ sơ quá hạn, thực hiện xin lỗi khi để xảy ra trễ hẹn, sai sót trong tiếp nhận hồ sơ. Thành phố tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đáng chú ý, thành phố sẽ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế ít nhất là 10% so với năm 2015. Giảm chi thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp công lập từ 10% trở lên so với năm 2015...

Ngăn ngừa tình trạng mất cắp hiện vật tại các di tích

Nhằm tăng cường quản lý, phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật và ngăn chặn tình trạng xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, trái phép tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát, kiểm tra, xây dựng kế hoạch hằng năm hỗ trợ chống xuống cấp các di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, có giá trị đặc trưng, tiêu biểu; đồng thời tổng hợp, tham mưu thành phố xử lý, rà soát, đôn đốc, khắc phục tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về quản lý nhà nước trong công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn. Công an thành phố chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ, cơ quan cảnh sát điều tra các quận, huyện, thị xã phối hợp điều tra, trấn áp, khắc phục, không để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn quản lý.

Thông qua đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn huyện Đông Anh

UBND thành phố vừa thông qua đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000 khu vực gần dự án Khu Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh, gồm các xã Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm và Xuân Canh. UBND thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng, phối hợp với huyện Đông Anh và các bên liên quan lấy ý kiến của cộng đồng cư dân, trình UBND thành phố đồ án; đồng thời chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cập nhật nội dung điều chỉnh vào hồ sơ đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để quản lý thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Sở Xây dựng Hà Nội triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng bảo đảm đúng quy định về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường...

Làm rõ thông tin khai thác trái phép đất đồi tại huyện Ba Vì

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ba Vì kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 30-6 tới, đồng thời trả lời báo chí theo quy định. Trước đó, một số báo thông tin nhiều vùng quả đồi ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì bị “'băm nát”, phản ánh tình trạng các chủ đầu tư, nhà thầu thu mua đất đồi của các hộ dân, sau đó san gạt, hạ nền đất, cải tạo vườn đồi, chuyển đổi cây trồng và tận dụng khai thác đất ồ ạt, dẫn đến các vùng đồi bị biến dạng, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Nhiều điểm khai thác đất thiếu an toàn, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.