Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội chậm tiến độ

Ngày 1-4, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, một số gói thầu của dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra từ 2% đến 8%.

Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ được bê-tông hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NGỌC MAI
Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ được bê-tông hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NGỌC MAI

Cụ thể, gói thầu do nhà thầu Posco thi công chậm 2%; gói thầu do nhà thầu Daelim thực hiện chậm 8%. Theo lý giải của đơn vị tư vấn giám sát - Systra, hiện trạng công trường khác so với tính toán; chưa giải tỏa được một số công trình hạ ngầm, đi nổi qua khu vực triển khai dự án; nhiều gói thầu phát sinh thêm một số công đoạn… Bên cạnh đó, năng lực một số nhà thầu phụ không bảo đảm, khiến tiến độ thi công bị chậm so với kế hoạch.

Phát động cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ ba

Ngày 1-4, Báo Hà nội mới tổ chức phát động cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ ba. Tất cả các cây bút chuyên và không chuyên trên địa bàn cả nước đều có thể gửi tác phẩm dự thi với số lượng không hạn chế. Các tác phẩm dự thi phải ngắn gọn, dễ hiểu, bảo đảm tính chân thực, kịp thời và có dung lượng không quá 400 chữ, khuyến khích tác phẩm có ảnh, thơ kèm theo. Ban Tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1-4-2015 và kết thúc vào ngày 1-4-2016; gửi về địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Hà nội mới, 44 phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc email: thubandoc@hanoimoi.com.vn. Cơ cấu giải thưởng gồm một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba, 15 giải khuyến khích và một giải dành cho tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất đã được đăng báo.

Phấn đấu có thêm ba huyện nông thôn mới

Tính đến tháng 3-2015, thành phố Hà Nội có 121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 30,17%; 133 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Năm 2015, thành phố phấn đấu có thêm 57 xã đạt nông thôn mới, đạt tỷ lệ hơn 40%; có thêm ba huyện là: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng hệ thống hạ tầng, các cấp ủy đảng, chính quyền đang tích cực triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến như: trồng lúa hàng hoá chất lượng cao, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi quy mô lớn...

Tổng kiểm tra các công viên, vườn hoa

UBND thành phố Hà Nội vừa giao các Sở: Xây dựng, Tài chính, Công an thành phố và các quận, huyện thực hiện tổng kiểm tra toàn bộ các công viên, vườn hoa trên địa bàn, xử lý nghiêm việc sử dụng các hạng mục trong công viên sai mục đích; đề xuất thay đơn vị quản lý nếu phát hiện đơn vị, quận, huyện được giao quản lý công viên, vườn hoa nhưng làm yếu kém. Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các công viên, vườn hoa, tăng cường kêu gọi xã hội hóa đầu tư và quản lý công viên bảo đảm hiệu quả. Năm 2015, thành phố sẽ triển khai dự án các công viên Nhân Chính, công viên - hồ điều hòa phía bắc và phía nam nghĩa trang Mai Dịch…

Sóc Sơn thành "vựa" gà đồi

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện nay, huyện Sóc Sơn có khoảng 1,02 triệu con gà, trong đó, khoảng 479 nghìn con gà thịt, tập trung ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn. Quy mô chăn nuôi từ 500 con đến 600 con gà thịt/hộ. Gà đồi Sóc Sơn có chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Nhiều xã ở Sóc Sơn có diện tích đất đồi rộng, có thể nuôi gà theo hướng bán chăn thả. Mới đây, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn đã được thành lập, nhằm tăng cường công tác hỗ trợ chăn nuôi, giám sát dịch bệnh và dự báo thị trường...

Tặng quà cho người khuyết tật, người nghèo

Nhân ngày người khuyết tật Việt Nam (18-4), UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định tặng quà các tập thể, cá nhân thuộc diện nghèo có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố. Theo quyết định này, các đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người khuyết tật do UBND thành phố thành lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 50% trở lên số lao động là người khuyết tật được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận sẽ được tặng 3.500.000 đồng/đơn vị, cơ sở. Mỗi quận, huyện, thị xã sẽ được phân bổ mười suất quà dành tặng người khuyết tật nặng thuộc diện hộ nghèo, mỗi suất trị giá 600 nghìn đồng. Các hộ gia đình thuộc diện nghèo có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhận mức quà 600 nghìn đồng/hộ.