Công bố quyết định sáp nhập và ra mắt các đơn vị hành chính

Thực hiện Nghị quyết số 895/NQ-UBTVQH14 ngày 11-2-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường thuộc TP Hà Nội, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng vừa tiến hành công bố quyết định sáp nhập và ra mắt các đơn vị hành chính.

Cụ thể, nhập toàn bộ 0,14 km2 diện tích tự nhiên, 4.489 người của phường Bùi Thị Xuân và 0,01 km2 diện tích tự nhiên, 642 người của phường Ngô Thì Nhậm vào phường Nguyễn Du. Sau khi sáp nhập, phường Nguyễn Du có diện tích tự nhiên 0,52 km2, quy mô dân số 11.399 người. Nhập toàn bộ 0,18 km2 diện tích tự nhiên, 5.526 người của phường Ngô Thì Nhậm sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính vào phường Phạm Đình Hổ. Sau khi sáp nhập, phường Phạm Đình Hổ có diện tích tự nhiên 0,48 km2, quy mô dân số 12.611 người. Sau khi sắp xếp, quận Hai Bà Trưng có 18 phường.

★ Tại huyện Phúc Thọ, xã Sen Phương được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, số dân của xã Phương Độ và toàn bộ diện tích tự nhiên, số dân của xã Sen Chiểu. Sau khi thành lập, xã Sen Phương có diện tích tự nhiên 7,89 km2, quy mô dân số 11.752 người. Xã Xuân Đình được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, số dân của xã Cẩm Đình và toàn bộ diện tích tự nhiên, số dân của xã Xuân Phú. Sau khi thành lập, xã Xuân Đình có diện tích tự nhiên 9,16 km2, quy mô dân số 8.812 người. Sau khi sáp nhập, huyện Phúc Thọ có 20 xã và một thị trấn.

★ Tại huyện Phú Xuyên, sáp nhập địa giới hành chính xã Văn Nhân và Thụy Phú, thành lập xã Nam Tiến gồm sáu thôn và một khu dân cư. Sau khi sáp nhập, xã Nam Tiến có tổng diện tích tự nhiên 6,5 km2, quy mô dân số 8.638 người; huyện Phú Xuyên có 26 xã và một thị trấn.

Thu ngân sách tăng 4,9%

Hai tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội đạt 51.470 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 18,5% dự toán năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố hai tháng đầu năm ước đạt 1.728 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,56 triệu lượt, giảm 25%. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố đã xây dựng ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trước mắt, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Duy tu, nâng cấp hạ tầng xe buýt

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị vừa có Tờ trình đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội duyệt chi 8 tỷ đồng để duy tu hạ tầng xe buýt, phục vụ mở mới, điều chỉnh luồng, tuyến xe buýt. Các hạng mục gồm lắp mới pa-nô, biển báo điểm dừng xe buýt, thay nền, thay thông tin, sơn vạch điểm dừng xe buýt và sửa chữa những hư hỏng đột xuất của hệ thống hạ tầng xe buýt… Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng đề nghị Hà Nội chi 1 tỷ đồng để duy tu, cải tạo điểm đầu, điểm cuối xe buýt, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong năm 2020, thành phố sẽ đầu tư mới hơn 500 điểm dừng xe buýt để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Đồng thời, thành phố sẽ rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân.