Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nước thải

Mỗi ngày, các doanh nghiệp, hộ dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội thải ra khoảng 900 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, trong đó chỉ có khoảng 23% được đưa vào xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải, còn lại xả trực tiếp ra các kênh mương, hồ ao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong đó, riêng sông Tô Lịch trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 150 nghìn mét khối nước thải sinh hoạt, tương đương một phần sáu tổng lượng nước thải của thành phố và hàng nghìn mét khối nước thải công nghiệp, nước thải từ các làng nghề,… chưa qua xử lý, khiến cho dòng sông ngày càng ô nhiễm. Nước sông chứa nhiều loại vi-rút, vi khuẩn nguy hại, cộng với bùn thải đặc quánh, tạo nên mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân sinh sống khu vực chung quanh.

Ðể giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp sông Tô Lịch hồi sinh, UBND thành phố Hà Nội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA Việt Nam) đã triển khai dự án xây dựng Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, bao gồm xây dựng một nhà máy xử lý nước thải công suất 270 nghìn mét khối/ngày đêm trên địa bàn huyện Thanh Trì và hệ thống cống thu gom, đấu nối đường kính từ 400 mm đến 2.400 mm, dài khoảng 52,6 km dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Ðông. Tổng mức đầu tư dự án hơn 16 nghìn tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án ban đầu dự kiến vào năm 2022, nhưng dự án đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

UBND thành phố Hà Nội cùng với JICA đã chỉ đạo chủ đầu tư vượt qua khó khăn, vướng mắc để thực hiện dự án. Ðến nay, gói thầu số 1 xây dựng nhà máy đã được khởi công và đang thực hiện đúng tiến độ; gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính dự kiến khởi công cuối quý I năm nay; gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ đang trong quá trình chuẩn bị thi công; gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực quận Hà Ðông đã khởi công đầu tháng 12-2019. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều, trong khi mặt bằng thi công dự án trải dài ở nhiều quận, huyện và thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ðể dự án đạt tiến độ đề ra, UBND thành phố cần chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội tăng cường kết nối, phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà thầu để triển khai thi công đồng bộ các hạng mục, tránh tình trạng chồng chéo công việc, các hạng mục phải chờ đợi nhau, làm chậm tiến độ của cả dự án. Ðôn đốc các nhà thầu tăng cường phương tiện máy móc, nhân lực và có phương án thi công phù hợp để triển khai thi công các hạng mục nhanh chóng, bảo đảm chất lượng, nhất là phần thi công tuyến cống thu gom nước thải. Ðồng thời, các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải cần có phương án chỉnh trang, cải tạo đường dạo ven sông ngay sau khi đưa dự án vào hoạt động để tạo cảnh quan môi trường đô thị, vừa để nâng cao hiệu quả dự án.