Học nghề sau tốt nghiệp THCS

Xu hướng cần được thực tế khẳng định

Có cơ hội làm việc sớm, phù hợp với năng lực và nhu cầu người học khiến việc tuyển dụng của một số trường nghề không khó khăn như nhiều người vẫn suy nghĩ, nhất là với đối tượng học sinh, nhiều bỡ ngỡ như học sinh lớp 9.

Giáo viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long dạy nghề trang điểm cho học sinh.
Giáo viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long dạy nghề trang điểm cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh cho biết, đối tượng học nghề sau THCS là một trong nguồn đầu vào được trường tập trung đầu tư khai thác. Năm học 2019 - 2020, trường dành 200 chỉ tiêu tuyển sinh cho học sinh chưa học xong lớp 9 và hơn 1.000 cho học sinh tốt nghiệp THCS. Qua việc tuyển sinh đối tượng này, nhà trường nhận thấy nhu cầu học nghề của các em học sinh lớp 9 ngày càng cao, nhưng lại chưa có điều kiện tiếp cận trực tiếp thông tin đào tạo nghề, cũng như nhu cầu ngành nghề mà xã hội đang cần. "Hiện có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu về lao động qua đào tạo. Học sinh từ 16 tuổi có thể tham gia lao động nhưng phải có công việc phù hợp. Ðiều này trường chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện được và là khâu trung gian bảo lãnh để cả người học và nhà tuyển dụng cùng thực hiện yêu cầu của mình. Một trong những ngành thu hút nhiều học sinh tham gia nhất và được nhiều doanh nghiệp đặt hàng hiện nay là du lịch, khách sạn. Với đầu ra việc làm tốt, có cơ hội thực tập từ sớm, đây là lĩnh vực trọng tâm được nhà trường chú trọng đào tạo và tuyển dụng" - ông Vinh chia sẻ.

Ðược biết, mô hình 9+ thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian từ sáu tháng đến một năm như: chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, làm bánh. Các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Lựa chọn thứ hai là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9 + 2, 9 + 3, 9 + 4, 9 + 5 để theo tám bậc của khung trình độ quốc gia. Sau hai năm, các em lấy bằng trung cấp, những năm tiếp theo lấy bằng cao đẳng. Sau này nếu có nhu cầu các em học tiếp để lấy bằng đại học.

Mặc dù có cơ chế mở để người học có thể nâng cao trình độ cũng như được miễn phí học nghề, nhưng thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy, mô hình 9+ chưa thu hút nhiều người học dù hệ trung cấp các em được miễn học phí. Nguyên nhân chính là do công tác phân luồng. Hiện nay, chủ yếu phụ huynh và học sinh lựa chọn hình thức từ THCS vào trung cấp học nghề do điều kiện kinh tế gia đình và năng lực học của học sinh. Trong khi, phần đông vẫn mang nặng tâm lý bằng cấp.

Mặc dù mục tiêu Chính phủ đặt ra vào năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề, nhưng đến nay tỷ lệ này của cả nước chỉ đạt khoảng 15%. Ðối với các thành phố lớn như Hà Nội thì việc đạt mục tiêu này còn khó khăn hơn.

Thầy giáo Phạm Văn Ngát, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho rằng, việc phấn đấu làm sao để đến năm 2020 có 30% học sinh hoàn thành chương trình THCS vào học trường nghề là rất khó khăn, bởi xuất phát từ rào cản tâm lý của cha mẹ học sinh. Hầu hết các phụ huynh đều mong muốn con sau khi tốt nghiệp THCS sẽ thi vào THPT, mở rộng cơ hội học lên đại học. Thực tế, nhiều học sinh năng lực học tập chưa cao hoặc không muốn thi vào trường THPT, nhưng bị bố mẹ ép. Hầu như không ai muốn cho con học nghề từ lúc 15 tuổi.

Về tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, cách dạy và học hiện nay chưa chú trọng đến việc tạo ra cho học sinh nội lực để thích học nghề. Thực tế, phần lớn học sinh chọn học nghề là những em có học lực yếu, kém. Ðiều này làm ảnh hưởng đến chất lượng lao động. Cách tổ chức hoạt động giáo dục và kiểm tra đánh giá cần thay đổi, làm sao để học sinh biết yêu thích một nghề nào đó và thật sự có nhu cầu học nghề. Chỉ khi đó, những học sinh giỏi mới mạnh dạn học nghề. Khi các em đó theo nghề nghiêm túc, rất có thể sẽ phát kiến được nhiều cái hay. Ðể đổi mới tổ chức hoạt động dạy học, nhà trường rất cần cơ sở vật chất, điều kiện thực hành thí nghiệm và các khu trải nghiệm. Ðể giải quyết tốt hơn vấn đề phân luồng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP Hà Nội chia sẻ, thành phố nên đưa ra cơ chế để tất cả cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm giúp học sinh phổ thông ở Hà Nội được trải nghiệm những ngành nghề mà các em mong muốn.